Khách hàng không tin tưởng, thanh toán trực tuyến tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 3%

Trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam, hình thức COD (nhận hàng mới thanh toán) hiện vẫn chiếm tới 92%, còn thanh toán trực tuyến chỉ 3-4%. Nguyên nhân là do niềm tin giữa người tiêu dùng với người bán hàng thấp.

Trao đổi tại hội thảo chia sẻ về tiềm năng bán hàng dịp mua sắm cuối năm 2017 do Bizweb tổ chức ngày 28/10, ông Lê Đức Anh, đại diện Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương cho hay, các mặt hàng bán chạy thường là quần áo, giày dép, đồ công nghệ, điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, vé máy bay, ô tô…

Thống kê của Bộ Công thương năm 2016, các loại hàng hóa dịch vụ thường được mua sắm qua mạng gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm (56%), đồ công nghệ và điện tử (55%), thiết bị đồ dùng gia đình (48%), vé máy bay, tàu hỏa, ô tô (45%), thực phẩm 26%…

Hàng hóa được kinh doanh qua các kênh mua sắm trực tuyến gồm website thương mại điện tử bán hàng, sàn giao dịch, website mua hàng theo nhóm, diễn đàn, mạng xã hội, ứng dụng mua hàng trên di động…

Sự kiện do Bizweb tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 28/10.

Theo ông Nguyễn Văn Thiên, CEO Adam Group, các doanh nghiệp nên quan tâm đến sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, dung lượng thị trường lớn, tập trung vào nhu cầu cấp thiết. Xem xét sản phẩm có giá bán trong khoảng từ 250.000 – 600.000 đồng (nếu ít hơn sẽ không có lãi hoặc lãi ít, còn nếu cao hơn khách hàng không dễ ra quyết định mua sắm ngay)…

Cùng đó lựa chọn sản phẩm có hình ảnh đẹp, video ấn tượng – những yếu tố dễ thu hút, gây ấn tượng và tạo ra cảm xúc cho người mua.

Trao đổi thêm, ông Lê Đức Anh cho rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia thị trường thương mại điện tử, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng lớn.

Do đó, để thị trường phát triển, thực tế đòi hỏi người kinh doanh và khách hàng tham gia thương mại điện tử cần nâng cao chất lượng bán hàng, uy tín

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử cho thấy, tại Việt Nam, kênh COD (người tiêu dùng trả tiền khi nhận được hàng) hiện vẫn chiếm tới 92%, còn lại thanh toán trực tuyến chỉ 3-4%.

“Nguyên nhân là do niềm tin giữa người tiêu dùng với bán hàng thấp. Và ngược lại, người bán cũng mất niềm tin vào người tiêu dùng do tình trạng đặt hàng rồi hủy diễn ra rất phổ biến”, ông Đức Anh nói.

Những vấn đề người mua hàng quan tâm hàng đầu khi mua sắm trực tuyến là chất lượng của dịch vụ, hàng hóa chiếm 81% giá cả 79%; uy tín của người bán 69%; vận chuyển hàng hóa 56%, chính sách bảo mật thông tin khách hàng 38%...

Còn theo ông Nguyễn Văn Thiên, thực tế cũng do phần lớn tâm lý người Việt vẫn có suy nghĩ phải cân đo đong đếm cụ thể, cầm nắm được sản phẩm rồi mới quyết định tới việc trả tiền mua sắm.

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử cũng cho thấy, những vấn đề người mua hàng quan tâm hàng đầu khi mua sắm trực tuyến là chất lượng của dịch vụ, hàng hóa chiếm 81% giá cả 79%; uy tín của người bán 69%; vận chuyển hàng hóa 56%, chính sách bảo mật thông tin khách hàng 38%...

Đối với vấn đề uy tín của thị trường thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, sản phẩm bán ra không đúng như cam kết, quảng cáo… diễn ra khá phổ biến đối với thị trường thương mại điện tử trong nước. Chính các doanh nghiệp làm ăn chụp giật đã tự “bắn vào chân mình”, gây suy giảm lòng tin đối với thị trường thương mại điện tử.

Chính vì thế, để có thể thu hút người tiêu dùng tham gia và có niềm tin vào thương mại điện tử, vấn đề gây dựng lòng tin là yếu tố sống còn. Ngoài ra phải giải quyết từ vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm, quảng cáo trung thực, giao hàng đúng hẹn, doanh nghiệp phải biết giữ uy tín khi kinh doanh thương mại điện tử…

Nguyên Đức
Nguồn ICT News