Xà bông Cô ba sắp "cải tử hoàn sinh"?

Từng là một trong những thương hiệu "vang bóng một thời", khi vào tay "đại gia" bất động sản HAR thì liệu thương hiệu xà bông Cô Ba liệu có thể hồi sinh?

Thương hiệu "vang bóng một thời"

Xà bông Cô Ba là một trong những thương hiệu mà giờ đây khi nhắc lại sẽ khiến không ít người xúc động bởi lẽ đây là những sản phẩm đã từng rất gắn bó với cuộc sống hàng ngày với người dân Việt Nam trước kia.

Đối với người lớn tuổi không ai không biết sản phẩm xà bông Cô Ba, đây là loại xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam dùng để tắm gội có thể đánh bại xà bông thơm của Pháp nhờ chất lượng tốt, giá thành thấp.

Năm 1932, ông Trương Văn Bền – một thương gia người Việt gốc Hoa với lợi thế nắm trong tay cơ sở ép dầu dừa đã mở thêm nhà máy làm xà bông từ dầu nông sản. Doanh nghiệp của ông là Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam).

Ông Trương Văn Bền.

Sau ngày thống nhất đất nước, công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam, sau đó đổi thành tên thành Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Phương Đông vào năm 2004.

Sau khi giải quyết xong nhu cầu xà bông bình dân nhất cho người lao động, ông Trương Văn Bền tiếp tục phát triển thêm sản phẩm xà bông cao cấp hơn với tên gọi “Cô Ba”, một cái tên thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ. Ngay lập tức, sản phẩm Cô Ba sau khi có mặt đã trở thành mặt hàng được đón chào nồng nhiệt không chỉ từ giới bình dân.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng xà bông Cô Ba của ông Trương Văn Bền đã mau chóng chiếm lĩnh thị trường và được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên Thế giới.

Hiện, công ty vẫn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và thương mại các loại hóa chất như mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, chế phẩm vệ sinh… Tuy nhiên, từ khi cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái hơn 50% vốn cách đây ba năm, công ty bắt đầu tăng vốn liên tục từ 20 tỷ đồng lên gần 152 tỷ đồng và chuyển đổi ngành nghề kinh doanh chính thành cho thuê bất động sản.

Công ty còn đang sở hữu mảnh đất hai mặt tiền tại trung tâm chợ hóa chất Kim Biên với diện tích trên 10.000 m2 đã được UBND Quận 5 (TPHCM) cấp phép xây dựng trung tâm thương mại. Đây được xem là “miếng mồi ngon” thu hút đại gia bất động sản thực hiện thương vụ thâu tóm này nhằm phục vụ chiến lược gia tăng quỹ đất thông qua mua bán, sáp nhập và phát triển dự án thương mại.

Sẽ ra sao khi về tay chủ mới?

Mới đây, CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR) vừa thông báo việc quyết định đầu tư ít nhất 35% cổ phiếu và được quyền mua thêm 20% cổ phần của CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông.

Đối với người lớn tuổi không ai không biết sản phẩm xà bông Cô Ba.

Tổng giám đốc HAR - ông Nguyễn Nhân Bảo sẽ đại diện tham gia điều hành tại doanh nghiệp trên.

HAR là công ty có nhiều quỹ đất lớn. Và đây không phải lần đầu tiên trong năm HAR thực hiện M&A doanh nghiệp. Trước đó, HAR đã hoàn tất thương vụ sở hữu dự án Nha Trang Coral Beach với quy mô 13,5 ha, thông qua việc mua lại 100% cổ phần tại CTCP Khu du dịch Đảo San Hô.

HAR cũng nhận chuyển nhượng 51% vốn tại CTCP Cơ khí Ngân hàng. Bản thân doanh nghiệp này đang sở hữu 2 mảnh đất mặt tiền tại quận 5 và tại quận Phú Nhuận, đặc biệt là khu đất 2.317 m2 tại góc Nguyễn Trọng Tuyển – Phạm Văn Hai.

Theo HAR, sau khi mua lại công ty sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba, công ty sẽ phát triển lại thương hiệu xà bông này.

Như vậy, một thương hiệu đã "vang bóng" đang có nguy cơ "đi vào dĩ vãng" khi vào tay một "đại gia" bất động sản, liệu thương hiệu này có thể "hồi sinh" và có những bước phát triển mới?

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp