Một ngày của "doanh nhân toàn cầu" Carlos Ghosn - Chủ tịch Nissan Motor

Carlos Ghosn là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài nổi tiếng nhất tại Nhật Bản.

Carlos Ghosn mang 3 dòng máu Brazil, Pháp và Lebanon. Ông sinh ra tại thành phố Porto Velho, Brazil. Hiện ông giữ cương vị Chủ tịch và CEO Hãng ô tô Renault và liên doanh Renault-Nissan, Chủ tịch Nissan Motors và Mitsubishi Motors.

Năm 1999, Carlos Ghosn (lúc đó đang là Phó chủ tịch điều hành của Hãng xe Pháp Renault) đến Nhật Bản để thực hiện nhiệm vụ quan trọng là cứu Nissan. Cụ thể, tháng 5/1999, Renault mua lại 36,8% cổ phần của Nissan. Vẫn giữ những vai trò lãnh đạo tại Renault, Ghosn đồng thời giữ vai trò COO của Nissan vào tháng 6/1999, sau đó trở thành Chủ tịch vào năm 2000 và thành CEO vào tháng 6/2001.

Với cương vị CEO của một công ty đang gặp nhiều khó khăn, ông đã tạo ra sự thay đổi lớn, cắt giảm chi phí và cải thiện hình ảnh một thương hiệu vốn dĩ đang bị lu mờ dần. Vào năm 2005, Ghosn cũng trở thành Chủ tịch và CEO của Renault. Dưới sự dẫn dắt của ông, liên doanh sản xuất ô tô Pháp-Nhật Renault-Nissan đã trở thành một trong những hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.

Carlos Ghosn chưa bao giờ “đứng yên”. Tháng 12/2016, ông trở thành Chủ tịch Mitsubishi Motors, sau khi Nissan hoàn tất thương vụ mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi Motors.

Ảnh: Irwin Wong / HBR.

Nắm vai trò lãnh đạo tại Nissan, Renault, liên doanh Renault-Nissan và Mitsubishi, mỗi tháng, Carlos Ghosn phải thường xuyên đi lại giữa Nhật Bản, Pháp và nhiều thị trường khác mà các công ty này hoạt động, chẳng hạn như Mỹ, Brazil, Trung Quốc và Trung Đông. Thường xuyên nhận được câu hỏi “Ông làm gì mỗi ngày?”, ông cho đó là câu hỏi khó. Bởi vì đặc thù công việc của ông là không ngày nào giống ngày nào, nó phụ thuộc vào địa điểm làm việc và những quyết định cần phải thực hiện.

Dù mỗi ngày làm việc đều khác biệt như vậy, nhưng có một điểm chung ông dành cho công việc là luôn tập trung vào hiệu suất và sự thành công cho các doanh nghiệp mình lãnh đạo.

Sau đây là "thời khóa biểu" làm việc hằng ngày và góc nhìn của Carlos Ghosn về xu hướng toàn cầu hóa, được ông chia sẻ trên Nikkei Asian Review:

Bất kể ở nơi nào trên thế giới, tôi luôn là người dậy sớm. Ở Paris, tôi thường có mặt ở văn phòng lúc 7h30 sáng. Ở Nhật, tôi đến văn phòng lúc gần 8h sáng (vì tốn thêm thời gian di chuyển từ Tokyo đến các văn phòng của Nissan ở Yokohama). Sau đó, tôi yên lặng làm việc một mình trong nhiều giờ đồng hồ. Và đây chính là khoảng thời gian làm việc hiệu quả nhất của tôi.

Phần lớn thời gian trong ngày của tôi đều được lên lịch chặt chẽ. Các cuộc họp bắt đầu từ 8h sáng. Và mọi công việc sẽ không kết thúc trước 8h tối hoặc muộn hơn. Chẳng có gì lạ khi tôi rời Tokyo vào tối thứ Sáu để tham gia các cuộc họp ở nước khác vào cuối tuần, sau đó bay đến Paris để làm việc trong tuần tiếp theo. Thời gian ngủ của tôi thường là trên máy bay.

Cách sinh hoạt này có thể không tốt cho chúng ta, cả về mặt thể chất lẫn đời sống xã hội, nhưng chúng ta phải học cách quản lý nó. Bởi đó là điều cần thiết cho các nhà lãnh đạo trong thời đại toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa là một xu hướng đang thay đổi cách chúng ta kinh doanh và cạnh tranh. Đồng thời, chúng ta cũng đang chứng kiến một xu hướng xã hội khác đang định hình nền kinh tế toàn cầu: vấn đề về bản sắc và sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc. Cả hai xu hướng này đang cùng tồn tại song song.

Carlos Ghosn thường xuyên di chuyển qua lại giữa Pháp, Nhật và nhiều nước khác.

Có thể thấy rõ điều này ở vấn đề Brexit. Người Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng họ vẫn muốn làm việc và giao thương với khu vực này và với thế giới.

Cả hai xu hướng trên đều đang diễn ra tại Nissan. Toàn cầu hóa giúp chúng tôi kinh doanh ô tô hiệu quả tại hơn 160 nước và thu hút được đa dạng nhân tài. Nhưng bản sắc riêng vẫn tồn tại sâu trong “DNA Nhật Bản” của chúng tôi.

17 năm qua, Renault và Nissan đã tham gia vào một liên doanh chung nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cả hai nhà sản xuất ô tô đến từ 2 quốc gia khác nhau là Pháp và Nhật. Cả hai công ty cùng chia sẻ những mục tiêu chung, nhưng duy trì những nét văn hóa và bản sắc riêng. Liên doanh Renault-Nissan là một minh chứng cho thấy, bất chấp những khác biệt về ngôn ngữ, khu vực, truyền thống, 2 công ty hoàn toàn có thể cùng phát triển mạnh mẽ hơn, vừa có thể nắm bắt được những cơ hội của toàn cầu hóa vừa thu được nhiều lợi ích riêng biệt.

Giống như có thể dùng 2 yếu tố toàn cầu hóa và bản sắc riêng để mô tả về Nissan, chúng cũng là một cách hoàn hảo để mô tả về cuộc sống của tôi. Ông tôi là người Lebanon nhập cư vào Brazil – nơi tôi được sinh ra. Nhưng tôi trải qua thời thơ ấu và học phổ thông ở Lebanon trước khi đến học đại học tại Pháp – nơi tôi nhập quốc tịch. Tôi cũng sống ở Mỹ nhiều năm, và hiện các con tôi sống ở đó.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình thật “Brazil” khi trở về đất nước này. Vì vậy, tôi rất tự hào khi được cầm ngọn đuốc Olympic tại quê nhà ở sự kiện thể thao Olympic Rio 2016 vừa qua. Nhiều người nói với tôi rằng: “Ông trông như một người khác khi trở về Rio (Rio de Janeiro)”. Có thể là vì lúc đó tôi đang trở về với cội rễ của mình.

Trong quá trình trưởng thành, các con tôi cũng chịu ảnh hưởng của sự đa dạng văn hóa. Chúng được sinh ra ở Brazil và Mỹ, thụ hưởng nền giáo dục của nước Pháp, Nhật và Mỹ. Dù sống ở đâu, chúng đều “nhặt nhạnh” một số nét văn hóa tại đó, như sự thanh lịch và tỉ mỉ của người Nhật, cách tư duy độc đáo của người Pháp... Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, thế giới này sẽ có rất nhiều người giống như chúng – những người vừa giữ vững bản sắc của mình vừa tiếp thu xu hướng toàn cầu hóa.

20 năm trước, mọi người thường làm việc ở quê hương mình, nhưng từ bây giờ, ngày càng nhiều người sẽ sống và làm việc ở các quốc gia khác. Điều này vừa mở ra cơ hội vừa mang đến cho các cá nhân này những thách thức mới. Ví dụ, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng “jet lag” (tình trạng mệt mỏi sau chuyến bay do tác động của sự chênh lệch múi giờ tại điểm đến), thậm chí nhiều người có thể sẽ mất dần những bạn bè thân thiết. Họ cần nhiều nguồn lực và sự quyết tâm để vượt qua được những thách thức đó.

Tôi sẽ không được như ngày hôm nay nếu không có những hy sinh như vậy trong quá khứ. Vì toàn cầu hóa giúp chúng ta mở rộng những giới hạn của mình, cho phép chúng ta nhận ra tiềm năng của bản thân và đạt được thành công.

Bích Trâm
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn