Cửa hàng tiện lợi thêm phần thuận lợi

Trong 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam lên đến 200%.

Cách đây 10 năm, đi siêu thị, nhà sách là thú vui cuối tuần của thế hệ 8X để mua nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, giải trí. Nay thế hệ 9X, 10X có nhiều lựa chọn hơn, mọi lúc, mọi nơi, tất cả nhu cầu cần thiết được phục vụ bằng các mô hình cửa hàng tiện lợi phủ từ đầu đường đến cuối ngõ. Trong 3 năm trở lại đây, cửa hàng tiện lợi đang phát triển cực thịnh theo 2 mô hình. Mô hình đầu là bán nhu yếu phẩm như Circle K, FamilyMart, Ministop... Còn lại là phép “lai” giữa mô hình cửa hàng đồng giá từng một thời gây bão và các cửa hàng tiện lợi. Đó là hệ thống các cửa hàng kinh doanh đồ tiêu dùng mang phong cách thời trang như Miniso, Ilahui, Mumuso... đang tạo nên một cơn sốt với tốc độ mở cửa vài chục cửa hàng/năm.

Mô hình cửa hàng lai

Như tên gọi, cửa hàng tiện lợi là mô hình kinh doanh chuyên cung cấp các mặt hàng mang tính tiện lợi hơn, có thể sử dụng được ngay như thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, nước giải khát, bia rượu, dược phẩm (không kê toa), hóa mỹ phẩm... Ngoài các thương hiệu nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng có cửa hàng Co.op Food, Satrafoods, Vinmart+... bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình... gần giống mô hình siêu thị mini.

Trên thế giới, cửa hàng tiện lợi đồ tiêu dùng, thời trang được đón nhận khi có nhiều hàng hóa dành cho giới trẻ với mức giá phải chăng bắt kịp cuộc sống bận rộn của khách hàng. Tại Việt Nam, hiện có 5 thương hiệu kinh doanh mô hình này với hơn 100 điểm bán trên toàn quốc.

Ảnh: Internet.

Ngoài công thức hàng đẹp, đa dạng và giá rẻ, thì cửa hàng tiện lợi thiết kế bắt mắt và dịch vụ tốt là lý do để người tiêu dùng yêu thích mô hình này. Trước đây, khách hàng mua đồ theo công năng, thì nay đa phần bị thu hút bởi các mặt hàng có hình thức khác biệt. Nữ giới có nhu cầu cao về phụ kiện thời trang, đó là lý do mỹ phẩm, đồ phụ kiện, thời trang... chiếm tỉ lệ không nhỏ trong kho hàng của các cửa hàng tiện lợi tiêu dùng thời trang.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi thời trang tại Việt Nam theo mô hình gốc, chỉ có một vài cải biên về sản phẩm để phù hợp đặc tính và nhu cầu thị trường. Sau gần 1 năm có mặt, Ilahui tạm dẫn đầu với 31 cửa hàng, theo sát nút là Miniso với 24 cửa hàng và Mumuso 13 cửa hàng, phát triển bằng hình thức nhượng quyền và nhãn hàng tự mở. Các thương hiệu không giấu mục tiêu nâng gấp 10 lần số lượng điểm bán trong 1-2 năm tới ở khắp các tỉnh thành. “Để đưa được một thương hiệu về Việt Nam, các nhượng quyền độc quyền - master franchise cam kết với hãng mở 20-30 cửa hàng/năm, chi phí tối thiểu từ 100.000-200.000 USD/cửa hàng”, bà Bùi Ngọc Quỳnh Giao, Giám đốc Điều hành Ilahui, cho biết.

Lý do những cửa hàng này mở nhanh như vũ bão, một phần để nhanh chân chiếm lĩnh chỗ đứng ở một thị trường đang bùng nổ nhu cầu tiện lợi, phần khác để mở rộng doanh số trước áp lực lợi nhuận. Vì vậy, Hãng tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) đang xếp Việt Nam vị trí thứ 6 thế giới về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là 2 mảng đang phát triển nhanh nhất.

Cạnh tranh nhiều, tiềm năng lớn

Số lượng sản phẩm ở các cửa hàng tiện lợi thường lớn, dao động từ 4.000-10.000 chủng loại, ra mới liên tục, bán với chiến lược đồng giá hoặc dao động quanh các khoảng giá nhất định. Đồ gia dụng, gấu bông, phụ kiện du lịch, mỹ phẩm là những mặt hàng bán chạy nhất. Tại Miniso, các mặt hàng muốn được lòng giới trẻ đầu tiên phải có thiết kế hợp thời. Ở thời điểm này, các mẫu hàng có gam màu tự nhiên như như denim, vàng primrose, Lapis Blue, màu Pastel... đang được chuộng. Kế đến, sản phẩm ở mô hình này có giá bán từ rẻ - trung bình, phần lời nhãn hàng thu về chỉ vài ngàn đồng/sản phẩm.

“Chúng tôi có trên 600 nhà gia công, cắt giảm khâu trung gian để có được giá bán tốt nhất và thực hiện chiến lược không bao giờ tăng giá đồng nghĩa với việc phải tính toán về mặt quản trị và tối ưu hóa vận hành”, bà Dương Thanh Tâm, Giám đốc Miniso, cho biết. Chưa kể khó khăn khi nhập khẩu liên quan đến danh mục hàng hóa quá lớn nhưng vẫn phải đảm bảo tiện lợi trưng bày, làm sao cho cửa hàng thông thoáng, sạch sẽ và bắt mắt.

Sự cạnh tranh khốc liệt của các cửa hàng tiện lợi diễn ra trong bối cảnh dư địa bán lẻ của Việt Nam vẫn là miếng bánh hấp dẫn. Trong 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam lên đến 200%, trong khi số cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52%. Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 1.600 cửa hàng tiện lợi. Kênh bán lẻ này được dự đoán sẽ còn tăng trưởng mạnh trong tương lai vì Việt Nam có dân số trẻ.

Bên cạnh đó là sự thay đổi thói quen mua sắm, trải nghiệm những dịch vụ tiện ích ngay tại cửa hàng. Tuy nhiên, theo Ilahui, con số này chỉ mới khai thác khoảng 30% thị trường bán lẻ, tập trung tại các thành phố lớn mà bỏ qua thị trường tỉnh. Dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng, thu nhập đầu người cải thiện... là lý do các mô hình thương mại truyền thống đang dần thế chỗ bởi các mô hình hiện đại hơn.

Khác với các nước khi hầu hết thương hiệu tập trung ở trung tâm thương mại, thì ở Việt Nam, thói quen tấp xe vào lề đường để mua hàng của hơn 90 triệu dân chạy xe máy khiến các thương hiệu bán lẻ phải tranh nhau những vị trí đắc địa, gần khu dân cư, công sở, trường học...

Mặt bằng là bài toán khó của tất cả các mô hình bán lẻ, nhất là trong bối cảnh các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang gia tăng cạnh tranh bằng việc mở rộng độ phủ. Chẳng hạn, FamilyMart đang có 130 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở TP.HCM, dự kiến sẽ sớm mở thêm 50 cửa hàng trong năm nay. 7-Eleven dù mới vào thị trường cũng lên kế hoạch sẽ mở 300 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng 3 năm và sẽ phát triển lên 1.000 cửa hàng sau 10 năm. Mới đây, tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc GS Retail đã hợp tác với Công ty Sơn Kim lên kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích GS25 tại Việt Nam.

Nghiên cứu mới nhất của Savills cho thấy giá thuê mặt bằng bán lẻ không ngừng tăng, trung bình khoảng 98-99 USD/m2 (hơn 2,2 triệu đồng) ở các vị trí tốt. Giá thuê cao nhất ở trung tâm quận 1 có điểm lên tới 250 USD/m2/tháng (khoảng 5,7 triệu đồng). Diện tích cơ bản của các cửa hàng tiện lợi phụ kiện, thời trang dao động từ 80-150m2, có cửa hàng của Miniso có diện tích lên đến 300m2. Theo bà Quỳnh Giao, Ilahui mất 8 tháng để mở cửa hàng đầu tiên, cũng vì lý do mặt bằng. Chi phí mặt bằng gấp 5-6 lần số tiền để đưa được thương hiệu về Việt Nam.

Về vấn đề này, đại diện Miniso cho biết mỗi điểm bán phải được chọn lọc khắt khe, đảm bảo đem về lợi nhuận chứ không chấp nhận bù lỗ để chiếm thị trường (hiện các điểm bán của Miniso đã đạt lợi nhuận ròng). Nhân sự có trình độ cho ngành tiện lợi hầu như là một khó khăn khác mà các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang gặp phải.

Song song với những khó khăn vừa nêu, không thể phủ nhận cửa hàng tiện lợi, thời trang đang trong giai đoạn thuận lợi vì được thị trường đón nhận. Ghi nhận của chúng tôi, mỗi cửa hàng Ilahui đón 300-1.500 lượt khách/ngày, giá trị giỏ hàng trung bình từ 130.000-200.000 đồng, một kết quả khả quan không phải cửa hàng bán lẻ nào cũng có được.

Theo nhận định của một chuyên gia, mô hình này đang trong giai thu hồi vốn nhanh, tỉ lệ lợi nhuận tốt. Mô hình cửa hàng tiện lợi phụ kiện, thời trang đang đi nhanh, nhưng về lâu dài có bền vững hay không còn phụ thuộc vào thị trường đánh giá, nhất là khi ngày càng nhiều mô hình tiện lợi mới xuất hiện.

Lan Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư