Dùng chiến lược nào khi giá sản phẩm cao hơn đối thủ?

Cuộc chiến giá cả luôn là thứ khiến nhiều người phải sợ hãi, vì nếu mọi chuyện không như dự tính sẽ có thể khiến bạn tổn hại cả về doanh thu lẫn uy tín. Nhưng nếu trên thị trường xuất hiện những đối thủ cùng cung cấp một loại sản phẩm, dịch vụ với bạn mà giá cả lại rẻ hơn thì sao?

Tệ hơn là tập khách hàng của bạn lại rất coi trọng vấn để chênh lệch giá, họ có xu hướng thích những sản phẩm cùng tính năng nhưng giá rẻ hơn. Vậy thì có chiến lược cạnh tranh nào giúp bạn trong hoàn cảnh “ngặt nghèo” như vậy không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây!

Tạo sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ

Tham gia cuộc đua về giá là một chiến lược cạnh tranh thiếu khôn ngoan, nhất là khi bạn đã định hình vị trí của mình trên thị trường. Nên thay vì cố gắng hạ thấp giá như đối thủ thì bạn hãy kéo khách hàng về phía mình bằng cách tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ. Một ví dụ điển hình là dòng điện thoại iPhone đình đám của Apple, khi trào lưu điện thoại thông minh giá rẻ đang được nhiều hãng áp dụng thì iPhone vẫn trung thành với những thiết kế sang trọng, đẳng cấp cả về phần cứng lẫn phần mềm. Chính nhờ sự khác biệt nổi trội đó mà iPhone vẫn chiếm ưu thế dù giá bán không hề rẻ chút nào.

Thuyết phục khách hàng về sự ưu việt của mình

Giá không phải yếu tố duy nhất có sức ảnh hưởng tới quyết định mua của khách hàng, đôi khi nó còn là yếu tố xếp cuối cùng. Vì vậy nếu giá sản phẩm là điểm yếu của bạn thì hãy tập trung vào những điểm mạnh khác và dùng chúng để thuyết phục khách hàng. Trong các chiến lược tiếp thị, quảng cáo hãy cho người mua biết họ nhận được lợi ích gì mà các sản phẩm giá rẻ không thể có, ví dụ tốn thêm 500.000đ nhưng lại được sở hữu một chiếc điện thoại có bộ nhớ tăng gấp đôi chẳng hạn. Đặc biệt trong quá trình tư vấn bạn nên “né” vấn đề giá cả, hoặc cho khách hàng thấy với tầm giá như vậy họ sẽ nhận được các giá trị xứng đáng.

Tạo điều kiện mua sắm tiện lợi

Nếu giá rẻ nhưng bắt khách hàng phải lặn lội tới tận nơi, xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới được mua thì chưa chắc đã lợi thế hơn giá hơi cao một chút nhưng khách chỉ cần ngồi ở nhà rồi hàng sẽ được chuyển tới tận cửa. Trong thời buổi một giây đáng giá nghìn vàng như hiện nay thì rất ít người muốn tốn thời gian cho việc chờ đợi mỗi khi đi mua sắm. Bạn có thể tận dụng tâm lý này để tạo ra chiến lược cạnh tranh cho mình.

Một ví dụ thực tế khác là cuộc chiến giữa hãng bán lẻ Walgreens và Wal-Mart, trong khi Wal-Mart đang kéo thị phần nhờ chiến lược giá rẻ thì Walgreens lại thu hút khách hàng bằng cách đặt cửa hàng ngay gần trung tâm mua sắm, khu thanh toán rộng không phải chờ đợi.

Tặng thêm dịch vụ hậu mãi

Một số dịch vụ nhỏ như gói quà, miễn phí vận chuyển trong bán kính 5km, tăng thời gian bảo hành lên 2 năm,… cũng có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho bạn trước những đối thủ muốn thắng trong phương diện giá bán. Có thể những dịch vụ hậu mãi này sẽ làm tăng thêm một phần chi phí của bạn, nhưng sẽ không quá cao mà vẫn gây được ấn tượng với khách hàng.

Gây ấn tượng với dịch vụ chăm sóc khách hàng

So sánh giữa một bên bán đồ giá rẻ nhưng theo kiểu đem con bỏ chợ với một bên giá cao hơn một chút nhưng luôn tận tình giải đáp thắc mắc, khiếu nại của khách, bạn cảm thấy bên nào sẽ gây ấn tượng tốt hơn cho người mua? Thực tế cũng có ví dụ tương tự đối với thị trường điện thoại di động, mặc dù rất nhiều cửa hàng nhỏ lẻ có giá bán thấp hơn đến cả triệu đồng nhưng người ta vẫn chuộng tới FPT shop hay Thế giới di động để mua hàng hơn, đơn giản vì nếu có vấn đề khi sử dụng họ sẽ được trợ giúp tận tình, chuyên nghiệp.

Với 5 chiến lược cạnh tranh này thì dù bạn bán giá cao hơn đối thủ thì vẫn có thể chiếm ưu thế trên thị trường. Hãy nhớ rằng khách hàng thích hàng giá rẻ nhưng không thích một dịch vụ rẻ tiền và áp dụng thành công các chiến lược này nhé!

Nguồn Chiến lược Marketing