Sáu tháng, doanh thu Masan giảm 6% so với cùng kỳ

Các khoản đầu tư hỗ trợ người chăn nuôi và hàng hóa tồn kho khiến doanh thu hợp nhất của Masan đạt 18.019 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh chưa kiểm toán quý II và nửa đầu năm 2017.

Lợi nhuận thuần hợp nhất trong sáu tháng đầu năm 2017 đạt 455 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ; doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.019 tỷ đồng, thấp hơn sáu tháng 2016 gần 6%.

Nguyên nhân do các khoản đầu tư chiến lược nhằm hỗ trợ người chăn nuôi như: giảm giá sản phẩm mà không thay đổi chất lượng, hỗ trợ tín dụng, tài trợ vắcxin cho các hộ chăn nuôi và tối ưu hoá để giảm lượng hàng tồn kho.

Các mảng ngành chủ chốt của Masan đều ghi nhận sụt giảm doanh thu lẫn lợi nhuận trong thời gian qua.

Theo đó, với ngành hàng tiêu dùng, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings - MCH) mất khoản doanh thu 1.055 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 từ kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối.

Các mảng ngành chủ chốt của Masan đều ghi nhận sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận trong nửa đầu năm 2017.

Tính đến 30/6 năm nay, mức tồn kho của MCH là 1.217 tỷ đồng. Để cải thiện tình hình, công ty đã đầu tư thêm 305 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận thuần sau thuế và biên lợi nhuận thuần hợp nhất.

Mức giảm về doanh thu kỷ lục phải kể đến mảng đồ uống tại công ty Masan Brewery (MB) khi giảm tới 93,4%, chỉ đạt tương đương 36 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2017 so với mức 543 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.

Masan Nutri-Science (MNS) - một trong số công ty kinh doanh mảng đạm động vật lớn nhất ở Việt Nam của Masan bị ảnh hưởng nặng nề do giá heo hơi giảm thấp nhất trong lịch sử, chỉ 20.000-25.000 đồng một kg. Sản lượng và doanh thu bán hàng thức ăn chăn nuôi heo của MNS giảm lần lượt là 20,8% và 19,5%.

Tuy nhiên, lãnh đạo Masan cho biết, lợi nhuận thuần hợp nhất của tập đoàn năm nay vẫn đạt mức 2.400-2.800 tỷ đồng (năm 2016 là 2.791 tỷ đồng); dự kiến doanh thu thuần hợp nhất 2017 tương đương 2016.

Nguyên nhân do các trụ cột tăng trưởng - với kết quả khả quan trong nửa đầu năm 2017 sẽ tạo lực đẩy, gồm: sản phẩm nước tăng lực Wake-Up 247 của MCH doanh thu vượt trội, tăng 72%; có tiềm năng trở thành một thương hiệu có giá trị 45-50 triệu USD vào cuối năm.

Lợi nhuận thuần hợp nhất trong sáu tháng đầu năm 2017 đạt 455 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ; doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.019 tỷ đồng, thấp hơn sáu tháng 2016 gần 6%.

Mảng kinh doanh thịt chế biến của MCH tăng trưởng 359%, lên 88 tỷ đồng; dự kiến doanh thu trong khoảng 300-500 tỷ đồng vào cuối năm.

MNS đang đi đúng lộ trình nhằm thực hiện mô hình 3F “Feed-Farm-Food” (từ trang trại đến bàn ăn) vào nửa đầu năm 2018; giảm thiểu rủi ro đối với sự biến động của giá cả sản phẩm chăn nuôi, giúp MNS tăng trưởng vượt qua các chu kỳ kinh doanh.

Techombank đạt lợi nhuận thuần trước thuế 2.734 tỷ đồng trong sáu tháng qua; và đang chuyển đổi toàn bộ cơ cấu thu nhập sang thu nhập định kỳ từ phí, có rủi ro thấp bên cạnh xây dựng mạng lưới bán lẻ hàng đầu....

Bên cạnh đó, nhiều chiến dịch tái tung và tung ra các sản phẩm mới sẽ tái khẳng định sức mạnh các nhãn hiệu của Masan và giúp công ty chiếm lĩnh thị phần trên toàn quốc.

"Hệ thống phân phối hoạt động hiệu quả hơn sẽ là đòn bẩy giúp Masan ra mắt các cải tiến sản phẩm chiến lược và đem lại tăng trưởng doanh thu tiềm năng trong sáu tháng cuối năm 2017 và đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong 2018", đại diện Masan nói.

Thanh Thư
Nguồn VnExpress