Khi rạp phim phản công Netflix

Sự bành trướng của Netflix khi kết hợp với nhiều tên tuổi lớn đã khiến niềm tin vào các rạc chiếu phim truyền thống ít nhiều bị lung lay.

Việc Netflix đầu tư và phát hành phim song song với rạp chiếu trong khi doanh thu phòng vé ngày càng giảm sút đẩy ngành kinh doanh điện ảnh vào cuộc chiến căng thẳng, giữa một bên là dịch vụ trực tuyến, bên còn lại là các hãng phim và rạp chiếu truyền thống.

Trật tự mới của Netflix

Khởi điểm là một dịch vụ cung cấp phim và chương trình truyền hình trực tuyến, Netflix dần vượt mặt và bỏ xa nhóm “những kẻ nổi loạn” như Amazon Prime Video, Hulu... Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2017, Netflix đạt doanh thu thuần 2,785 tỉ USD, thu về lãi ròng 66 triệu USD, tăng hơn 60% so với lãi ròng 41 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến doanh thu của quý III/2017 sẽ đạt khoảng 2,969 tỉ USD, tăng 29,6% so với năm 2016. Hiện tại Netflix đang có 103,95 triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó có tới 99,04 triệu là các thuê bao trả phí.

Nhưng điều đáng quan tâm hơn là Netflix đang nhòm ngó vào cả thị phần của truyền hình và các rạp phim. Năm 2013 được xem là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của Netflix trên lĩnh vực truyền hình khi họ bắt tay với series đình đám House Of Cards và Kẻ Thức Thời Marvel Studio, giành quyền trình chiếu độc quyền các series Daredevil, Jessica Jones, Iron Fist, Luke Cage và Defenders. Chân rết của Netflix còn vươn đến cả thị trường châu Á, điển hình là màn thương lượng để mua lại series có lượng rating cao của Hàn Quốc - Yongpal (Thiên Tài Lang Băm).

Tháng 9.2015, Hãng Weinstein Company, đơn vị đứng sau bộ phim bom tấn Ngọa Hổ Tàng Long 2, ký hợp đồng với Netflix. Chẳng những giành quyền phát hành, Netflix còn đầu tư lớn để sản xuất phim. Tháng 10 cùng năm, Beasts Of No Nation (Cary Joji Fukunaga), bộ phim điện ảnh đầu tiên do Netflix bỏ tiền sản xuất lập tức gặt hái thành công vang dội về lượng người xem ngay khi tung ra và được giới phê bình đánh giá rất cao nhưng lại gây tranh cãi dữ dội trong giới phát hành. Lý do không ngoài việc phim ra mắt trên Netflix cùng lúc với các rạp ở Mỹ và việc chiếu này chỉ lấy lệ để phim đủ điều kiện tranh giải Oscar!

Tiếp sau đó, Netflix chi 90 triệu USD để sản xuất phim Bright, 120 triệu USD cho đạo diễn Martin Scorsese để sản xuất The Irishman, cùng lúc với việc đặt hàng Angelina Jolie cầm trịch First They Killed My Father. Tại thị trường châu Á, Netflix cũng nhanh chóng bắt tay với đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho khi đầu tư hơn 50 triệu USD để sản xuất Okja, quy tụ dàn sao đình đám như Tida Wilson, Paul Dano, Jake Gyllenhaal và diễn viên người Hàn Ahn Seo-huyn. Đạo diễn Bong Joon-ho hy vọng: “Phim sẽ mở đường cho nỗ lực thiết lập những quy định, luật lệ mới xung quanh việc phát hành”.

Vấn đề là Netflix đã cam kết phát hành tất cả các bộ phim mới lên Netflix trước các rạp vì theo lý giải của CEO Netflix, “người dùng dịch vụ chính là người đang bỏ tiền cho những bộ phim này, họ nên là những khán giả đầu tiên được xem chúng”. Trong khi đó, đối thủ Amazon đã hợp tác với nhiều rạp chiếu, phát hành những bộ phim thắng giải thưởng như Manchester By The Sea hay Chi-Raq trong các rạp chiếu phim trước khi tải lên internet. Có vẻ như Netflix quá tự tin về sức mạnh của mình.

Các nhà rạp phản công

Tháng 5 năm nay, xuất hiện tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 70, Okja đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ khán giả, các nhà phát hành khi họ phát hiện Netflix đứng đằng sau, đồng nghĩa bộ phim này phát hành trực tuyến song song với rạp chiếu. Liên đoàn Rạp phim Pháp (FNCF) chính thức phản đối việc mời phim của Netflix đến Cannes. Bởi vì họ e ngại việc này tạo thành tiền lệ, phá vỡ hệ sinh thái của ngành công nghiệp phim ảnh - theo truyền thống là phát hành tại rạp ít nhất 3 tuần trước khi phát trên màn ảnh nhỏ, hạ tầng trực tuyến. Ủy ban Tổ chức Cannes cũng khẳng định, kể từ năm sau, họ chỉ chấp nhận những phim đã được phát hành tại rạp tham dự giải. Tại Hàn Quốc, Okja cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ba “ông lớn” thâu tóm việc phát hành là CGV, Lotte và Megabox đã thẳng thừng từ chối phát hành bộ phim có Netflix đứng sau.

Điều này gợi nhớ đến việc phim Ngọa Hổ Tàng Long 2 bị 4 chuỗi rạp lớn nhất nước Mỹ gồm AMC, Regal, Cinemark và Carmike liên kết từ chối phát hành hồi năm 2015, kéo theo động thái tẩy chay đồng loạt bộ phim trên hệ thống rạp lớn nhất Canada là Cineplex và hệ thống rạp lớn thứ hai châu Âu là Cineworld. “Chúng tôi tin khán giả sẽ chọn xem phim trong một phòng chiếu rộng lớn tráng lệ”, một nhà phát hành cho biết.

Theo thống kê, doanh thu bán vé trong năm 2016 của các rạp chiếu tại Hollywood giảm thấp nhất kể từ năm 1920. Để thu hút khán giả, các hãng phim, hãng phát hành tận dụng triệt để hòng chiều chuộng khán giả: giá vé ưu đãi, phục vụ đồ uống thức ăn đa dạng, cộng các dịch vụ đi kèm, thiết kế ghế ngồi rộng rãi thoải mái... Đồng thời, hãng và nhà phát hành đầu tư tìm giải pháp điện ảnh mới nhằm kéo khán giả đến rạp. Sau những cuộc “cách mạng” với định dạng 3D, 4DX, IMAX thì mới đây, đạo diễn Christopher Nolan đã đánh thức và dồn sự chú ý vào trải nghiệm điện ảnh 70mm - nơi người xem không phải tháo, trả kính 3D, lo độ nhòe mà vẫn xem được những khung hình rộng rãi, có chiều sâu và... như thực với siêu phẩm Dunkirk.

Các nhà kinh doanh rạp chiếu vẫn tin rằng trải nghiệm trọn vẹn một tác phẩm điện ảnh chỉ đáp ứng được ở rạp chiếu, với hệ thống âm thanh, chất lượng hình ảnh tốt nhất cùng những dịch vụ tiện ích đi kèm. Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận rằng sự bành trướng của Netflix khi kết hợp với nhiều tên tuổi lớn đã khiến niềm tin này ít nhiều bị lung lay. Ở góc độ khác, việc giành quyền phát hành những bộ phim đặc sắc mang lại không ít cơ hội và tiền bạc cho những nhà làm phim độc lập khi việc chiếu rạp không còn trở thành yếu tố sống còn của một bộ phim.

Theo thống kê trong 3 năm trở lại đây tại Liên hoan phim Sudance cho thấy Netflix và Amazon thay nhau chi khủng để thâu tóm quyền phát hành nhiều phim độc đáo, đẩy giá bán phim trung bình tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2014, không có phim nào bán quá 5 triệu USD nhưng trong ba năm từ 2015-2017 có lần lượt 4, 5 và 11 phim, trong đó Mudbound Netflix vừa mua ở Liên hoan phim Sudance năm nay có giá đến 12, 5 triệu USD.

Rõ ràng, các nhà rạp sớm muộn sẽ phải chấp nhận họ cũng chỉ là một trong những lựa chọn của khán giả mà thôi.

Lê Phan
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư