Cạnh tranh khốc liệt phía sau những phòng karaoke tại Việt Nam

Đầu tư chục tỷ đồng trở lên cho các cơ sở karaoke lớn, các ông chủ cũng đua nhau trang bị cơ sở vật chất để hút khách.

Một quán karaoke quy mô khoảng 15 phòng ở Vũng Tàu sắp khai trương. Quán này mời gần 20 nhà cung cấp thiết bị âm thanh khác nhau đến để chọn ra một đối tác duy nhất cung cấp thiết bị âm thanh cho họ. “Số đối tác tham gia đấu thầu đông như một triển lãm âm thanh", đại diện của Phúc Thanh Audio, một nhà phân phối thiết bị âm thanh có tiếng ở miền Nam cho biết.

Ông T., một nhà cung cấp về đầu đĩa, mixer cho các quán karaoke cho biết quy tắc ở các điểm karaoke lớn là điểm ra sau phải hoành tráng hơn đối thủ trước, như vậy mới có khả năng hút khách và duy trì hoạt động.

Theo ông này, đầu tư phòng karaoke thu hồi vốn khá nhanh nên các chủ tụ điểm chi khá mạnh tay. Trung bình một phòng karaoke hiện nay phải đầu tư tổng cộng 1 tỷ đồng/phòng, nơi nào đầu tư 20 phòng coi như “bay” 20 tỷ. Nếu cơ sở vật chất còn mới, các nơi này lấy giá 200.000 đồng/giờ. Giả sử mỗi phòng kinh doanh được 6 tiếng mỗi ngày, thì trong vòng một tháng chỉ tính riêng tiền hát có thể thu về 720 triệu đồng/20 phòng. Với cách tính này, khoảng 2 năm là các ông chủ có thể lấy lại vốn.

Một phòng karaoke với bàn cao và khu vực nhảy được bày trí đẹp mắt. Ảnh: YouTube.

Mặc dù thị trường sôi động và nhu cầu cao nhưng cơ sở vật chất các điểm karaoke tại TP.HCM không bằng các điểm lớn ở các tỉnh.

“Vì chủ quán karaoke ở TP.HCM hầu hết thuê mặt bằng, muốn thu hồi vốn nhanh nên không đầu tư lớn, chưa kể mặt bằng tại thành phố chật hẹp. Ngược lại, ở tỉnh hầu hết ông chủ kinh doanh karaoke trên đất của mình nên chi bạo tay, sẵn sàng mất 3-4 năm mới thu hồi vốn", nhà cung cấp thiết bị mixer nói trên cho biết.

“Đi karaoke bây giờ không khác gì đi vũ trường mà giá lại rẻ hơn, lành mạnh hơn rất nhiều. Vào phòng karaoke có thể tự do nhảy nhót, nhạc mở công suất lớn, đèn chiếu đủ màu. Có nhiều điểm mở 24/24”, vị này nói thêm.

Ông Nguyễn Chánh Thanh, đại diện nhà phân phối Phúc Thanh Audio, khẳng định cơ sở vật chất, phòng ốc các quán karaoke tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Các quán karaoke Việt Nam rất chịu đầu tư thiết kế, sáng tạo để tạo không gian mới lạ nhằm hút khách.

“Chính vì phòng rộng và thiết kế khác biệt nên khả năng tiêu âm rất cao, vì lẽ đó phải đầu tư loa công suất lớn, nhiều loa mới có thể có chất lượng âm thanh đáp ứng nhu cầu", ông Thanh nói.

Một đại diện khác của Phúc Thanh Audio cho biết trong các lần ông đi khảo sát nước ngoài, phòng karaoke tại Thái Lan, Singapore,... chỉ khoảng 10-15 mét vuông, sử dụng loa công suất bé, trong khi tại Việt Nam do thường phục vụ khách đi theo nhóm đông nên phòng phải rộng, loa công suất phải mạnh.

Cơ sở vật chất, phòng ốc các quán karaoke tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Ảnh: YouTube.

Nói trong sự kiện ra mắt loa SR (Ý) tại Việt Nam hôm 17/7, ông chủ hãng loa Ý cũng khẳng định bán loa công suất lớn rất nhiều tại Việt Nam, điều này là do khác biệt văn hoá Á-Âu. Ở châu Âu, các loa công suất lớn chỉ bán cho các câu lạc bộ, cho các nhạc công biểu diễn, trong khi các nước châu Á lại dùng loa công suất lớn vào việc hát karaoke.

Làm việc nhiều với các đối tác âm thanh trên thế giới, vị đại diện Phúc Thanh Audio cho biết các đối tác chỉ xếp Việt Nam sau Trung Quốc về nhu cầu karaoke trong khu vực, thậm chí trên thế giới. Nhu cầu nhập các thiết bị phục vụ karaoke tại Việt Nam luôn ở mức rất cao. Các hãng sản xuất loa đều nhắm đến loa karaoke cho thị trường Việt Nam. Ông cho biết hiện có hàng trăm thương hiệu loa khác nhau tại Việt Nam phục vụ nhu cầu karaoke.

“Cạnh tranh về loa giữa các phòng karaoke tại Việt Nam rất khốc liệt. Trước đây các phòng thường dùng loa nhập từ Trung Quốc để sử dụng, nay bắt đầu chuyển hướng dùng loa châu Âu. Các phòng cũng tăng số lượng và công suất loa để phục vụ khách”, vị này nói.

Theo những người trong ngành, tại khu vực miền Nam, những nơi có các phòng karaoke được đầu tư mạnh là Bình Dương, Kiên Giang, Cần Thơ, Đak Lak, Nha Trang, Đà Nẵng,... Mới đây, một quán karaoke tại khu vực miền Trung nhập toàn bộ nội thất từ nước ngoài về để trang trí bên trong phòng hát của họ.

Hải Đăng
Nguồn ICT News