Ngành bánh kẹo: Những cuộc rượt đuổi đầy tham vọng

Sau thương vụ Kinh Đô bán lại mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez cùng với mức tăng trưởng ngành bánh kẹo được nhận định không còn tăng trưởng nhiều như những năm trước khiến thị trường bánh kẹo không còn hấp dẫn.

Tuy nhiên, khi có thông tin Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) rút hết 51% vốn khỏi hai Công ty Bánh kẹo Hải Hà và Hữu Nghị, đem lại khoản lãi "ngọt ngào" cho các cổ đông, một câu hỏi lại được đặt ra: Thị trường bánh kẹo đang chuẩn bị chuyển mình?

Đòn bẩy xuất khẩu và tăng trưởng

Với mức thanh khoản tăng vọt và dư nợ rất lớn sau khi Vinataba thoái vốn, cổ phiếu của hai Công ty CP Bánh kẹo Hữu Nghị và Hải Hà đã được một số nhà đầu tư đón nhận tích cực, riêng Vinataba thu về hàng trăm tỷ đồng. Cổ phiếu của Công ty CP Bibica và Công ty CP Đường Quảng Ngãi (chủ sở hữu thương hiệu bánh Biscafun) cũng tăng giá. Đơn cử, đến thời điểm cuối tháng 4/2017, cổ phiếu của Bibica đã cán mốc 100.000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục được duy trì, cao gấp 3 - 4 lần giá cổ phiếu của Hải Hà và Hữu Nghị.

Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ cổ phiếu bánh kẹo có giá là do DN kinh doanh bánh kẹo trên sàn không nhiều, chủ yếu là các công ty lớn đang kinh doanh hiệu quả. Chính đại diện Vinataba xác nhận việc thoái vốn tại Hữu Nghị và Hải Hà nằm trong định hướng tiếp tục thoái vốn đầu tư tại các công ty ngoài ngành kinh doanh chính của Tổng công ty năm 2017, chứ không phải do Hải Hà và Hữu Nghị kinh doanh kém hiệu quả.

Ảnh: QH.

Theo nguồn tin trên PLO 10/3/2017 và Đầu tư chứng khoán 5/6/2017, sản lượng bánh kẹo mỗi năm của Vinataba luôn đạt gần 40.000 tấn, tăng trưởng ổn định trên 15%/năm. Riêng năm 2016 đạt 38.175 tấn, tiêu thụ nội địa đạt 33.556 tấn, xuất khẩu 4.346 tấn. Trong đó, Hữu Nghị đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm, sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Với quy mô sản xuất mỗi năm 20.000 tấn, doanh thu năm 2016 của Hải Hà tăng 855 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 doanh thu tăng trưởng từ 5 - 7%, đạt khoảng 380 tỷ đồng.

Bà Lâm Ngọc Thẩm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Topcake cho biết, tốc độ tăng trưởng của Topcake ổn định ở mức 15 - 20%/năm. Trong phân khúc bánh mềm, năm 2015, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Bánh kẹo Phạm Nguyên cũng đạt doanh thu trên 30 triệu USD (khoảng 682 tỷ đồng), năm 2016 tăng trưởng 15%/năm với lượng tiêu thụ mỗi tháng 20 triệu gói bánh kẹo và doanh thu đạt gần 739 tỷ đồng. Tập đoàn Orion công bố doanh thu năm 2016 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó bánh ChocoPie giúp Orion giữ 40% thị phần toàn thị trường.

Song song với tốc độ tăng trưởng, thị trường xuất khẩu cũng tạo đòn bẩy để DN lạc quan đầu tư. Với sản phẩm xuất khẩu vào hơn 10 nước trên thế giới, thu về trên 12 triệu USD mỗi năm, năm 2016, Hải Hà tiếp tục đạt doanh thu xuất khẩu 3,2 triệu USD, dự kiến năm 2017 tăng lên 3,3 triệu USD.

Bà Thẩm cho biết: "Nhiều năm qua, Topcake xuất khẩu ổn định mỗi tháng vài chục container bánh vào thị trường Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar và chuẩn bị đưa hàng vào Mỹ”. Với trên 200 sản phẩm, năm 2016, Bibica cũng xuất khẩu vào 15 quốc gia, đóng góp khoảng 7% vào tổng doanh thu hợp nhất của Công ty. Tính đến năm 2016, Công ty Phạm Nguyên đã xuất khẩu sản phẩm vào hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Theo dự báo BMI, đến năm 2018, doanh thu bánh kẹo của thị trường Việt Nam sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng.

Theo một số DN sản xuất bánh kẹo trong nước, xuất khẩu bánh kẹo vẫn đang tăng trưởng 2 chữ số ở một số thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong năm 2017 và một vài năm tới, các nước này tiếp tục là thị trường nhập khẩu bánh kẹo lớn của Việt Nam, với mức tăng trưởng xấp xỉ 50%.

Bên cạnh đó, dư địa thị trường trong nước cũng còn nhiều khi mức tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người Việt Nam chỉ mới hơn 2kg/người/năm, thấp hơn mức tiêu thụ trung bình của thế giới.

Theo dự báo của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), đến năm 2018, doanh thu bánh kẹo của thị trường Việt Nam sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, đó là lý do khiến các DN bánh kẹo rất lạc quan và vạch ra định hướng đầu tư mang tính chiến lược.

Doanh nghiệp trong nước nỗ lực tìm lợi thế riêng

Dù thị trường tràn ngập bánh kẹo Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc... và ngày càng phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm từ các nước ASEAN với thuế suất 0 - 5%, nhưng đây lại chính là động lực để các DN trong nước nỗ lực đầu tư, tìm lợi thế riêng, thậm chí nhiều thương hiệu như Bibica và Mondelez còn hướng tới mục tiêu dẫn đầu thị trường bánh kẹo Việt Nam.

Phát biểu tại đại hội cổ đông mới đây, ông Trương Phú Chiến - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bibica cho biết: "Thị trường bánh kẹo năm 2017 có tốc độ tăng trưởng 8,5 - 9% và sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi thuế nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN được bãi bỏ, nhưng kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Công ty vẫn hướng đến tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2016". Mục tiêu của Bibica là giành ngôi vị đứng đầu ngành bánh kẹo vào năm 2020.

Xác định công nghệ mới đóng góp rất lớn vào sự đổi mới cũng như thế mạnh của DN, hơn nữa, muốn gia tăng lợi thế cạnh tranh thì chỉ có cách tiếp tục đầu tư, tạo được những sản phẩm phù hợp nhu cầu và trào lưu, các DN trong nước đều chú trọng đổi mới và đầu tư dây chuyền sản xuất.

Giám đốc một công ty sản xuất bánh kẹo cho biết: "Điểm yếu của các DN nội là nguyên liệu sản xuất bánh như bột mì, đường (chiếm đến hơn 60% doanh thu) đều phải nhập khẩu, do đó, khi giá nguyên liệu nhập khẩu biến động sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, sau khi cải tiến công nghệ và áp dụng giải pháp cơ cấu sản phẩm, giá vốn đã giảm đáng kể và hiện công ty đã có khả năng cạnh tranh".

Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Bà Thẩm cho biết: "Topcake đã đầu tư toàn bộ công nghệ sản xuất, đóng gói bánh tươi từ Úc và Philippines, công nghệ này đảm bảo bánh để hai năm vẫn giữ được chất lượng và trung bình một giờ, một tay máy làm ra 20.000 bánh. Sắp tới, bên cạnh các sản phẩm chủ lực dành cho trẻ em, Công ty sẽ sản xuất bánh cho người lớn theo tiêu chí không có dầu mỡ và ít ngọt".

Trước đối thủ nặng ký là Mondelez và với tham vọng giành vị trí dẫn đầu, năm 2017, Bibica tăng tốc chạy đua với số tiền đầu tư lên đến 217 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các dự án xây dựng nhà máy, nâng cấp phần mềm ứng dụng và phân hệ báo cáo thông minh. Trước đó, năm 2016, Bibica đã mua dữ liệu đo lường thị trường bán lẻ để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Qua đó, đã chọn chiến lược phát triển dòng bánh kẹo chất lượng cao, sản phẩm dinh dưỡng, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, tươi hơn, thời gian từ khi sản xuất đến sử dụng ngắn, không dùng hương liệu hóa chất.

Theo đại diện Bibica: "Người tiêu dùng ngày càng chú trọng yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, vì thế, Bibica sẽ sản xuất thêm các loại bánh theo yêu cầu sức khỏe và từng độ tuổi, đồng thời ra mắt nhiều nhóm sản phẩm mới khác biệt với đối thủ. Đơn cử, Công ty sẽ sản xuất kẹo dừa, cà phê, hoặc kẹo có hàm lượng sữa cao hơn, đặc biệt là kẹo chức năng với 5 loại tinh dầu tự nhiên".

Ngoài duy trì các thương hiệu bánh mang dấu ấn của Mondelez International như bánh Oreo, bánh Ritz, sôcôla Cadbury, Mondelez Kinh Đô cũng có kế hoạch gia nhập phân khúc bánh kẹo cao cấp, xây dựng thương hiệu thực phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Đơn cử Mondelez đã đưa ra thị trường bánh LU Petit Beurre - vốn là thương hiệu bánh cao cấp, lâu đời của Hãng. Sau đợt thoái vốn của Vinataba, Hải Hà cũng đã đầu tư 485,4 tỷ đồng để xây dựng nhà máy bánh kẹo tại VSIP Bắc Ninh theo chủ trương đổi mới công nghệ để phát triển bền vững.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn