Thời trang Việt bị "tấn công": Doanh nghiệp Việt chiến đấu hay rời bỏ?

Sự đổ bộ của các hãng thời trang lớn đang lần lượt chuyển hướng sang TP.HCM, Hà Nội và các thành phố mới nổi của Việt Nam đã đặt ra "bài toán" lớn cho doanh nghiệp nội đó là sẽ "chiến đấu" để chắc chân trên sân nhà hay rời bỏ để lui về vùng an toàn?

Sức nóng của thị trường tỷ đô

Trước sức nóng của "thi trường tỷ đô", nhiều doanh nghiệp nội đã không ngừng "tung chiêu" hút khách, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi có những thương hiệu từng "huy hoàng" nay phải "vụt tắt" vì sức nóng này.

Xuất hiện trên thị trường từ năm 1999 với định vị ở phân khúc trung cấp, đến năm 2007, Foci (thuộc Cty Thời trang Nguyên Tâm) đã mở đến 60 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. Thế nhưng, khoảng ba năm trở lại đây, hệ thống cửa hàng của Foci đã thu hẹp dần và hiện DN đã không còn đầu tư vào hệ thống bán lẻ thời trang mà chuyển sang may gia công đồng phục và xây dựng website, bán hàng qua mạng.

Ninomaxx, thương hiệu đình đám một thời và từng có lúc xây dựng được hệ thống 200 cửa hàng trong cả nước nay cũng đã phải sắp xếp lại còn chưa đầy 50 điểm bán. Năm 2013, sự kiện Ninomaxx đóng cửa hàng loạt các cửa hàng lớn đã khiến người tiêu dùng nghi ngại DN này phá sản. Đại diện Ninomaxx cho biết, Cty đã phải tính đến phương án thu hẹp sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh…

Canifa ra đời năm 2001 nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của thị trường nội địa. Sau một thời gian dài “làng nhàng” với các sản phẩm chủ yếu là len thông dụng, mẫu mã đơn điệu, năm 2014, Canifa tạo dấu ấn đột phá trên thị trường trong vụ Thu - Đông với các sản phẩm thiết kế đa dạng, đặc biệt là sự thiết kế - phối hợp các mẫu mã thời trang, phụ kiện theo xu thế, hợp mốt từ dòng thời trang người lớn đến dòng trẻ em. Thậm chí, có nhiều thời điểm, tại nhiều cửa hàng Canifa liên tục cháy hàng. Tuy nhiên, sang vụ Hè 2015, các cửa hàng Canifa lại trầm lắng như thuở… nhàng nhàng trước đây…

Theo thống kê chưa đầy đủ của các DN kinh doanh thời trang, đến thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường. Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam hơn 90 triệu dân với mức tăng trưởng bình quân từ 15 – 20% là niềm “mơ ước” không chỉ của DN nội mà còn của nhiều DN ngoại. Đó là lý do khiến các thương hiệu nước ngoài vẫn liên tiếp xuất hiện tại Việt Nam.

Tháng 9/2016, Zara đã mở cửa hàng tại TP.HCM, đánh dấu sự có mặt tại thị trường Việt Nam. Hãng thời trang đến từ Tây Ban Nha cũng chính thức bán hàng online tại Việt Nam từ ngày 5/4 và đang xúc tiến mở cửa hàng thứ 2 tại Hà Nội.

Tháng 6/2017, đại diện H&M cũng thông báo chính thức ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Cửa hàng tọa lạc tại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), sát vách với Zara. Theo đại diện H&M tại Việt Nam, cửa hàng đầu tiên có diện tích khoảng 2.200 m2, không gian trải dài trên 2 tầng của trung tâm thương mại.

Tiếp bước Zara và H&M mở cửa hàng tại Việt Nam, hàng thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng đang ráo riết tuyển dụng người để chuẩn bị đổ bộ thị trường được cho còn nhiều tiềm năng này.

Theo một số thông tin không chính thức, cửa hàng đầu tiên của Uniqlo mở ở Việt Nam sẽ đặt tại TP.HCM vào mùa thu này. Hiện đơn vị đang trong quá trình chuẩn bị về nhân sự và cơ sở hạ tầng.

Chiến đấu hay rời bỏ?

Sự xuất hiện của Topshop, Zara và H&M hay Uniqlo gần đây cho thấy các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam. Trong một khảo sát gần đây của hãng Niesel, dựa trên 29.000 người tại 58 quốc gia trên thế giới, thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bội tiền cho hàng hiệu.

Theo kết quả này, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau nước đứng đầu Trung Quốc với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%. Thực tế đó cho thấy, nhu cầu sử dụng hàng hiệu của người Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng dù nền kinh tế có phần khó khăn hơn trước.

Hiện, ngành may mặc nội địa đang áp mức thuế nhập khẩu 20% nhưng sẽ dần xuống 0% khi Việt Nam tham gia TPP và gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Và khi ấy, khó khăn của DN Việt sẽ càng gấp bội và nỗi lo mất “sân nhà” cũng sẽ dần trở thành hiện thực.

Trong một khảo sát gần đây của Niesel, dựa trên 29.000 người tại 58 quốc gia trên thế giới, thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bội tiền cho hàng hiệu.

Thêm vào đó, sự xâm lấn mạnh mẽ của hàng nhập lậu Trung Quốc cũng khiến các doanh nghiệp nội điêu đứng. Theo Chủ tịch HĐQT một Cty thời trang lớn cho biết, khó khăn là có thực, sự cạnh tranh không chỉ từ các thương hiệu ngoại mà từ hàng nhập lậu Trung Quốc, nhưng nếu DN chú tâm, có chiến lược tốt và có tâm huyết với thương hiệu của mình thì vẫn sống được. Tuy nhiên, câu chuyện của số đông DN may mặc khi tìm cách chiếm lĩnh, chiếm lại "sân nhà" thật sự không dễ dàng. Ngay các DN lớn như: Việt Tiến, Việt Thắng, May Nhà Bè, May 10, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số doanh nghiệp may mặc thời trang tư nhân cũng gặp khó khi liên tiếp cho ra đời các dòng nhãn hiệu thời trang từ cao cấp đến bình dân để phục vụ thị trường nội địa nhưng vẫn bí đầu ra.

Và như thế, hướng đi cho các DN may mặc tại thị trường nội địa, liệu có bị hoàn cảnh khó khăn chung lúc này làm lạc hướng?

Và nếu quyết định "chiến đấu", trong bối cảnh này, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam cần một cuộc đại tu toàn diện từ sản xuất, thiết kế, phân phối đến chiến lược marketing để có thể đủ sức bám trụ, tồn tại sau trận đại hồng thủy đổ bộ của của nhiều thương hiệu quốc tế. Nếu không có cuộc đại tu toàn diện, các bên liên quan tham gia vào chuỗi sản xuất của ngành may mặc, bên cạnh lợi ích được hưởng, sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi chỉ có thể tận dụng lợi ích một chiều và hoàn toàn bị động.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp