M&A khối ngoại đã có đối trọng

Quyết tâm M&A, Masan có thể trả giá cao cho các công ty nội địa để tránh bị khối ngoại hớt tay trên.

Trong khi các công ty đa quốc gia đang ngắm nhiều công ty Việt Nam thì ở thế ngược lại, các công ty nội địa cũng đang liên kết tìm đến nhau.

Lúc Việt Nam đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 cũng là lúc giá trị nhiều doanh nghiệp trở nên giảm sút và nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của nhiều công ty đa quốc gia. Điểm lại trong vòng 5 năm, hàng loạt thương vụ công ty nước ngoài mua công ty nội địa đã diễn ra, như Unicharm-Diana, Jolibee-Highland, Calsberg-Bia Huế, Marico-ICP, Fortis-Hoàn Mỹ. Những thương vụ điển hình này đã vô hình trung làm cho mặt trận kinh doanh có xu hướng nghiêng về khối ngoại.

M&A là quy luật tất yếu của kinh doanh. Nhưng vấn đề đặt ra là nếu khối ngoại mua lại nhiều công ty nội địa trên diện rộng thì chuyện gì xảy ra. Lịch sử các thương vụ mua bán-sáp nhập tại Việt Nam cũng đã ghi nhận sự diệt vong của nhiều thương hiệu nội địa có tiếng một thời, sau khi đã thuộc về tay của khối ngoại.


Masan Consumer đã mua lại hàng loạt các công ty thực phẩm trong đó có Vinacafé để gia tăng quy mô cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Unilever, Nestlé, CP.

Ngược lại, thời gian gần đây và chắc chắn sẽ tiếp diễn trong tương lai, là sự xuất hiện của các doanh nghiệp nội địa mua lại chính các doanh nghiệp nội địa, tạo thế đối trọng với khối ngoại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị sẵn sàng mua lại chính các doanh nghiệp trong nước khác đang gặp khó khăn để tăng năng lực kinh doanh và cạnh tranh cho cả hai.

Có thể kể đến đầu tiên là Công ty Thủy sản Hùng Vương mua lại hàng loạt các công ty cùng ngành như Việt Thắng, An Giang Fish, Thực phẩm Sao Ta, Lâm Thủy Sản Bến Tre. Một số công ty, chẳng hạn, Lâm Thủy Sản Bến Tre dù rơi vào tình trạng thua lỗ 2 năm liên tiếp vẫn được ông chủ Hùng Vương quyết định M&A với mục tiêu sẽ biến công ty này thành đơn vị cung cấp nguyên liệu đắc lực cho Công ty Hùng Vương, tạo lập nên một quy trình sản xuất khép kín. Trên thị trường, đối thủ nặng ký của Hùng Vương là CP Việt Nam, có nguồn gốc từ tập đoàn CP, một trong những tập đoàn công, nông nghiệp mạnh nhất của Thái Lan.

Một công ty khác của Việt Nam có thể kể đến là BTA cũng mua cổ phần nhiều công ty xây dựng nội địa như Beton 6, Descon, Coteccons để tăng năng lực cạnh tranh so với các tập đoàn quốc tế như Gammon, Kumho E&C. Trước khi thực hiện M&A với BTA, Beton 6 gặp khá nhiều khó khăn trong điều hành quản trị hoặc Coteccons cũng đang trong giai đoạn đột phá cần nhiều nguồn lực để cạnh tranh với các nhà thầu xây dựng quốc tế.

Đáng lưu ý nữa là công ty tiêu dùng Masan Consumer, thuộc Masan Group đã mua lại hàng loạt các công ty trong ngành hàng thực phẩm như Vinacafé, Proconco và gần đây là Vĩnh Hảo để gia tăng quy mô cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Unilever, Nestlé, CP. Với việc quyết tâm M&A, Masan có thể trả giá cao cho các công ty nội địa tiềm năng để tránh bị khối ngoại hớt tay trên. Chẳng hạn như Vĩnh Hảo, một thương hiệu nước khoáng nội địa lâu đời và có tiếng hơn 80 năm tại Việt Nam được Masan Consumer mua ở mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu (so với mức 25.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường tự do) để sở hữu 24,9% cổ phần.

Con đường M&A sau gần 30 năm cải cách kinh tế Việt Nam đến lúc này có thể được xem là động lực phát triển cho chu kỳ kinh tế tiếp theo của Việt Nam (bắt đầu vào năm 2011), thời điểm mà các doanh nghiệp tư nhân nội địa sẽ phải hợp tác cùng nhau trong bất kỳ phương thức nào để gia tăng quy mô và năng lực cạnh tranh - như các trường hợp vừa nêu, hoặc sẽ phải chọn lựa việc chuyển giao cho các công ty nước ngoài.

Trong khi cả khối nội và khối ngoại gia tăng các cuộc M&A đối với công ty trong nước thì cuộc chơi vẫn phải đảm bảo tính khách quan, phải tuân thủ luật chơi chung.

Đó là, Chính phủ Việt Nam, với vai trò như một người trọng tài, không thể thiên vị bất kỳ bên nào và chỉ có thể thổi còi khi phát hiện có tình huống chơi xấu trên sân.

Thứ hai, hậu M&A của bất kỳ một trường hợp nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn sẽ là sản phẩm/dịch vụ phải được người tiêu dùng chấp nhận.

Ở chu kỳ kinh tế này, những công ty có tiềm lực như FPT, Vinamilk, Sabeco, Viettel, Hùng Vương, Masan... sẽ gánh trọng trách gìn giữ các thương hiệu bản địa trong tay người Việt.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư