Vietnam Airlines và chiến lược khai thác hàng không giá rẻ

Vietnam Airlines và chiến lược khai thác hàng không giá rẻ

Một trong những chiến lược đảm bảo vị thế cạnh tranh của Vietnam Airlines trước sức ép cạnh tranh ở thị trường nội địa là đa dạng hóa sản phẩm, để phục vụ mọi đối tượng khách hàng.

Chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng hàng không nội địa khác, nhưng Vietnam Airlines vẫn đang “một mình một ngựa” tại phân khúc hàng không trung và cao cấp.

Theo tiết lộ, hãng này đang có kế hoạch đẩy mạnh tham gia vào cả phân khúc hàng không giá rẻ.

"Việc xây dựng chiếc lược phát triển, đa dạng các dịch vụ bao gồm cả hàng không giá rẻ của Vietnam Airlines dựa vào các cơ sở rất rõ ràng", ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT của hãng, khẳng định với các cổ đông tại đại hội cổ đông ngày 20/6.

Trong 1 cuộc trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng thị trường hàng không Việt Nam hiện nay còn rất nhiều dư địa phát triển, đặc biệt trong phân khúc hàng không giá rẻ.

Dân số Việt Nam hiện nay đang có xu hướng tăng nhanh, dự báo năm 2030 sẽ vào khoảng 103-105 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay trên đầu người vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Còn theo TS Lương Hoài Nam, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không thì Việt Nam hiện có 21 sân bay. Nếu tính thêm các sân bay Long Thành, Vân Đồn, Phan Thiết đi vào hoạt động thì là 24 sân bay đến năm 2025.

“Tổng công suất cả 21 sân bay đang khai thác chỉ khoảng 71,5 triệu khách/năm, chưa bằng công suất chỉ một sân bay chính ở Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur (100 triệu khách/năm). Trong khi đó Thái Lan đã có tới 38 sân bay, dù dân số của họ chỉ bằng 72% Việt Nam”, ông Nam chia sẻ.

Tiềm năng lớn, cộng với điều kiện thị trường giá rẻ chiếm tới 60% lượng khách đang tạo nên sự tăng trưởng nóng của kinh doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Ông Dương Trí Thành, TGĐ VNA, cho biết ngay cả hàng không giá rẻ quốc tế tham gia vào Việt Nam đến đầu 2016 khoảng 13% thị phần thì tháng 5/2017 đã tăng gần 20%, và dự kiến tăng 30-40% trong 2-3 năm tới.

Nắm bắt xu hướng này, Vietnam Airlines mới đây đã tiết lộ kế hoạch tham gia vào thị trường hàng không giá rẻ.

Theo đó, Vietnam Airlines tiếp tục phối hợp với hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific để triển khai chiến lược thương hiệu kép VNA- JPA, tăng cường năng lực cạnh tranh trong thị phần hàng không giá rẻ.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Vietnam Airlines cho biết trước sự gia nhập thị trường của các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines luôn sẵn sàng chịu sự cạnh tranh trực tiếp.

Vị này cho biết hãng đã có 2 chiến lược lớn để đảm bảo vị thế cạnh tranh của hãng tại thị trường nội địa.

Ngoài việc tiếp tục phát triển Vietnam Airlines như 1 hãng hàng không 4 sao có mạng bay kết hợp quốc tế - nội địa nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng đa dạng, hãng thực hiện chiến lược đồng thương hiệu với Jetstar Pacific trên toàn bộ mạng bay nội địa.

“Hàng không giá rẻ đang làm một xu hướng toàn cầu, và vùng Đông Nam Á được coi là một trung tâm của hàng không giá rẻ. Các hãng giá rẻ đang tham gia 18% thị phần hàng không quốc tế và 59% thị phần nội địa (gồm cả VJA và JPA cộng lại) tại Việt Nam.

VNA định hướng JPA là hãng tham gia chính vào phân khúc giá rẻ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định phục vụ mọi đối tượng khách hàng, bao gồm cả phân khúc giá rẻ”, đại diện hãng nói với Zing.vn.

Lý giải với các cổ đông ngày 20/6, Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh, chỉ ra các cơ sở của việc hãng làm hàng không giá rẻ không chỉ là bởi xu thế thị trường mà bao gồm trước hết là duy trì sự phát triển ổn định của hãng.

"Không có khái niệm VNA đột nhiên thua lỗ, cắt giảm đường bay", ông Minh khẳng định. "Hãng xây dựng lộ trình để bản thân năng lực cạnh tranh, sự ổn định tiềm lực tài chính, hợp tác bài bản và có các bước đi khả thi".

Với hàng không giá rẻ, VNA cho biết hãng đã cử đoàn đi nghiên cứu từ rất sớm, năm 1995, sang South West, và tiếp tục nghiên cứu khi hàng không Đông Nam Á bùng nổ.

Lãnh đạo hãng "cam đoan những gì VNA đang làm hiện nay, các hãng hàng không dịch vụ đầy đủ trên thế giới đều làm, thậm chí làm trước đó là xây dựng hãng dịch vụ đầy đủ kết hợp giá rẻ".

Ông cho biết hãng cũng học hỏi các đối tác trong khu vực, để đảm bảo phát triển ổn định phát triển, không chung số phận với một số hãng khác.

Vị lãnh đạo của hãng cũng nhắc lại xu thế tất yếu của hàng không giá rẻ, qua giai đoạn bùng nổ sẽ là M&A, mà châu Âu là ví dụ khi có lúc xuất hiện 20-30 hãng giá rẻ nhưng nay cũng chỉ có 2 hãng thống trị thị trường.

"Việt Nam cũng sẽ qua bước phát triển như vậy," ông Minh nhận định.

Cũng tại đại hội cổ đông ngày 20/6, ông Dương Trí Thành nêu rõ trọng tâm phát triển hàng không giá rẻ của VNA là tại các đường bay quốc tế.

Không đặt chỉ tiêu thị phần của hãng trong hàng không giá rẻ, nhưng Vietnam Airlines tin tưởng về lâu dài, Việt Nam cũng như các nước, sẽ có 2-3 hãng chi phối mảng thị trường này. Hãng sẽ cân đối để phát triển vừa đủ, giữ vững thị phần áp đảo đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Theo Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines công bố mới đây, HĐQT hãng này sẽ trình cổ đông phương án đầu tư năm 2017, gồm 100 dự án với tổng kinh phí đầu tư 2.925,6 tỷ đồng. Năm 2016 hãng đã chi tới 8.772 tỷ đồng ở khoản này.

Trọng tâm đầu tư năm 2017 của Vietnam Airlines sẽ là đầu tư máy bay với giá trị 2.111,8 tỷ đồng, chiếm 72% tổng kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, nếu so với mức đầu tư năm 2016, con số này mới chỉ bằng 28,2%.

Cụ thể, hãng sẽ đầu tư 2 dự án máy bay tổng cộng 18 chiếc, bao gồm 10 máy bay A350-900XWB và 8 máy bay B787-9.

Ngoài khoản đầu tư chính vào mở rộng đội bay, năm 2017, Vietnam Airlines cũng sẽ chi khoảng 1.100 tỷ đồng để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp (bao gồm 50 tỷ đồng dự phòng) trong 7 dự án đầu tư. Dự kiến, khoản đầu tư này sẽ mang về cho hãng khoảng 863 tỷ đồng lợi nhuận.

Theo đó, với việc tăng cường máy bay, Vietnam Airlines dự kiến sẽ khai thác 91 tàu bay, tăng 5 chiếc so với năm 2016. Trong đó, hãng chủ trương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu đội bay thân rộng bao gồm bán 4 tàu bay B777, dừng khai thác và trả 3 tàu bay A330, đồng thời áp dụng chiến lược bán và thuê lại (Sale and leasebank) 4 tàu bay gồm A350 và 1 tàu B787.

Đi kèm với kế hoạch mở rộng đội bay, Vietnam Airlines cũng có kế hoạch tăng thêm 76 phi công trong năm 2017.

Đại diện hãng cho biết theo báo cáo tầm nhìn của Boeing năm 2016, trong vòng 20 năm tới các hãng hàng không trên thế giới sẽ cần bổ sung nhiều nhân lực, trong đó có tới 617.000 phi công mới. Khu vực châu Á Thái Bình Dương dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển. Đây là cơ hội cho tất cả đối tượng tham gia trở thành phi công do nghề nghiệp này mang tính toàn cầu.

Đối với Vietnam Airlines, giai đoạn 2006-2016, số lượng phi công Việt Nam của hãng đã phát triển với tốc độ bình quân xấp xỉ 10%/năm. Số lượng phi công Việt Nam đào tạo và đưa vào sử dụng gần 500 phi công.

“Từ nay đến 2020, mỗi năm chúng tôi có kế hoạch bổ sung từ 90-120 phi công từ phi công cơ bản. Hiện tại, phi công người Việt Nam là lực lượng khai thác chủ lực của hãng. Lái phụ Việt Nam đã thay thế hoàn toàn người nước ngoài”, đại diện hãng chia sẻ.

Về sự bứt phá của các hãng hàng không đối thủ trên thị trường, đại diện Vietnam Airlines cho biết trong lĩnh vực vận tải hàng không, quy mô vốn hoá trên thị trường chứng khoán không phải là thước đo duy nhất phản ánh năng lực, tiềm năng phát triển trong ngắn hạn và dài hạn của một hãng hàng không.

“Giá trị vốn hóa của chúng tôi hiện tại phản ánh khách quan giá trị nội tại của hãng hàng không quốc gia đã được phát triển, tích lũy qua hàng chục năm và khả năng chấp nhận của thị trường dựa trên quy mô cổ phiếu phát hành, giá cổ phiếu và tính thanh khoản”, vị này nói.

Tại đại hội cổ đông, Trưởng ban TCKS Trần Thanh Hiền nhắc lại quá trình niêm yết của VNA lên sàn với sự tư vấn, đánh giá của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới. Vào thời điểm 2014, các đơn vị này đã định giá VNA theo chuẩn mực quốc tế và khuyến nghị mức giá 23.000 đồng/ cổ phiếu và đã được thị trường chấp nhận.

Khi trở thành công ty đại chúng, cổ phiếu VNA được các công ty định giá lại, và đề xuất mức giá 28.000 đồng/ cổ phiếu. Hiện nay, cổ phiếu của hãng giao dịch quanh mức 25.000-29.000 đồng/ cổ phiếu.

Như vậy, mức giá giao dịch của hãng đang sát với mức định giá theo chuẩn mực của sàn chứng khoán mang tính quốc tế cao. Hơn nữa, tình hình kinh doanh 2016 được xem là rất tốt, từ mức độ sinh lời, chỉ tiêu khai thác dịch vụ...

"Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi làm thế nào để giá cổ phiếu Vietnam Airlines tiến sát với các cổ phiếu cùng ngành. Câu hỏi này xin dành cho các nhà đầu tư tự đánh giá và quyết định", ông Hiền nói.

Đại diện hãng cho biết Vietnam Airlines luôn chào đón sự tham gia của các hãng khác, với mục đích cùng phát triển thị trường hàng không nội địa vô cùng tiềm năng với gần 100 triệu dân.

Chính sự tham gia của các hãng hàng không mới đã thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục trên 20% năm của thị trường hàng không nội địa trong các năm vừa qua.

Điều này một mặt tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines nhưng đồng thời cũng nâng cao nhận thức của hành khách về sự tiện lợi của giao thông hàng không khi hạ tầng đường bộ, đường sắt còn hạn chế.

Theo tờ trình ĐHĐCĐ thường niên của Vietnam Airlines, quý IV năm nay hãng sẽ phát hành thêm hơn 191 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng theo tỷ lệ 15,5753%.

Trong đó, hơn 164,7 triệu cổ phiếu là cho cổ đông Nhà nước, hơn 16,7 triệu cổ phiếu cho ANA Holding Inc, còn lại 9.69 triệu là cho các cổ đông hiện hữu khác. Hiện cổ phiếu HVN đang giao dịch trên UPCoM với mức giá trên dưới 27.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, trong năm 2017, hãng cũng đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh tăng khá nhiều so với năm 2016. Theo đó, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 22,55 triệu khách và 296,79 nghìn tấn hàng hóa trong năm 2017, tăng gần 10% so với năm 2016.

Theo đó, doanh thu kế hoạch năm 2017 Vietnam Airlines đặt ra tăng tới gần 23% đạt xấp xỉ 88.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ công ty mẹ là 66.872 tỷ đồng và doanh thu riêng từ hoạt động vận tải hàng không là gần 62.000 tỷ đồng.

Đồ hoạ: Sang Ngô

Quang Thắng
Nguồn Zing News