Xu hướng cá thể hóa có bùng nổ trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0?

“Cá nhân hóa”, chiến lược sử dụng công nghệ để sản xuất sản phẩm có khả năng linh hoạt “tùy biến” theo hành vi của từng khách hàng được xem là một xu hướng sản xuất điển hình của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Xét về hiệu quả, chiến lược cá thể hóa giúp tạo ra sự khác biệt, độc đáo, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường và mong muốn của người tiêu dùng, trước đây vốn chỉ dành cho các dòng sản phẩm cao cấp, hàng hiệu mới có thể thực hiện được. Xu hướng cá thể hóa dựa trên nhu cầu thực tạo ra cơ hội cho các DN muốn sở hữu lợi thế cạnh tranh độc nhất mà vẫn tối ưu được chi phí sản xuất.

Tại buổi giao lưu trực tuyến trên một trang điện tử, hai doanh nhân đại diện cho ngành CNTT và ngành điện tử là Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình và Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Asanzo Việt Nam - ông Phạm Văn Tam cũng đã có những chia sẻ về những cơ hội lẫn thách thức của cách mạng 4.0, trong đó nhắc đến xu hướng cá thể hóa như là một chủ đề mà các Startup Việt cần quan tâm và sẵn sàng đón nhận.

“Tùy biến” là điều hiển nhiên trong thế giới IoT (Internet of Things)

Trong lĩnh vực Internet, điều này vốn không còn xa lạ. Với khả năng tùy biến và nhắm chọn theo đối tượng, sản phẩm cuối cùng luôn có sự tham gia rất nhiều của chính người tiêu dùng.

Dễ thấy nhất là trang cá nhân Facebook, nơi người sử dụng có thể tự xây “nhà” cho riêng mình tùy theo sở thích hay Laban.vn có thể dự đoán nhu cầu của khách hàng để tùy chỉnh sản phẩm.

Đặc biệt, với sự phát triển của Big Data, mọi hành vi của người tiêu dùng trên mạng đều được suy đoán và “theo dõi” từ đó hình thành nên các sản phẩm, các chiến dịch tiếp thị số dành riêng cho từng đối tượng dựa trên thói quen, sở thích của người đó. Trên cùng một trang web, phụ nữ có thể chỉ nhìn thấy những quảng cáo về thời trang, mỹ phẩm trong khi đàn ông lại bị “cưỡng bức” bởi các quảng cáo về xe hơi.

Xu hướng cá nhân hóa nở rộ trong truyền thông kỹ thuật số.

Bùng nổ “Cá nhân hóa” trong thời đại 4.0

Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, trước đây khả năng “tùy biến” này rất khó có thể thực hiện, cũng đã xuất hiện những năm gần đây. Thực tế, trên thế giới, nhiều DN, hầu hết là các DN nước ngoài đã áp dụng thành công các hình thức cá thể hóa trong sản xuất như tùy chỉnh bao bì, nhãn mác theo đặc tính cá nhân của khách hàng.

Nổi bật nhất là chiến dịch đình đám của Coca-Cola cho phép in tên người trên vỏ hộp hay giải pháp tùy chỉnh theo nhu cầu của khách hàng sử dụng của Dell khi cho phép khách hàng đặt mua từng bộ phận của máy tính.

Chiến dịch quảng cáo nổi tiếng của Coca-Cola mở đầu cho trào lưu cá nhân hóa.

Ý tưởng “cá nhân hóa” nhờ công nghệ đã được biết đến và ứng dụng từ lâu. 17 năm trước, ngay từ lúc bắt đầu kinh doanh, một doanh nghiệp Việt đã theo đuổi chiến lược cá nhân hóa, tạo ra một dịch vụ hoàn toàn khác biệt, khi coi mỗi khách hàng là một gói cước, một cá thể riêng, cần được lắng nghe và phục vụ riêng biệt.

Và cho đến nay, sau 17 năm phát triển, vOCS (hệ thống tính cước theo thời gian thực) của Tập đoàn Viettel đã lên tới phiên bản 3.0, triển khai tại 6 quốc gia, đạt đến con số hơn 140 triệu thuê bao, với thời gian và nhân công chỉ bằng 1/3 so với thế giới, tiết kiệm hơn 70 triệu USD chi phí đầu tư.

Bức tranh lớn của Viettel, giờ đây nhờ sự tạo đà của làn sóng CMCN 4.0, đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhờ có vOCS 3.0, Viettel sẽ xử lý nhanh và chuẩn xác hơn các bài toán kinh doanh viễn thông - nơi mà năng lực Big Data là một sức mạnh quan trọng trong thời đại số 4.0 . Với mong muốn bán được nhiều hơn nữa cho các nhà mạng khác trên thế giới, vOCS 3.0 được kỳ vọng để hoàn thành sứ mệnh của “trái tim nhà mạng” mang thương hiệu Việt vươn khắp năm châu.

Với tuổi đời khiêm tốn hơn khi bước chân vào thị trường chưa đầy 3 năm, chưa thể cá nhân hóa theo từng đối tượng nhưng Asanzo, một thương hiệu lĩnh vực điện tử Việt đã và đang tập trung “cá nhân hóa” nhờ khả năng sâu sát thị trường và tìm hiểu văn hóa từng vùng miền để đáp ứng các sản phẩm với tính năng sử dụng được tùy biến linh hoạt theo “phong cách” địa phương và theo các nhóm đối tượng đa dạng.

Chẳng hạn, người miền Tây quen sử dụng nồi cơm nắp rời, trong khi người miền Bắc lại ưa chuộng nồi cơm nắp bật, và Asanzo thiết kế ngay sản phẩm đáp ứng từng vùng thị trường. Nếu như cung cấp sản phẩm mà không có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, thì sản phẩm thậm chí sẽ không đến tay người tiêu dùng, mà DN cũng bị thiệt hại về doanh thu và uy tín với đối tác.

Sản phẩm của Asanzo được sản xuất linh hoạt theo đặc điểm sử dụng của người tiêu dùng từng vùng miền.

Đặc biệt, sản phẩm thương hiệu Việt Asanzo có những tính năng thân thiện với môi trường và linh hoạt theo vùng miền như chống ẩm cho miền Bắc, chống ô xi hóa cho vùng biển miền Trung,…, vốn ít hãng nước ngoài nào có thể đáp ứng được do sự hạn chế về hiểu biết địa phương, được xem là thách thức chung khi các DN muốn chen chân vào thị trường “đại dương đỏ” như ngành điện tử, điện gia dụng.

"Thách thức hay không phụ thuộc vào cách mà chúng ta ứng xử với cơ hội", ông Tam cho biết.

Kể lại câu chuyện khởi nghiệp của mình khi đứng trước khó khăn lớn nhất là cạnh tranh với các thương hiệu tivi nước ngoài tại tọa đàm, ông chủ Asanzo khẳng định, thành công của DN một phần là nhờ có tư duy cần thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường, biến cái xa vời thành thứ gần gũi, dễ sử dụng, phù hợp với thực tế đời sống.

"Quan trọng là làm thế nào bình dân hóa công nghệ trong suy nghĩ của cộng đồng, của DN để họ thấy không còn cản trở và không còn sợ sự thay đổi. Chỉ cần làm được điều đó, DN hoàn toàn có thể phổ cập cách mạng 4.0 đến đa dạng đối tượng tiêu dùng hơn trong thực tế. Đây cũng chính là chiến lược mà Asanzo đã và đang hướng đến trong công cuộc chuẩn bị thích ứng với những biến đổi của thị trường.” anh Tam bày tỏ.

Bình dân hóa sản phẩm và công nghệ là chiến lược giúp Asanzo len lỏi vào mọi ngóc ngách của thị trường nông thôn.

Cá thể hóa là một xu hướng nổi bật trong cơn bão cách mạng công nghiệp 4.0, là động lực thúc đẩy DN sáng tạo nhiều hơn, tăng mức độ cạnh tranh, qua đó giúp nâng cao năng lực sản xuất từ đó thúc đẩy toàn bộ một ngành sản xuất nào đó đi lên.

Công nghệ là phục vụ nhu cầu của từng cá thể

Trong thế kỷ trước công nghệ sinh ra để phục vụ các nhà sản xuất còn trong thế kỷ này, công nghệ sinh ra để phục vụ nhu cầu của từng cá nhân. Chính vì vậy, công nghệ sẽ được phát triển để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của từng cá nhân, cơ sở cho việc cá thể hóa trong từng lĩnh vực.

DN Việt cần vận dụng công nghệ khôn ngoan, tiếp cận những nguồn lực hiện tại, phổ cập rộng rãi, hướng tới giá trị thực sản phẩm và trọng tâm con người để nhanh chóng tìm chỗ đứng trong dòng chảy lớn mang tên cách mạng công nghiệp 4.0, hòa chung vào tiến trình phát triển tất yếu của nhân loại.

Trường Xuân
Brands Vietnam