Cuộc đua trên thị trường đồ chơi cao cấp tỷ USD

Nhiều thương hiệu đang chấp nhận đánh đổi lợi nhuận để đẩy mạnh xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng đồ chơi nhằm đón đầu làn sóng tiêu dùng.

Thị trường sản phẩm tiêu dùng cho trẻ em tại Việt Nam ước tính đã vượt mốc 5 tỷ USD vào năm trước, theo báo cáo của N Kids. Trong đó, nhóm sản phẩm gồm đồ chơi, quần áo chiếm khoảng một phần ba doanh thu toàn thị trường.

Bắt đầu từ giai đoạn 2007 - 2008, với sự du nhập của những mặt hàng đồ chơi chính hãng có thương hiệu, bên cạnh các dòng sản phẩm giá rẻ từ Indonesia, Malaysia hay Trung Quốc vốn đã tồn tại từ lâu, thị trường đồ chơi trong nước bắt đầu xuất hiện sự phân hóa rõ rệt. Sự xuất hiện những doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhóm đồ chơi cao cấp nhập khẩu - dòng sản phẩm được bán trong các trung tâm thương mại lớn hoặc chuỗi cửa hàng riêng biệt, đã làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường.

Việt Tinh Anh với chuỗi cửa hàng My Kingdom, Phương Nga với ToyLand, Những đứa trẻ vàng (Goldenkids) với chuỗi Funny Land và K&K, hay Con Cưng với ToyCity là những cái tên đình đàm, dù mới chỉ xuất hiện trên thị trường trong khoảng 7 năm trở lại đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Anh Tiến, Founder của Công ty cổ phần Con Cưng - đơn vị quản lý chuỗi Concung.com và ToyCity cho biết, thị trường đồ chơi trẻ em cao cấp đang bước vào giai đoạn bùng nổ do nhu cầu tăng cao từ khách hàng, đặc biệt tại các thành phố lớn. "Nếu trong vòng 3-5 năm tới quy mô của những chuỗi cửa hàng như My Kingdom, ToyCity, ToyLand có gấp 3-4 lần hiện tại thì cũng không phải điều không thể xảy ra", ông Tiến chia sẻ, đồng thời lý giải động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường đến từ xu hướng tiêu dùng và khả năng chi tiêu của khách hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu hướng đến những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng cũng gia tăng khi những mặt hàng đồ chơi giá rẻ từ Trung Quốc, Malaysia gặp nhiều vấn đề về chất lượng.

Các chuỗi cửa hàng phân phối đang đẩy mạnh mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần.

Tuy nhiên, do thị trường vẫn còn sơ khai nên doanh số của các chuỗi cửa hàng phân phối dù tăng mạnh do liên tục mở rộng, nhưng vẫn còn quá nhỏ so với quy mô toàn thị trường.

"Thị trường vẫn còn phân mảnh nên các chuỗi phân phối hiện giờ không coi nhau là đối thủ, thay vào đó mục tiêu cạnh tranh chính là các kênh phân phối truyền thống như cửa hàng tạp hóa, bản lẻ. Họ đang góp phần hình thành một xu hướng tiêu dùng mới cho khách hàng có thu nhập trên mức trung bình", ông Tiến nói.

Công ty cổ phần Việt Tinh Anh sở hữu chuỗi cửa hàng My Kingdom, được thành lập từ giữa năm 2009 là một trong những chuỗi cửa hàng có quy mô lớn nhất trên thị trường hiện nay. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 26,5 tỷ đồng đã xây dựng được chuỗi khoảng 200 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành, trong đó riêng Hà Nội và TP HCM đã chiếm hơn một nửa.

Thế mạnh của My Kingdom là các dòng sản phẩm đồ chơi lắp ghép từ các thương hiệu như LEGO, Siku, Moxie Girlz... mô phỏng những siêu anh hùng của DC Comics, Marvel hay những nhân vật, công trình nổi tiếng - những dòng sản phẩm này có mức giá phổ biến từ vài trăm nghìn cho đến hàng chục triệu đồng.

Theo số liệu từ Công ty CP nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (Virac) doanh thu của chuỗi cửa hàng My Kingdom trong năm 2015 đạt hơn 480 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2014 (323 tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận qua 2 năm chỉ tăng hơn 11% từ 28,6 tỷ lên 31,8 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận thấp và tốc độ tăng trưởng không tương xứng với doanh thu của chuỗi cửa hàng này được một số chuyên gia lý giải là do đặc thù của hoạt động kinh doanh phân phối với tỷ lệ lợi nhuận biên không quá cao và việc đẩy mạnh phát triển hệ thống nhằm chiếm lĩnh thị trường khiến chi phí gia tăng.

Không riêng My Kingdom, nhiều chuỗi cửa hàng phân phối đồ chơi nhập khẩu khác cũng đang đánh đổi giữa lợi nhuận và việc mở rộng hệ thống phân phối.

Kết quả kinh doanh của một số chuỗi phân phối đồ chơi trẻ em năm 2015. Nguồn: Virac

Với quy mô nhỏ hơn, chuỗi cửa hàng Funy Land thuộc quản lý của Công ty cổ phần Những đứa trẻ vàng (Golden Kids) hiện có 29 cửa hàng trên cả nước, tập trung chủ yếu tại TP HCM (15 cửa hàng) và Hà Nội (7 cửa hàng), ngoài ra còn một số tỉnh thuộc khu vực phía Nam như Cần Thơ, Biên Hòa, Bình Dương, Vũng Tàu.

Tập trung vào các dòng sản phẩm đồ chơi mô hình, lắp ghép từ các thương hiệu như Takara Tomy, Tosy, Winwintoys, Toytron, Beyblade, Globber... Năm 2015, doanh thu của hệ thống Funny Land đạt gần 60 tỷ đồng, tuy nhiên cũng giống My Kingdom lợi nhuận chuỗi cửa hàng này thu về chỉ hơn 2 tỷ đồng, với biên lợi nhuận chưa tới 4%.

Quy mô thuộc nhóm thấp hơn với gần chục cửa hàng, song Phương Nga Toys với chuỗi ToyLand ghi nhận doanh thu hơn 115 tỷ đồng trong năm 2015, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014. Mặc dù vậy lợi nhuận thu về năm 2015 chỉ gần 600 triệu đồng, năm trước đó hệ thống này thậm chí còn lỗ gần 1 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, với mức độ tăng trưởng doanh thu đột biến nhờ mở rộng hệ thống phân phối, bản thân ToyLand và một chuỗi cửa hàng thuộc cùng chủ sở hữu là tiNi World đang nhận được đánh giá tích cực từ các định chế tài chính.

Cuối năm 2016, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Thiếu nhi mới (N Kid Corporation) - chủ sở hữu chuỗi tiNi World và Phương Nga Toys (ToyLand) đã nhận được khoản đầu tư gần 1.000 tỷ đồng (40 triệu USD) từ Standard Chartered Private Equity (SCPE) - quỹ đầu tư vốn cổ phần thuộc Ngân hàng Standard Chartered. Theo thông báo từ BDA Partners - đơn vị tư vấn cho thương vụ này, số tiền đầu tư sẽ được N Kid sử dụng để mở rộng hệ thống phân phối trên cả nước.

Minh Sơn
Nguồn VnExpress