Uber sẵn sàng sửa đổi công nghệ để phù hợp với pháp luật mỗi nước

Cả Uber và Grab cùng gặp phải thách thức về mặt pháp lý ở mỗi quốc gia vì có những quy định riêng, do đó Uber cần thay đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu pháp luật từng nước.

Tại buổi Tọa đàm với các doanh nghiệp FDI về Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới do Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức vào ngày 2/6/2017, ông Been Brooks, Giám đốc chính sách và công nghệ khu vực châu Á Thái Bình Dương của Uber đã dùng từ “chuyến đi chia sẻ” “công nghệ kết nối” để nói về dịch vụ ứng dụng kết nối phương tiện và người sử dụng như Uber và Grab. Ông Been Brooks cũng khẳng định, Uber không phải là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải mà Uber chỉ dùng công nghệ số để kết nối người và tài xế, giúp đường xá phương tiện được khai thác tốt nhất, Uber dùng công nghệ để chia sẻ các phương tiện đang có sẵn, đang lưu thông để vận chuyển tốt hơn, chia sẻ chi phí.

Ông Been Brooks cũng đưa ra con số về chi phí sử dụng xe riêng so với sử dụng Uber tại Trung tâm Malina (Philippines) thì ước tính hàng năm chi phí sử dụng xe riêng cao hơn dùng Uber để di chuyển từ 50 – 100%, việc dùng Uber đã giúp người dùng tiết kiệm chi phí đáng kể. Uber cũng đưa ra dự báo về số lượng người sử dụng chuyến xe chia sẻ sẽ tăng rất cao trong thời gian tới. Cụ thể, hiện tại chuyến đi chia sẻ chỉ chiếm 4% số dặm lái xe toàn cầu, dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 25%.

Lãnh đạo Uber khẳng định việc phát triển các ứng dụng kết nối trong giao thông giúp các quốc gia cải thiện hiệu suất và năng suất đáng kể. Việc gia tăng các chuyến xe taxi truyền thống, xe cá nhân đã khiến hầu hết các đô thị bị ùn tắc do phương tiện ra đường quá nhiều, rồi dẫn tới ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn. Nếu nhìn vào số chuyến đi mỗi giờ ở TP.HCM công nghệ kết nối sẽ giúp hệ thống giao thông hiệu quả hơn, tận dụng được các phương tiện có sẵn. Và TP.HCM sẽ không cần một đội xe dày đặc các phương tiện giao thông thương mại có mặt ở ngoài phố vào nhiều thời gian. Trước đây có nhiều xe trống của các cá nhân chạy ngoài đường, với công nghệ kết nối sẽ có nhiều xe trống được tận dụng, giúp tiết kiệm được chi phí.

Ông Been Brooks, Giám đốc chính sách và công nghệ khu vực châu Á Thái Bình Dương của Uber. Ảnh: M.Q.

“Ở thủ đô Jakarta của Indonesia có 24% chuyến đi Uber phục vụ ở khu vực ngoài trung tâm thành phố ở Jakarta. Công nghệ kết nối đã giúp người dùng tiếp cận dịch vụ ở những nơi tài xế taxi truyền thống không nhắm tới. Uber cũng tạo cơ hội cho nhiều người, có nhiều đối tác trở thành nhà cung cấp dịch vụ Uber như phụ nữ dùng xe gia đình kiếm thêm thu nhập”, ông Been Brooks nói

Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT đặt câu hỏi, Uber và Grab là mô hình kinh doanh có nhiều ưu điểm, vậy Uber có đề xuất gì để cả Uber và các hãng taxi truyền thống cùng hợp tác, cùng có lợi không?

Trả lời câu hỏi này, ông Been Brooks cũng cho rằng, một vấn đề mà Uber mà các công ty công nghệ đối mặt là chính sách pháp luật ở mỗi nước khác nhau. Ví dụ, ở Indonesia có quy định các công ty được cung cấp dịch vụ chia sẻ thì tài xế phải đăng ký là thành viên của 1 hãng taxi hay 1 hợp tác xã vận tải, doanh thu của họ được kiểm soát và đóng thuế. Tại Indonesia các công ty công nghệ phải đảm bảo có số liệu về các chuyến đi và phản hồi theo dõi lái xe, đảm bảo mức độ tuân thủ quy định của nhà nước, theo dõi tài xế có đóng thuế hay không, có đăng ký đúng quy định không.

Cả Uber và Grab cùng gặp phải thách thức này, mỗi quốc gia đều có những quy định riêng, do đó Uber cần thay đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu pháp luật từng nước. Uber làm việc chi tiết với từng Chính phủ để thay đổi về công nghệ thích ứng với quy trình quản lý của các nước. Ông Been Brooks kiến nghị, việc phát triển công nghệ ứng dụng là xu hướng khi Cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão, do đó các quốc gia phải tham khảo để thay đổi quy định pháp lý phù hợp với sự ứng dụng của công nghệ. Cách mạng 4.0 có nhiều thách thức, các Chính phủ phải biến thách thức thành cơ hội.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ vào chiều ngày 3/6/2017, liên quan đến việc quản lý hoạt động của Uber và Grab, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, hiện Uber, Grab là ngành vận tải nhiều nước trên thế giới triển khai. Việt Nam đang phát triển loại hình gọi xe ứng dụng CNTT thông qua Smartphone và nó rất thuận lợi cho người tiêu dùng. Có thể nói, đây là một trong những vấn đề trong cách mạng công nghiệp 4.0 các nước thế giới nhắc đến. Đây là loại hình vận tải tiên tiến mà người dân rất hưởng ứng.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: “Vừa rồi chúng tôi có những cuộc hội thảo để nêu rõ tính ưu việt của loại hình gọi xe và rất mong là các doanh nghiệp taxi Việt Nam triển khai các phần mềm ứng dụng tương tự để cạnh tranh lành mạnh. Có thể nói, đến nay gần 10 hãng taxi của Việt Nam đã thiết lập được phần mềm để có thể ứng dụng gọi xe điện tử và thanh toán điện tử cho khách hàng. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu những hãng như Uber, Grab... thực hiện đúng các quyết định về kinh doanh vận tải như trong Nghị định 86 mà Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành. Đây là loại hình gọi xe bằng xe hợp đồng. Chúng tôi yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ này chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải và có phù hiệu cũng như là các điều kiện ràng buộc khác. Trên thực tế như vừa rồi, sau khi các loại hình này triển khai thì đã giao cho thanh tra của các Sở GTVT trên cả nước kiểm tra. Có rất nhiều doanh nghiệp vi phạm, tức là không đăng ký kinh doanh vận tải, không có giấy phép, phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh. Chúng tôi đã xử phạt và đồng thời thu hồi rất nhiều giấy phép kinh doanh, sau đó yêu cầu các doanh nghiệp cam kết không vi phạm".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, đến nay, Grab, Easy thực hiện trên các loại hình taxi của họ có phù hiệu logo rất dễ, còn riêng với Uber dùng hình thức xe hợp đồng thì phải yêu cầu doanh ngiệp Uber phải đăng ký. Ngoài đăng ký về hoạt động, về cung cấp phần mềm, nếu đăng ký thêm kinh doanh vận tải phải được các Sở GTVT các địa phương cấp giấy phép kinh doanh và đồng thời phải chịu các điều kiện quản lý giống như các doanh nghiệp vận tải của các hãng taxi khác.

"Về quản lý nhà nước, hiện nay Bộ GTVT đã triển khai rất đầy đủ các hình thức, gần đây nhất trong sửa đổi Nghị định 86, chúng tôi có đưa vấn đề đó vào, Chính phủ cũng đang xin ý kiến bộ, ngành và sau khi có Nghị định 86 sửa đổi thì chúng tôi tin rằng quản lý các loại xe này có thể bảo đảm được công bằng giữa các loại hình vận tải taxi", Thứ trưởng nói.

Khôi Nguyên
Nguồn ICT News