Taxi truyền thống được khuyến khích làm phần mềm cạnh tranh với Uber, Grab

Hiện có 10 hãng taxi thiết lập được phần mềm gọi xe và cơ quan quản lý khuyến khích cạnh tranh lành mạnh qua các ứng dụng này.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, nhiều ý kiến thắc mắc việc Uber, Grab liên tiếp có dấu hiệu phá giá thị trường, khuyến mãi kéo dài... Câu hỏi "quản lý Uber và Grab thế nào để đảm bảo sự công bằng cho các hãng taxi truyền thống" được gửi tới đại diện Bộ Giao thông Vận tải.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Uber và Grab taxi là loại hình vận tải rất mới, được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có hoạt động của loại hình này ở quy mô lớn. "Có thể nói đây là loại hình ứng dụng quản lý xe bằng công nghệ thông tin điện tử qua smartphone rất thuận lợi cho người tiêu dùng, được người dân hưởng ứng", ông Trường nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay, vừa rồi Bộ đã có những cuộc hội thảo nêu rõ tính ưu việt của loại hình này.

"Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp taxi Việt Nam triển khai các phần mềm ứng dụng tương tự để có cạnh tranh lành mạnh. Đến nay cũng có khoảng 10 hãng taxi thiết lập được phần mềm ứng dụng để gọi xe và thanh toán điện tử cho khách hàng", ông Trường thông tin.

Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: Võ Văn Thành.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông cũng đã yêu cầu những hãng taxi Uber và Grab thực hiện đúng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải trong Nghị định 86 mà Bộ đã ban hành. Đây là loại hình xe hợp đồng nên Bộ yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ này chỉ được cung cấp cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải và có phù hiệu cũng như các điều kiện ràng buộc khác.

Vừa qua, sau khi loại hình này triển khai, Bộ Giao thông đã giao cho thanh tra các Sở Giao thông kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm. Các lỗi gồm: Không đăng ký kinh doanh vận tải, không có giấy phép, phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh.

"Chúng tôi đã xử phạt và thu hồi rất nhiều giấy phép kinh doanh, sau đó yêu cầu cam kết không vi phạm", ông Trường nói và cho biết, đến nay, Grab hay Live taxi đã có phù hiệu, logo trên xe taxi. Riêng với Uber thường dùng hình thức xe hợp đồng, Bộ không cấm hình thức đó nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký hoạt động, cung cấp phần mềm. Nếu đăng ký thêm kinh doanh vận tải thì phải được các Sở Giao thông các địa phương cấp giấy phép kinh doanh, và đồng thời phải chịu sự quản lý các điều kiện đúng như quản lý vận tải của các doanh nghiệp taxi khác.

Thứ trưởng Trường cho hay, hiện Bộ Giao thông đã triển khai đầy đủ các hình thức quản lý nhà nước đối với loại hình này. Gần đây nhất, trong sửa đổi Nghị định 86 chúng tôi cũng đưa loại hình này vào quản lý.

"Sau khi có Nghị định 86 sửa đổi thì chúng tôi tin rằng quản lý các loại hình xe này sẽ đảm bảo công bằng với các loại hình taxi hiện nay", ông Trường khẳng định.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông cũng như chỉ đạo cơ quan thuộc hệ thống của Bộ giám sát taxi Uber, Grab với taxi thông thường, đảm bảo công bằng và lợi ích bền vững của người tiêu dùng.

Hoàng Thùy
Nguồn VnExpress