HTC “né” Samsung, Apple tại Việt Nam và hướng đi cho các hãng mới

HTC cho rằng bị kẹt giữa những hãng Trung Quốc mới nổi và Apple, Samsung nên đã xác định lại hướng đi. Đây có thể là cách để các hãng mới lẫn cũ tham khảo.

Trong buổi ra mắt HTC U11 tại Việt Nam hôm 31/5, ông Nguyễn Hồng Châu - Tổng Giám đốc HTC Việt Nam - cho biết, HTC gặp khó khăn trong thời gian qua và sẽ định vị lại thương hiệu.

Phân tích thị trường smartphone hiện nay, người đứng đầu HTC Việt Nam từ năm 2008 cho rằng phân khúc tầm trung đang chịu sự chi phối mạnh mẽ từ những thương hiệu điện thoại Trung Quốc, chưa kể sự trở lại của Nokia sắp tới lại đang nhắm tới nhóm này. Ở tầm cao, Samsung và Apple đang chiếm thị phần tốt nhất. Sản phẩm HTC từ trước đến nay nhắm vào khách hàng trung - cao cấp, do đó hãng bị kẹp chính giữa hai nhóm hãng kể trên và cần định vị lại thương hiệu.

Theo ông Châu, các hãng smartphone tại Việt Nam có thể chia làm 3 nhóm chính: Sony, Samsung là các hãng có nhiều ngành hàng hỗ trợ, smartphone làm nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho hãng; nhóm hai gồm những tên tuổi mới nổi, chủ yếu từ Trung Quốc, có nhiều tiền để đầu tư thị trường; nhóm cuối gồm Apple hay BlackBerry - những hãng tách khỏi hai nhóm trên.

Người từng có 5 năm làm việc tại Samsung Việt Nam cho hay, HTC sẽ nằm ở nhóm thứ 3, dùng thế mạnh của sáng tạo để tạo sự khác biệt. Hãng điện thoại Đài Loan sẽ bỏ hoàn toàn phân khúc tầm trung, nhắm đến nhóm sản phẩm cấp cao.

Ông Nguyễn Hồng Châu, Tổng giám đốc HTC Việt Nam, với chiếc U11 trên tay. Ảnh: H.Đ.

Ở tầm cao cấp, Apple và Samsung đang chiếm thị phần tốt nhất, ngoài ra còn có sự tham gia của Sony. Ông Châu cho rằng nhóm khách hàng sử dụng sản phẩm Apple rất trung thành, nhắm vào nhóm này sẽ rất tốn kém để dịch chuyển lòng trung thành của họ sang dùng sản phẩm Android. Còn Samsung là hãng điện tử phổ biến, có nhiều sản phẩm phủ hết các phân khúc giá, không phải là cách HTC đi theo.

“10 người mua điện thoại cao cấp thì có 8 người mua Samsung, Apple. HTC nhắm vào 2 người còn lại không muốn mua sản phẩm của hai hãng kia”, người đứng đầu HTC Việt Nam khẳng định.

Với định hướng đó, HTC sẽ tạo những khác biệt so với sản phẩm khác trên thị trường. Chiến lược này được hãng theo đuổi trong ít nhất năm nay và năm kế tiếp, do đó sẽ ảnh hưởng đến cách hãng làm tiếp thị và kênh phân phối.

HTC U11 được giới thiệu tại Việt Nam hôm qua sau khi lần đầu ra mắt tại Đài Loan nửa tháng trước. Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên bán ra chiếc samrtphone cao cấp nhất của hãng, chứng tỏ tầm quan trọng của thị trường này đối với HTC.

U11 được trang bị cảm biến cạnh viền, giúp người dùng bóp hai cạnh phía dưới của điện thoại để điều khiển các thao tác cài đặt trước như: kích hoạt nhanh camera, chụp ảnh, bật đèn flash, mở một ứng dụng… Đây là tính năng độc đáo hầu như chưa từng xuất hiện trên bất kỳ smartphone nào. Mặc dù tác dụng của cảm biến cạnh viền còn hạn chế, cần được tận dụng để thêm tính năng, tuy nhiên rõ ràng nó tạo sự khác biệt trong nhóm smartphone cao cấp.

Ngoài ra, HTC cũng tạo cuộc cách mạng mạnh mẽ khi trang bị kính 3D ở nắp lưng phía sau máy, tạo sự bóng bẩy cho smartphone của hãng với các màu thu hút như đỏ, xanh (mà hãng gọi là màu bạc), xanh sapphire, ngoài ra còn màu trắng và đen. Các nắp lưng này tùy theo ánh sáng và góc nhìn có thể tạo những màu sắc khác nhau đẹp mắt.

U11 có nhiều màu lạ như đỏ, xanh (nhưng HTC gọi là màu bạc). Ảnh: H.Đ.

Với cấu hình thuộc dạng tốt nhất hiện nay ở nhóm cao cấp, như bộ xử lý Qualcomm 835, RAM 8GB, chiếc máy của HTC vẫn nhắm ở mức giá gần 17 triệu đồng, “né” hẳn những đối thủ mới ra mắt gần đây như Samsung Galaxy S8 hay iPhone 7/7 Plus. Với tầm giá đó, HTC nhắm vào những smartphone đã ra mắt thế hệ trước của Samsung và Apple như S7 Edge và iPhone 6S.

Dù được trang bị cấu hình tốt hơn với tính năng chưa từng xuất hiện trên smartphone nhưng HTC lại định giá bán thấp hơn một bậc so với các điện thoại cao cấp mới nhất của Apple và Samsung, chứng tỏ sự e dè nhất định đối với hai ông lớn đang chi phối nhóm cao cấp. Tuy vậy, hãng cũng giữ lại sự tự tin của mình khi bán ở mức 16,99 triệu đồng. Ở tầm giá này, chỉ mỗi Xiaomi “dám” chen chân vào với sản phẩm Mi Mix cũng đột phá không kém, ngoài ra không còn hãng nào khác bước tới. Ngay cả Sony với bề dày thương hiệu và sản phẩm tốt, cũng chỉ bán chiếc XZs cao cấp nhất của hãng ở mức giá 14,99 triệu đồng (dĩ nhiên cấu hình thấp hơn U11).

Việc định giá U11 cũng có sự cân nhắc nhất định, không như chiếc U Ultra của hãng ra mắt cách đây 3 tháng được để giá đến 18,49 triệu đồng, rồi giảm hẳn 2,5 triệu đồng sau một tháng, và giữ giá 14,99 triệu như hiện nay.

Định hướng lại đường đi nước bước, tạo sự khác biệt cho sản phẩm đồng thời né hai ông lớn Apple và Samsung, có thể là cách để nhiều hãng mới tham gia thị trường Việt Nam tham khảo. HTC có thành công hay không chưa bàn tới, nhưng chắc chắn “tạo sự khác biệt” chính là yếu tố cốt lõi để tách ra, bứt lên trong thị trường smartphone hỗn tạp, cạnh tranh gay gắt tại Việt Nam.

Những hãng hàng đầu tại Việt Nam đều chứng tỏ đường hướng, sản phẩm rõ ràng, có sự đầu tư nghiêm túc trong các chiến dịch tiếp thị và bán hàng. Trong khi nhiều hãng khác vẫn loay hoay với chiến lược và sản phẩm của mình.

Trong các hãng Trung Quốc tiềm năng, Huawei tạo sự khác biệt rõ ràng trong thiết kế sản phẩm, chất lượng khá, đã từng xâm nhập các thị trường châu Âu nên sản phẩm hoàn thiện ở mức toàn cầu nhưng sản phẩm của hãng vẫn chưa có điểm khác biệt nổi bật. Ngay cả chiếc P10 ra mắt trên thị trường thế giới đã lâu nhưng đến nay chưa bán ra tại Việt Nam.

Vivo cũng là một cái tên đáng nhắc khi cách làm khá giống với Oppo tại Việt Nam, bảng hiệu có tên của hãng cũng phủ khá dày trên các cửa hàng ở nhiều tuyến phố, nhưng thiết kế sản phẩm chưa khác biệt, còn na ná với các smartphone khác trên thị trường. Gần đây hãng có vẻ nhắm đến xu hướng camera nhưng vẫn thiếu những cú hích mạnh mẽ để bứt lên.

Trong những tên tuổi cũ, hiện chỉ còn mỗi HTC và Sony vẫn ra sản phẩm khá đều, có chăm chút cho thị trường Việt Nam bằng những mẫu smartphone mới nhất.

Theo số liệu của Thế Giới Di Động, Samsung, Oppo, Apple đang chiếm đến 85% doanh số tại hệ thống này, các hãng còn lại chỉ được 15% - không bằng doanh số của bất kỳ hãng nào trong 3 hãng dẫn đầu. Thông kê này không phản ánh hết hoàn toàn bối cảnh thị trường nhưng chắc chắn phản ánh được nỗ lực và thành quả của các hãng smartphone tại Việt Nam.

Hải Đăng
Nguồn ICT News