Máy tính đang dần trở nên vô hình

Công nghệ hiện nay luôn luôn hiện hữu dưới những hình dạng mà con người có thể tương tác vật lý. Tuy nhiên, trong tương lai gần, chúng sẽ trở nên gần như vô hình.

Xin giới thiệu bài viết từ The Verge, nói về cách máy tính và thiết bị di động đang dần biến mất để chuyển sang dạng "vô hình" trong tương lai.

Máy tính và thiết bị di động sẽ biến đổi sang dạng khác

Trong bài viết mang tên Personal Technology ra mắt ngày 17/10/1991 của Mossberg - hiện là cây bút chuyên mảng Công nghệ của The Verge chỉ ra rằng “Máy tính cá nhân thật quá khó để sử dụng, và đó không phải lỗi của người dùng”.

Cho tới khoảng thời gian nhiều năm trở về sau, câu khẳng định trên vẫn luôn chính xác. Cụ thể, giao diện sử dụng gây bối rối cho người dùng và có nhiều sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi người sửa chữa cần nhiều kiến thức về kĩ thuật phức tạp, thứ mà rất nhiều người không biết hoặc không quan tâm.

Lĩnh vực công nghệ máy tính còn rất mới mẻ. Các kĩ sư không thèm thiết kế ra những sản phẩm dành cho người dùng phổ thông.

Tuy nhiên, những sản phẩm công nghệ hiện nay ngày càng trở nên đáng tin cậy và dễ sử dụng. Người dùng cũng bắt đầu nhạy bén với việc nắm bắt công nghệ mới. Bạn có thể đưa cho một đứa nhóc 6 tuổi một chiếc iPad và chỉ dẫn qua một lần, đứa nhỏ có thể khởi động thiết bị một cách dễ dàng.

Điều này thật đáng ngạc nhiên. Chiếc iPad hiện nay có hiệu suất mạnh hơn những chiếc PC phức tạp mà tôi đã sử dụng qua từ những năm 90. Chính vì thế, công nghệ chế tạo phần mềm và phần cứng hiện nay ít khi tuột dốc không phanh như ở thời kì sơ khai của mảng công nghệ này.

Đến hiện tại, tôi đính chính lại lời nói của mình: "Thiết bị công nghệ cá nhân thực ra khá dễ sử dụng, nếu không, đó cũng không phải lỗi của bạn”. Chúng được chế tạo sao cho phù hợp với người dùng phổ thông và cải tiến theo từng năm. Đó cũng không phải những thiết bị mới nhất.

Những sản phẩm công nghệ mới nhất hiện nay chỉ trở nên đáng tin cậy và đơn giản đối với các kỹ sư tạo ra chúng. Có rất nhiều người dùng vẫn không muốn trải nghiệm công nghệ thực tế ảo và đeo bộ kính VR. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều người không tin tưởng Siri, Alexa, Google Assistant bởi những câu trả lời mà chúng mang lại. Nhưng, đây mới chỉ là bước đầu của những ngành công nghệ trên.

Vậy, chúng ta đang dừng ở điểm nào và điều gì sẽ xảy đến tiếp theo?

Sự tĩnh lặng trước khi cơn bão ập đến

Khi tôi đang viết bài báo này, thế giới công nghệ đang bùng nổ không ngừng, nhưng có rất ít những công nghệ bom tấn hoặc sản phẩm đột phá làm thay đổi cục diện bấy lâu nay của ngành công nghệ. Nhưng, một kiểu đột phá khác đang nhẹ nhàng xảy ra.

Loại smartphone đa cảm ứng, điển hình là chiếc iPhone đầu tiên của hãng Apple ra mắt 10 năm trước thâu tóm thị trường công nghệ cao toàn thế giới, sau đó ngày càng phát triển trở thành một loại máy tính cá nhân kiểu mới.

Máy tính bảng sau này cũng phát triển vượt bậc, nhưng khá là khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ đứng vững chãi trong cuộc sống của người dùng. Trong khi máy tính bàn và laptop đã trở thành một phần của trang trí nội thất.

Cuộc cách mạng phần mềm như sự ra đời của điện toán đám mây, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội ngày càng phát triển và cải tiến thêm, nhưng chúng dần đi theo một lối mòn. Công nghệ drone và robot vẫn trong giai đoạn sơ khai với rất ít ứng dụng thực tiễn.

Sự kiện lớn nhất đánh một dấu mốc quan trọng trong ngành sản xuất công nghệ phần mềm và phần cứng từ lúc iPad ra đời vào năm 2010 chính là việc ra mắt loa thông minh điều khiển bằng giọng nói Echo của Amazon, tích hợp trợ lý ảo Alexa. Công nghệ được giới thiệu vào năm 2015, sau đó một năm Google Home - một thiết bị có chức năng tương đồng cũng được ra mắt.

Nhưng Echo và Alexa chỉ mới là sự khởi đầu cho những thứ khác. CEO của hãng Amazon Jeff Bezos chia sẻ rằng "trí thông minh nhân tạo không phải chỉ là lượt đầu của một trận bóng chày, mà còn là giai đoạn của người đánh bóng đầu tiên bắt đầu ra sân".

Trong khi Amazon từ chối tiết lộ doanh số bán hàng của Echo, một bên thứ ba cho hay, mặc dù công nghệ của Amazon là không thể bàn cãi nhưng doanh số của họ chỉ vào khoảng 10 triệu thiết bị vào năm ngoái. Trong khoảng thời gian khó khăn, ngay cả Apple cũng bán ra 50 triệu iPhone, và doanh thu của Android đương nhiên cũng lớn hơn Amazon khá nhiều.

Google vừa thông báo có hơn 2 tỷ thiết bị Android đang được sử dụng trên toàn cầu và Apple tuyên bố rằng một năm rưỡi trước đây có hơn 1 tỷ thiết bị iOS trong trạng thái được sử dụng. Tất cả đều là smartphone.

Chờ mà xem!

Những công nghệ đột phá, mới mẻ không xuất hiện trên các trang web mua bán như Amazon, Apple Store hoặc Best Buy không có nghĩa là sự phát triển công nghệ thông tin đang bị trì trệ. Thực ra, chúng chỉ đang tạm dừng và bắt đầu "lấn sân" sang một vài lĩnh vực mới. Nếu thành công, kết quả sẽ cực kì lớn và thậm chí thành công hơn hẳn sự ra mắt của PC những năm 1970, website những năm 1990 hoặc smartphone ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này.

Có rất nhiều công ty và tập đoàn mang nhiều cái tên không mấy nổi bật đang sản sinh ra những dự án start-up mang tầm cao mới trong tương lai gần chẳng hạn như những dự án về trí thông minh nhân tạo/cho máy móc khả năng học tập, thực tại ảo, thế giới ảo, robot và drone, nhà thông minh, xe tự lái, và thiết bị chăm sóc sức khỏe điện tử.

Tất cả những công nghệ trên đều có điểm chung đó là sức mạnh của hệ thống xử lý máy tính, công nghệ cảm biến mới, kết nối mạng tốt hơn, nhận diện bằng giọng nói và khuôn mặt, cũng như các loại phần mềm khác ngày càng đa dụng và bảo mật hơn.

Không gian máy tính

Tôi thường có suy nghĩ rằng biết đâu sau này tất cả những ngành công nghệ tiên tiến kia sẽ hợp nhất và “biến mất”. Chúng sẽ hiện hữu đâu đó xung quanh người sử dụng, chờ đợi đáp ứng câu lệnh của người dùng, và có khả năng nhận diện được thay đổi tâm sinh lý nhỏ nhất của một người như các hóa chất trong máu, cảm xúc từ đó điều chỉnh nhiệt độ trong phòng thích hợp.

Cả căn nhà, văn phòng và xe hơi của bạn sẽ được bao quanh bởi những cảm biến máy tính. Nhưng chúng không hiện hữu theo hình dạng vật lý thường thấy, như mấy loại thiết bị công nghệ cao chẳng hạn.

Đây chính là "không gian máy tính", sự biến đổi của môi trường sống xung quanh người dùng với tích hợp của trí thông minh và tiện ích một cách vô hình.

Trong vài tuần trở lại đây, nhà nghiên cứu Facebook Regina Dugan vừa thông báo rằng cô và đồng nghiệp đang lên kế hoạch sử dụng chính não của mình để điều khiển các thiết bị thực tế ảo. Bên cạnh đó, nhóm của Regina còn phát triển công nghệ “nghe” qua da.

Trong diễn biến khác, Apple hé lộ dự án bí mật điều chỉnh lượng đường gluco của bệnh nhân tiểu đường bằng một dạng cảm biến mới, kết thúc chuỗi ngày kiểm tra bệnh phiền phức.

Nhanh hơn, Google đã và đang theo đuổi hướng đi “AI First” với Google Home và Goole Assistant xử lý công việc bằng giọng nói và duy trì những hội thoại phi cảm tính.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ khác thì đang phát triển công nghệ sạc điện thoại với thiết bị gửi năng lượng chỉ qua không khí, không cần sự hỗ trợ của các loại dây nhợ.

Tại sao chúng lại quan trọng đến vậy?

Mỗi nỗ lực mới trong ngành Công nghệ đều có tiềm năng tạo ra một thế giới hoàn toàn mới, làm thay đổi cách nghĩ của ngành công nghệ hiện nay.

Khi Internet ra đời, đó là một chuỗi hành động rời rạc mà bạn thực hiện trên một đống nhựa và kim loại một cách rời rạc gọi là PC và sử dụng một phần mềm cũng rời rạc không kém là trình duyệt. Cho tới bây giờ, mặc dù mạng Internet đã phát triển lên một tầm cao mới, bạn vẫn đang sử dụng một thiết bị rời rạc khác - một chiếc smartphone để truy cập nó. Tất nhiên, có thể dùng Echo để kết nối chỉ bằng lời nói, nhưng vẫn có sự xuất hiện vật lý của thiết bị. Chúng ta vẫn còn cả một chặng đường rất dài trước khi làm cho công nghệ máy tính hoàn toàn vô hình.

Hiện máy tính đã dần dễ sử dụng hơn, nhưng chúng vẫn cần thêm nhiều sự đầu tư đặc biệt, từ việc sạc pin cho đến phân biệt ứng dụng nào nên dùng và khi nào dùng chúng cho thật hợp lý.

Công nghệ là điều tuyệt vời cho đời sống của con người, là một phần không thể thiếu, như một "add-on" cho cuộc sống thường ngày trong suốt 40 năm ròng.

Mảng tối của "không gian máy tính"

Tuy nhiên, ý tưởng về không gian máy tính sẽ dẫn đến các hệ quả khó lường như xâm phạm thông tin cá nhân, sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ và những tổn thất nặng nề do hacker gây ra. Thử tưởng tượng FBI có khả năng qua mặt mã bảo vệ của iPhone của Apple, sẽ chẳng có khả năng nào bạn có thể bảo vệ môi trường tương tác công nghệ tương lai của mình khỏi tai mắt của chính phủ.

Tệ hơn, nếu như hệ thống bệnh viện của Anh bị sụp đổ bởi một cuộc tấn công bởi ransomware (mã độc bắt cóc dữ liệu), sau này có khả năng những ngôi nhà bạn đang ở, xe hơi, văn phòng trang bị không gian máy tính là những nguy hiểm tiềm tàng.

Nếu chúng ta để tâm vào việc phát triển những công nghệ này trong tương lai, thì việc đầu tư mạnh tay để nâng tầm cho các công nghệ bảo mật là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là ở Mỹ, việc chơi đùa với bảo mật cá nhân và lách luật cần phải được ngừng lại.

Nếu như không gian máy tính trở thành một phần của cuộc sống của chúng ta giống như những phát kiến mang tính đột phá trước đây khác như rầm nhà, thép và khối động cơ, thì chính chúng ta cần phải đặt ra một quy chuẩn an toàn bảo vệ bản thân một cách chi tiết. Sức khỏe chẳng hạn? Tiêu chuẩn cho những thiết bị hỗ trợ y tế hiện thời phải mạnh mẽ hơn, trong khi vẫn cho phép sự cải tiến được tiếp diễn.

Bên cạnh đó, ngành công nghệ cao vốn làm việc độc lập cần phải hợp tác với chính phủ để tạo ra nhiều chính sách phù hợp. Tuy nhiên, đó lại là vấn đề lớn hơn cả việc phát triển ngành công nghệ cao thuở ban đầu.

Thị trường độc quyền

Nhiều những phát kiến hiện nay mà chúng ta nghe thấy hay đọc được đều từ những công ty, tập đoàn lớn có máu mặt trong giới công nghệ, góp phần tạo nên thị trường độc quyền là Apple, Amazon, Facebook, Google và Microsoft.

Nhưng, với nhiều sự chuyển biến của công nghệ hiện nay, thị trường độc quyền đang ngày càng bị lung lay. Ví dụ, Apple hiện tại là ông lớn trong ngành công nghệ. Theo một vài báo cáo, hãng đang tập trung toàn lực vào mảng thực tại ảo, xe tự lái và chăm sóc sức khỏe, nhưng chính bởi những chính sách chặt chẽ của Apple kìm hãm họ trong việc thu nhập một lượng lớn thông tin cần thiết cho các công nghệ trên.

Trong khi đó, Microsoft đang tìm cách kết hợp công nghệ phần mềm và điện toán đám mây với những phần cứng tương ứng. Ngành công nghiệp quảng cáo dựa trên hình mẫu của Facebook và Google giờ trở nên chi phối tất cả nhưng lại dễ dàng thay đổi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là giả sử những tập đoàn nắm độc quyền trên ngày càng phát triển, liệu họ có nắm giữ quá nhiều quyền lực trong việc chi phối sự vận hành của thế giới, và nếu có, thì làm cách nào có thể hạn chế nó mà không làm mất đi động lực phát triển công nghệ và cạnh tranh thị trường.

Chúng ta trông như đều đang ở trên một chuyến đi tàu lượn siêu tốc trong công viên, không nhất thiết là bạn lên chơi khi nào nhưng ở thời điểm ban đầu bạn sẽ luôn cảm thấy háo hức, đầy kích thích. Sau đó là cả một đoạn đường dài về quá trình và mục đích. Tiếp theo, sau khi đi chậm một đoạn, con tàu sẽ lao nhanh với vận tốc ngày càng gia tăng hơn ai bao giờ hết, và ở thời điểm này sẽ là việc trải nghiệm thực sự, và đúng nghĩa không đặt nặng vấn đề là làm cách nào có thể đạt được những trải nghiệm đó.

Hãy chuẩn bị để đón chờ ngày máy tính tan biến, và hiện hữu xung quanh ta dưới dạng hình hài mới.

Anh Thi - Duy Tín / The Verge
Nguồn Zing News