Khủng hoảng truyền thông của Uber vẫn chưa dừng lại

Từng là startup được yêu thích nhất tại Thung lũng Silicon, Uber giờ đang bị hàng tá khó khăn bủa vây.

Tuần trước, Uber tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng phát triển xe bay từ nay đến năm 2020. Sự kiện này đã lái sự chú ý của mọi người khỏi hàng loạt scandal gần đây.

Tuy nhiên, vòng xoáy khủng hoảng truyền thông của Uber vẫn chưa chấm dứt. Reuters hôm qua trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang mở cuộc điều tra hình sự về công cụ Uber tạo ra để giúp các lái xế qua mặt giới chức tại những nơi bị cấm hoạt động.

Tuần này, Uber cũng đã phải ra tòa để giải trình về cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại về mảng xe tự lái từ đối thủ Waymo (Google). Việc này đã ảnh hưởng đến danh tiếng của mảng kinh doanh mà Uber từng mô tả "có thể là ngành công nghiệp hấp dẫn nhất lịch sử".

CEO Uber - Travis Kalanick gần đây còn phải hủy tham gia một diễn đàn công nghệ lớn, do cuộc điều tra nội bộ về các cáo buộc quấy rối từ nhân viên cũ.

Từng là startup được yêu thích nhất tại Thung lũng Silicon, Uber giờ đang bị khó khăn bủa vây. Họ bị kiện cáo, chứng kiến lãnh đạo lũ lượt ra đi, nhiều đối thủ mới nảy sinh và lên báo với toàn thông tin tiêu cực.

"Niềm tin của công chúng đang lung lay. Nhưng tôi rất hy vọng và tự tin nó sẽ quay lại", Mike Walsh – nhà đầu tư vào Uber từ thời kỳ đầu cho biết trên CNN.

CEO Travis Kalanick đã gây dựng Uber như thế nào?

Rắc rối bắt đầu từ tháng 1 năm nay. Uber bị tẩy chay vì bị cho là ngầm phá hoại một cuộc biểu tình của các tài xế taxi nhằm phản đối chính sách cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump. Đến tháng 2, họ phải mở cuộc điều tra nội bộ vì nhân viên cũ cáo buộc bị quấy rối khi làm việc tại đây. Vài tuần sau đó, Kalanick bị chỉ trích vì đoạn video ông cãi nhau với một lái xe Uber về giá cước giảm.

Và trong suốt thời gian đó, họ liên tục mất nhân sự cấp cao. Nổi bật là Giám đốc Jeff Jones với lý do không hợp văn hóa quản lý và Rachel Whetstone – người đứng đầu mảng chính sách và truyền thông.

Việc này đã "phát tín hiệu xấu đến các nhân viên khác và ứng viên tiềm năng", Walsh nhận xét, "Một công ty không thể phát triển mạnh nếu thiếu nhân tài. Đó là điều khiến tôi lo ngại".

Các đối thủ đã tận dụng khá tốt thời kỳ khó khăn của Uber. Lyft gần đây đã huy động được 600 triệu USD. Một tuần sau chiến dịch tẩy chay Uber hồi tháng 1, số người dùng đăng ký mới của họ cũng tăng 60%.

"Lyft đã hoạt động tốt từ trước đó rồi. Nhưng chắc chắn những scandal của Uber đã giúp quá trình này tăng tốc", Michael Moe - một nhà đầu tư vào Lyft cho biết.

Hàng loạt scandal gần đây đã làm dấy lên câu hỏi về khả năng Uber IPO. Đến nay, họ đã huy động được hơn 10 tỷ USD, nhưng vẫn chần chừ chưa niêm yết. Tuy nhiên, giới phân tích thì cho rằng nếu họ thực hiện, giá trị của Uber có thể giảm mạnh vì các sự kiện gần đây.

Hà Thu / CNN / Reuters
Nguồn VnExpress