VIB đang theo đuổi mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng khác

Sau khi "chốt" được thoả thuận với đối tác, VIB sẽ phải chờ phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền để mở rộng mảng bán lẻ.

Thông tin nêu trên được ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) chia sẻ tại cuộc họp Đại hội cổ đông ngày 27/4. Theo tờ trình của Hội đồng quản trị, ngân hàng xin cổ đông thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng mảng bán lẻ của một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Việc chuyển nhượng này gồm tài sản và công nợ, khai thác trong hệ thống VIB.

Chia sẻ thêm về kế hoạch này, Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ cho biết đây là định hướng của Hội đồng quản trị, khi mà chiến lược phát triển kinh doanh được dựa trên nỗ lực tăng trưởng tự thân, mua bán sáp nhập hoặc mua lại các mảng kinh doanh của tổ chức tín dụng khác.

“Thực tế ngân hàng đã có cơ hội và sẽ tiếp tục theo đuổi khi cơ hội đến. Lúc nào thực hiện được thương vụ mua lại này còn phụ thuộc vào thị trường”, ông Vũ nói và chia sẻ thêm đối tượng mua lại sẽ không phân biệt là ngân hàng nước ngoài hay trong nước. “Miễn là chất lượng tài sản tốt, thông tin minh bạch", vị này nói thêm.

VIB có kế hoạch mua lại mảng bán lẻ của một ngân hàng khác tại Việt Nam.

Về những thông tin cho rằng VIB từng có ý định mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam (ngân hàng vừa bán mảng này cho Shinhan Bank), ông Vũ cho hay, đây không phải là trường hợp duy nhất nhà băng theo đuổi. “Hiện chúng tôi đã đạt được thoả thuận với đối tác, nhưng chưa thể công bố. Lý do là phải chờ phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền”, ông tiết lộ.

Tại cuộc họp, lãnh đạo VIB cũng xin Đại hội cổ đông thông qua chủ trương bán nợ xấu cho đối tác nước ngoài hoặc trong nước theo cơ chế thị trường, để thu hồi một phần giá trị khoản nợ xấu cho VIB. Ngược lại, ngân hàng cũng tính đến việc mua nợ của các tổ chức tín dụng khác để đưa về khai thác kinh doanh trong hệ thống VIB.

Trước câu hỏi của cổ đông về việc lên sàn, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhắc lại kế hoạch này đã được đề cập cách đây vài năm và đến giờ không có gì thay đổi. Cụ thể, VIB sẽ lên sàn UPCoM trong năm 2017 và niêm yết chính thức vào năm 2018. “Đến giờ Hội đồng quản trị vẫn cho rằng lên sàn năm 2018 là có lợi nhất cho VIB”, ông Vỹ nhấn mạnh.

Theo báo cáo năm 2016, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 702 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 104.500 tỷ, tín dụng đạt gần 70.000 tỷ...

Theo báo cáo năm 2016, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 702 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 104.500 tỷ, tín dụng đạt gần 70.000 tỷ.

Kế hoạch năm 2017, ngân hàng đặt ra 2 phương án về tăng trưởng tín dụng: tăng 16% như Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và tăng trưởng 32% như kế hoạch của lãnh đạo ngân hàng đưa ra. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 750 tỷ; huy động vốn thị trường 1 đạt trên 80.000 tỷ; tổng tài sản tăng lên mức 120.000 tỷ. Mức chia cổ tức tiền mặt dự kiến là 5,5% trên vốn điều lệ.

Hội đồng quản trị cũng đề xuất kế hoạch huy động vốn cấp 2 có thời hạn có thể lên đến 10 năm, với khối lượng tối đa 7.000 tỷ nhằm tăng cường hệ số CAR và các chỉ số an toàn khác cho nhu cầu hoạt động kinh doanh.

Ông Hàn Ngọc Vũ khẳng định, trường hợp Ngân hàng Nhà nước không cấp thêm quota về tăng trưởng tín dụng thì VIB cũng không thay đổi kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã đặt ra là 750 tỷ đồng.

Với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối, cổ đông VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tối đa 44,6%, cũng như tăng vốn điều lệ lên trên 8.000 tỷ đồng.

Nguyễn Hoài
Nguồn VnExpress