Masan dự kiến cán mốc doanh thu 10 tỷ USD vào 2020

Masan đặt mục tiêu trong vòng 3 năm tới, người tiêu dùng Việt Nam sẽ trả số tiền cao gấp 5 lần hiện tại cho các sản phẩm của công ty, tương đương 9-10 USD mỗi tháng.

Thông tin trên được ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã CK: MSN) chia sẻ tại phiên họp đại hội đồng cổ đông diễn ra sáng ngày 24/04. Bên cạnh đó, tập đoàn không giấu tham vọng vượt mặt nhiều doanh nghiệp nổi tiếng như ThaiBev, Indofood… với doanh thu dự báo khoảng 3-5 tỷ USD để trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng có doanh số dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

“Năm 2009, người tiêu dùng chỉ trả khoảng 0,2 USD mỗi tháng cho các sản phẩm của Masan, nhưng đến cuối năm qua thì con số này tăng gấp 10 lần. Còn đến 2020, Masan đặt mục tiêu người tiêu dùng trả 9-10 USD một tháng, tương ứng tập đoàn thu về 9-10 tỷ USD doanh số. Kết quả này có được nhờ chúng tôi xác định đúng sở trường, đầu tư tập trung vào các sản phẩm thiết yếu theo nhu cầu tiêu dùng của người Việt”, ông Quang chia sẻ và cho biết thêm hiện thị trường trong nước và khu vực còn rất nhiều tiềm năng chưa khai phá nên mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Trước mắt, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu năm nay dao động quanh mức 50.000-52.000 tỷ đồng, tăng tối đa 20% so với năm trước. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ tăng tối thiểu 15% so với năm trước, đạt khoảng 3.200-3.400 tỷ đồng.

Masan Group đặt mục tiêu trong 3 năm tới, mỗi người tiêu dùng Việt sẽ trả 9-10 USD cho các sản phẩm của công ty một tháng. Ảnh: Phương Đông.

Kế hoạch này được dự tính khá thận trọng trên cơ sở tích hợp và thay đổi toàn diện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Proconco và ANCO thành những công ty theo mô hình hàng tiêu dùng nhanh, phát triển mảng kinh doanh đồ uống trên nền tảng vị thế dẫn đầu thị trường của ngành hàng thực phẩm… Dự kiến trong năm nay, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) sẽ đóng góp khoảng 60% doanh thu, tiếp đến là Masan Nutri-Science với 30% và Masan Resources với 10%.

Tập đoàn ước tích sẽ rót khoảng 4.000-4.200 tỷ đồng để đầu tư sản xuất trong năm nay. Kế hoạch đầu tư này không bao gồm các thương vụ M&A tiềm năng và vốn phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Ước tính khoản đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở miền Bắc sẽ chiếm khoảng 1.500 tỷ đồng.

Trước lo ngại của cổ đông về việc đầu tư mạnh tay cho chăn nuôi trong thời điểm giá thịt heo rớt thê thảm, đại diện ban lãnh đạo Masan cho biết thị trường biến động không ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh đề ra trước đó và cam kết sẽ sinh lãi trong vòng 5 đến 7 năm tới.

“Hiệu suất chăn nuôi ở Việt Nam hiện rất thấp. Ví dụ như một heo giống chỉ có thể sinh sản 19 heo con, trong khi một số nước tiên tiến trên thế giới đạt từ 30 đến 40 con. Chúng tôi đã thử nghiệm chăn nuôi bằng phương pháp mới, vừa tăng hiệu suất và cam kết thịt sạch đến tay người tiêu dùng sẽ giảm bằng ngang ngửa với thịt nhập khẩu, không rõ nguồn gốc”, đại diện Masan nói.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, tập đoàn ghi nhận 43.297 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 41,4% so với năm trước.

Đại hội đồng cổ đông Masan cũng thông qua việc hủy phát hành 9 triệu cổ phần được phê duyệt tại Đại hội cổ đông năm 2013 để triển khai phương án phát hành mới 13,68 triệu cổ phần nhằm tất toán các nghĩa vụ của công ty theo thỏa thuận với các chủ sở hữu hiện tại của khoản vay chuyển đổi có số dư nợ gốc 30 triệu USD. Dự kiến thời điểm phát hành từ giữa năm nay đến 4 tháng đầu năm 2018.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, tập đoàn ghi nhận 43.297 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 41,4% so với năm trước. Trong đó, Masan Nutri-Science đóng góp 24.423 tỷ đồng, chiếm 39% tổng doanh thu của tập đoàn. Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống đóng góp 14.826 tỷ đồng vào doanh thu thuần, duy trì đà tăng trưởng một chữ số. Kết quả này được đánh giá là tương đối khiêm tốn so với các năm trước, nguyên nhân xuất phát từ sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường thực phẩm tiện lợi khiến doanh thu sụt giảm mạnh.

Lợi nhuận thuần sau thuế đạt 3.772 tỷ đồng, tăng 49,3% so với năm trước. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ đạt 2.791 tỷ, ghi nhận mức tăng kỷ lục 88,8% và vượt kế hoạch đã điều chỉnh 16%. Theo phân tích của ban lãnh đạo công ty, biên lợi nhuận gộp trong lĩnh vực đạm động vật cải thiện 1,2% do doanh thu từ sản phẩm cám heo tăng, giá nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ và lợi nhuận của Ngân hàng Techcombank tăng lên là các yếu tố chính tác động tích cực đến kết quả kinh doanh năm qua.

Phương Đông
Nguồn VnExpress