PGBank vẫn chưa thể sáp nhập vào VietinBank

Thương vụ sáp nhập PGBank vào VietinBank vẫn chưa thể hoàn thành do vướng thủ tục và chưa nhận được sự chấp thuận từ cấp có thẩm quyền.

Thông tin này được ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên sáng 17/4.

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, đến 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt gần 60.400 tỷ, vốn điều lệ hơn 37.230 tỷ đồng, tương ứng đạt 94% và 76% kế hoạch.

Lý giải việc tăng vốn chưa được hoàn thành như kế hoạch, Chủ tịch VietinBank cho hay một phần nguyên nhân đến từ việc ngân hàng dùng lợi nhuận để chia cổ tức theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thay vì dự định sử dụng để tăng vốn trước đó.

Ngoài ra, việc sáp nhập PGBank vào ngân hàng này chưa hoàn thành, dù hồ sơ, tài liệu liên quan thương vụ này đã được VietinBank trình Ngân hàng Nhà nước. Sau khi xem xét, nhà chức trách yêu cầu VietinBank rà soát, cập nhật lại kết quả đánh giá cổ phiếu PGBank; đồng thời tính toán và đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 nhà băng này.

Nguyễn Văn Thắng

Chủ tịch Vietinbank - Nguyễn Văn Thắng cho biết thương vụ nhận sáp nhập PGBank vẫn chưa thể hoàn thành do phải tính lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.

Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng được lãnh đạo VietinBank công bố cách đây 2 năm là 1: 0,9, tương đương một cổ phiếu PGBank đổi lấy 0,9 cổ phiếu VietinBank. Tuy nhiên, phương án này sau đó được đánh giá là có lợi hơn cho cổ đông PGBank.

Cũng theo phương án được VietinBank xây dựng trước đây, nhà băng này sẽ phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu, trong đó 270 triệu cổ phiếu dùng để hoán đổi lấy 300 triệu cổ phiếu của cổ đông PGBank. 30 triệu cổ phiếu còn lại dành cho cổ đông hiện hữu.

“Chúng tôi vẫn chưa nhận được phê duyệt về nguyên tắc, chấp thuận chính thức về sáp nhập theo quy định hiện hành”, ông Thắng chia sẻ, đồng thời cho biết sau khi thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định lại giá trị cổ phiếu PGBank, VietinBank đang trong quá trình đàm phán, thống nhất với đối tác, để báo cáo lại cơ quan quản lý về thương vụ này.

Theo kết quả kinh doanh năm 2016, tổng tài sản Vietinbank đạt 949.000 tỷ đồng, tăng 22% so với 2015; lợi nhuận trước thuế 8.569 tỷ đồng. Tín dụng tăng 18% với dư nợ cuối năm đạt 722.000 tỷ đồng. Nợ xấu 0,9%; các chỉ số ROA, ROE tương ứng 1% và 11,8%.

Sau khi chia cổ tức và trích lập các quỹ, lợi nhuận năm 2016 còn lại hơn 1.667 tỷ đồng. Năm 2016, ngoài trừ mục tiêu tăng vốn không đạt được, hầu hết các chỉ tiêu của ngân hàng này đều tăng trưởng tốt.

Kế hoạch năm 2017, VietinBank muốn tăng tổng tài sản thêm 14%, lên mức trên 1 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 16% tương đương 826.865 tỷ và lợi nhuận trước thuế mức 8.800 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với 2016. Tỷ lệ chi trả cổ tức 5-7%, khoảng 2.600 tỷ.

Ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cũng cho biết song song với nhóm khách hàng lớn, năm 2017, ngân hàng sẽ thực hiện bứt phá trong phân khúc khách hàng siêu vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nhà băng cũng sẽ dứt điểm xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, khoản nợ bán cho VAMC nhằm đẩy nhanh tốc độ tái tạo vốn kinh doanh.

Lãnh đạo ngân hàng cũng đặt ra giải pháp cấp bách để tăng vốn điều lệ, năng lực tài chính thông qua xây dựng phương án tăng vốn tự có từ nguồn cổ tức hằng năm, tăng vốn của các cổ đông và cấu trúc lại vốn tự có... "Chúng tôi sẽ đề xuất một số cơ chế đặc thù cho VietinBank", ông Thọ nói.

Đến hết năm 2016, VietinBank có tỷ lệ nợ xấu 1,02% tăng 0,07% so với 2015. Có ý kiến cổ đông bày tỏ lo lắng tỷ lệ nợ xấu tăng lên là biểu hiện "chất lượng nợ đang xấu đi". Đáp lại, ông Lê Đức Thọ cho rằng tuy tỷ trọng nợ xấu 2016 có nhích lên chút ít so với một năm trước đó nhưng so với quy mô thì đó là con số rất nhỏ và "không ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng hoạt động của ngân hàng".

Chủ tịch Vietinbank - Nguyễn Văn Thắng xác nhận thông tin ngân hàng sẽ thoái vốn khỏi liên doanh Công ty Bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva. Dù không tiết lộ chi tiết, song ông Thắng khẳng định "việc thoái vốn phải đảm bảo giá, không những thu hồi được vốn gốc mà còn có lãi".

VietinBank rót vốn đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cách đây gần 6 năm thông qua liên doanh có vốn điều lệ 800 tỷ đồng với Tập đoàn Aviva (Anh), trong đó mỗi bên góp 50% vốn, tương ứng 400 tỷ đồng. Công ty này kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm, đầu tư vốn nhàn rỗi tại Việt Nam...

Nguyễn Hoài
Nguồn VnExpress