Miếng bánh mới của Kinh Đô

Kinh đô không lạ gì chuyện sáp nhập công ty khác vào mình. Nhưng lần này, dường như có niềm hứng khởi dâng trào, sau khi họ thực hiện gần xong thương vụ Vinabico.

Tại Đại hội Cổ đông vừa qua, Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC) đã thông qua phương án sáp nhập Công ty Cổ phần Bánh kẹo Vinabico theo phương thức hoán đổi cổ phiếu. Tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu là 2,2:1, tức 2,2 cổ phiếu Vinabico đổi lấy 1 cổ phiếu KDC.

Sau khi sáp nhập, Vinabico sẽ thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên do KDC sở hữu 100% vốn điều lệ. Hiện nay, việc thương lượng đã hoàn tất, chỉ chờ thực hiện hoán đổi cổ phiếu với 49% cổ phần còn lại tại Vinabico.

Vốn chủ sở hữu của KDC tính đến cuối năm 2011 là hơn 3.800 tỉ đồng, lớn nhất trong ngành bánh kẹo. Các sản phẩm chính của KDC gồm có 5 nhóm là bánh quy, bánh ngọt, bánh mì, bánh trung thu và kem. Mỗi nhóm sản phẩm đóng góp khoảng 15% doanh thu cho Công ty mỗi năm. Phần doanh thu còn lại đến từ các sản phẩm khác, trong đó sữa chua chiếm tỉ trọng cao nhất.

Mỗi bên được gì?

Thương vụ mua lại nhà máy sản xuất kem Wall’s của Tập đoàn Hàng tiêu dùng Unilever năm 2003 mở màn cho chiến lược tăng trưởng thông qua mua bán sáp nhập của KDC. Các thương vụ kế tiếp của KDC là đầu tư 35% vào Công ty Nước giải khát Sài Gòn, sở hữu 30% cổ phần của Công ty Thực phẩm Đồng Tâm (Nutifood), nắm cổ phần tại Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Eximbank). Để tạo bước ngoặt, KDC đã sáp nhập Công ty Kinh Đô miền Bắc và Công ty Kem Kido’s vào KDC trong năm 2010.

Và năm nay, KDC lại muốn sáp nhập thêm Vinabico để mở rộng ngành hàng. Vinabico có nhiều tiềm năng khiến KDC muốn sở hữu, sau khi đã nắm 51% cổ phần từ 5 năm trước. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch KDC cho biết KDC quyết định sáp nhập do hiện nay Vinabico đã đáp ứng được mức tăng trưởng 30%. Lợi nhuận sau thuế của Vinabico đã tăng 74% trong năm 2011.

Vinabico là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1976 và chuyển sang công ty cổ phần từ năm 2003. Sau hơn 30 năm, Công ty đã tạo được chỗ đứng trên thị trường với các sản phẩm bánh chữ 123 hay bánh snack cua xanh, bánh sò...

Tuy vậy, sức hút chính của Vinabico đối với KDC là ở các sản phẩm bánh tươi, mảng KDC chưa mạnh. Bên cạnh đó, “sản phẩm kẹo trang trí của Vinabico gần như không có đối thủ trong nước. Sản phẩm cũng được xuất khẩu nhiều”, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đơn vị tư vấn cho thương vụ này, cho biết.

Về phần mình, Vinabico sẽ được hưởng lợi nhiều một khi sáp nhập vào KDC. KDC có thể hỗ trợ nguồn nguyên liệu giá tốt hơn giá thị trường cũng như thu xếp tài chính cho Vinabico khi cần.

Bên cạnh đó, Vinabico có thể và trên thực tế đã tận dụng được hiệu quả hệ thống phân phối mạnh với 120.000 điểm bán hàng trên cả nước của KDC. Báo cáo thường niên năm 2011 của Vinabico cho thấy lượng hàng bán nhờ tận dụng hệ thống này chiếm tỉ trọng hơn 70% tổng doanh thu năm 2011 của Công ty.

Ngoài ra, sáp nhập với KDC, Vinabico còn được hưởng lợi về giá cổ phiếu.

Giá cổ phiếu của KDC hiện tại ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu. Hoán đổi theo tỉ lệ 2,2:1, cổ phiếu của Vinabico sẽ tương đương 18.200 đồng/cổ phiếu. Từ đó có thể thấy, giá trị vốn cổ phần của Vinabico tương đương 91 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ là 50 tỉ đồng.

Theo đó, có thể tạm tính chỉ số P/E (giá/lợi nhuận) của Vinabico là 7 lần. P/E hiện tại của KDC hơn 16 lần. Sau khi sáp nhập và trở thành công ty con của KDC, Vinabico có thể được thị trường đồng nhất mức P/E theo mức của KDC.Tính ngược lại với mức P/E hơn 16 lần này, giá trị của Vinabico ít nhất sẽ đạt 208 tỉ đồng (gấp gần 2,3 lần so với mức định giá trước sáp nhập).

Chuyện hậu sáp nhập

Thị trường thời gian qua chứng kiến không ít thương vụ mua bán sáp nhập. Tuy nhiên, sáp nhập sau khi mua xong có vẻ không nhiều.

Trước đây KDC từng đầu tư vào nhiều công ty với tỉ lệ sở hữu từ 30% trở lên. Tuy nhiên, KDC chưa thể hoàn toàn tác động đến chiến lược phát triển sản phẩm tại công ty đầu tư nhằm tạo ra giá trị cộng hưởng cho tập đoàn.

Việc sáp nhập lần này đặt ra vấn đề cạnh tranh khách hàng ở các sản phẩm này giữa công ty mẹ và công ty con. Bởi lẽ Vinabico và KDC cùng có một số sản phẩm giống nhau như bánh quy, bánh snack, bánh trung thu. Tuy nhiên, ông Kelly Yin Hon Wong, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính KDC, không tỏ vẻ lo lắng. “Các sản phẩm của KDC phục vụ phân khúc cao cấp và trung bình trong khi Vinabico thuộc phân khúc thấp hơn”, ông cho biết.

Vì vậy sau sáp nhập, KDC sẽ hỗ trợ Vinabico nghiên cứu và phát triển sản phẩm để tinh gọn các dòng sản phẩm của Vinabico, tập trung vào một số mảng thị trường riêng biệt.

Bên cạnh đó, theo ông Khánh, Chứng khoán Bảo Việt, Vinabico là một thương hiệu mạnh và có uy tín nên KDC sẽ tiếp tục sử dụng thương hiệu này. Tuy nhiên, Kinh Đô cũng sẽ có chiến lược để có thể kết nối thương hiệu Vinabico với thương hiệu chung Kinh Đô nhằm phát huy hiệu quả cho cả hai. “Có thể KDC sẽ thêm dấu ấn riêng vào bao bì các sản phẩm của Vinabico”, ông nói.

Về góc độ tài chính, ông Kelly, KDC, dự báo Vinabico sẽ chưa thể đóng góp đáng kể vào tổng lợi nhuận KDC sau sáp nhập. Theo báo cáo thường niên năm 2011, Vinabico có vốn điều lệ xấp xỉ 50 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 65 tỉ đồng. Năm qua, Vinabico đạt 75 tỉ đồng doanh thu và gần 13 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. “Vinabico có thể đóng góp khoảng 4-5% lợi nhuận”, ông ước tính.

Về hoạt động đầu tư, ông Kelly cho biết sau Vinabico, KDC cũng có ý định đầu tư vào một số công ty khác phục vụ cho mục đích sáp nhập. Tiêu chí những doanh nghiệp KDC nhắm đến là phải có thương hiệu và được điều hành tốt, có sản phẩm nằm trong chiến lược KDC muốn mở rộng và quan trọng hơn, KDC phải mua được từ 51% trở lên.

Trong năm nay, mục tiêu đầu tư của KDC là không dùng nhiều vốn. Trong 3 yếu tố thương hiệu, nhà máy và sản phẩm thì KDC đã đầu tư cho nhà máy khá nhiều. Do đó, công ty sẽ ưu tiên cho 2 mảng còn lại. “Một là kết hợp với đối tác kinh doanh sản phẩm mới, hai là nhập khẩu sản phẩm của đối tác để phân phối”, ông Kelly tiết lộ.

Có thể thấy, định hướng này hoàn toàn không mới mà KDC chỉ tiếp tục theo đuổi. Liên kết với các đối tác mới để cho ra sản phẩm mới gồm mì gói và dầu ăn vào cuối năm nằm trong hướng thứ nhất. Còn lại, sản phẩm bánh gạo KDC đang phân phối thực chất công ty không sản xuất mà nhập của Công ty Want Want China (Đài Loan). Đó là lối đi theo cách thứ hai.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư