Tại sao KIDO Foods lại IPO?

Dù ngành kem được dự báo sẽ có mức tăng trưởng kép 7%/năm cho giai đoạn 2016 – 2021 thì quy mô của ngành không lớn và tính mùa vụ cao, khó có thể giúp KDF đạt được tham vọng về doanh nghiệp tỷ USD, hay khai thác tối ưu hệ thống sẵn có của họ.

Sở hữu hệ thống phân phối mạnh

Năm 2012, hoạt động kinh doanh của CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO – Kido Foods (KDF) đã tăng cường đầu tư cho hoạt động quảng cáo, marketing trong các năm 2011 – 2012. Đến năm 2016, KDF sở hữu hệ thống phân phối với 70.000 điểm trên cả nước, mở rộng hệ thống đến tuyến huyện; 196 xe lạnh; và kho lạnh phủ khắp Việt Nam với tần suất trong khoảng 400km/kho lạnh.

Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor International đánh giá, thị phần của ngành thực phẩm đóng gói, thực phẩm lạnh, kem, sữa ở Việt Nam tăng nhanh nhờ nhu cầu tăng và hệ thống phân phối đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng đó.

Trong nhiều năm qua, với hệ thống phân phối rộng khắp, KDF liên tục dẫn đầu thị phần thị trường kem đặc biệt với 2 nhãn hàng Merino và Celano. KDF nhanh chóng nắm giữ hơn 1/3 thị trường kem Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2016. Và kem đã đóng góp đến 73% doanh thu, gần 80% lợi nhuận gộp của KDF trong năm 2016.

Nguồn: Số liệu KDF.

Thực tế cho thấy, năm 2012 chi phí đầu tư cho marketing và hệ thống phân phối, hệ thống hậu cần khá lớn đã ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nhưng từ năm 2013 trở đi kết quả kinh doanh cải thiện, đặc biệt từ năm 2015 KDF ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng cả doanh thu và lợi nhuận.

Nguồn: Số liệu KDF.

Sẽ giảm tỷ trọng đóng góp của ngành kem

Ngành kem được dự báo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh doanh của KDF trong năm 2017, với tỷ trọng đóng góp doanh thu hơn 70%. Dù ngành kem được dự báo sẽ có mức tăng trưởng kép 7%/năm cho giai đoạn 2016 – 2021 thì quy mô của ngành không lớn và tính mùa vụ cao, khó có thể giúp KDF đạt được tham vọng về doanh nghiệp tỷ USD, hay khai thác tối ưu hệ thống sẵn có của họ.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn KIDO, công ty mẹ của KDF cho biết, ngày nay KDF không chỉ dừng lại ở ngành kem, KDF muốn đi xa hơn trong ngành sữa, sữa chua… nhằm khai thác hệ thống phân phối, hậu cần đã được đầu tư trước đó của KDF. Đây cũng là lý do KDF phải thực hiện IPO, nhằm huy động các nguồn lực cho hoạt động đầu tư mở rộng dòng sản phẩm.

Quá trình phát triển của KDF. Nguồn: KDF.

Ông Nguyên cũng cho biết thêm, không loại trừ khả năng KDF sẽ mở rộng dòng sản phẩm lạnh thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), và M&A không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa. KDF có thể sẽ thực hiện M&A các công ty sản xuất ở ngoài nước. Một nguồn tin cho biết, KDF hiện đang tiếp xúc với nhà sản xuất lớn tại Indonesia, Malaysia… cho thương vụ M&A.

Định hướng của KDF đến năm 2020 tỷ trọng đóng góp của Kem vào doanh thu và lợi nhuận gộp sẽ giảm xuống dưới 50%, hơn 50% phần còn lại dành cho các sản phẩm khác như sữa nước, sữa chua, bánh bao, xúc xích, khoai tây….

Năm 2017, KDF ước tính doanh thu thuần đạt 1.828 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận trước thuế đạt 277 tỷ đồng, tăng 94% so với thực hiện 2016. Đến năm 2020 doanh thu của KDF dự báo sẽ đạt 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, trong đó ngành kem đóng góp gần 50%.

Nguồn KDF.

Hồng Quân
Nguồn BizLive