Điện thoại phổ thông vẫn chưa “chết”

Sự bành trướng của điện thoại thông minh khiến nhiều người dự đoán điện thoại phổ thông sẽ sớm biến mất. Nhưng sự thật những “cục gạch” vẫn sống tốt.

Âm thầm tồn tại…

Vào thời kỳ đỉnh cao gần nhất, thời điểm 2010 – 2011, điện thoại phổ thông đạt doanh số hơn 1 máy/năm. Đến năm 2016 mảng điện thoại này chỉ đạt mức 396 triệu máy trên toàn cầu.

Từ nhiều năm trước, các dự đoán cho thấy điện thoại phổ thông sẽ sớm biến mất trước làn sóng nổi dậy mạnh mẽ của những chiếc điện thoại thông minh chạy Android, iOS… Nhưng rõ ràng do sở hữu thế mạnh riêng không thể thay thế, tính đến bây giờ điện thoại phổ thông vẫn chiếm thị phần khá lớn dù đã giảm doanh số.

Đơn cử như tại thị trường Việt Nam, cứ xem xét top 10 mẫu điện thoại bán chạy trong tuần của hệ thống bán lẻ thegioididong.com thì bên cạnh những những smartphone Galaxy J Prime, Oppo… vốn được quảng bá rầm rộ thì cũng có các đại diện điện thoại phổ thông như Mobell M228 và hai phiên bản Nokia 105 (1 SIM và 2 SIM) âm thầm xuất hiện trong danh sách này.

Điện thoại cơ bản Nokia vẫn được trưng bày và luôn nằm trong nhóm điện thoại bán chạy tại các siêu thị. Ảnh: H.Đ.

Với các thương hiệu lâu đời như Nokia, doanh số của điện thoại phổ thông trong năm 2016 giảm chỉ còn khoảng 10% so với thời kỳ đỉnh cao 2010. Nhưng hiện tại thương hiệu Nokia vẫn đang “sống khỏe” với lượng máy phổ thông bán ra đạt mức 35 triệu đơn vị (8,9% thị phần điện thoại phổ tông).

Con số thống kê trên có lẽ sẽ trở thành động lực cho những ông chủ mới của Nokia như HMD Global có thêm động lực để phát triển điện thoại phổ thông mới nhằm củng cố và phân chia lại thị phần điện thoại cục gạch mà ngôi đầu đang thuộc về Samsung với 52 triệu máy bán ra (13,2% thị phần toàn cầu) trong năm ngoái. Bằng chứng là HMD đã sản xuất lại chiếc “cục gạch” 3310 một thời đình đám để bán ra thị trường.

Ai yêu điện thoại “không thông minh”?

Dù chịu sức ép đáng kể khi ngày càng có nhiều smartphone lấn sân sang phân khúc giá dưới 1 triệu đồng, nhưng những chiếc điện thoại “cục gạch” vẫn có lý do riêng để tồn tại.

Điện thoại phổ thông trước hết đáp ứng được nhu cầu cơ bản mà người dùng cần trên một chiếc điện thoại di động: nghe, gọi, nhắn tin… Đặc biệt chúng có pin sử dụng lâu, bền bỉ, hư không tiếc, và vì ít kết nối nên giúp người dùng tránh các phiền hà từ mạng Internet. Thêm vào đó, bàn phím và giao diện đơn giản, dễ nhớ, dễ dùng cũng là một trong những ưu điểm khác của smartphone.

Đối với đa số người dùng trung hoặc lão niên yêu thích sự đơn giản khi cần liên lạc hoặc không thể yêu được sự phức tạp của các thao tác chạm, điều khiển trên màn hình cảm ứng smartphone thì điện thoại phổ thông phím cứng vẫn sẽ là số một.

Với mức giá rẻ và không phức tạp về tính năng như smartphone, một người dùng ít khi phải đắn đo nhiều khi quyết định mua mua sắm điện thoại phổ thông.

Pin lâu, bền bỉ, giá rẻ là những lý do chính khiến điện thoại "cục gạch" vẫn được ưa chuộng. Ảnh: H.Đ.

Điện thoại thông minh hiện nay tuy đã phát triển khá vượt trội nhưng vẫn còn vấp phải những điểm chưa yêu được đối người nhiều đối tượng người dùng như màn hình cảm ứng lớn dần nên dễ vỡ, nứt trước những va chạm hằng ngày.

Dù các nhà sản xuất đã nỗ lực thiết kế để hạn chế rủi ro như nâng cấp thế hệ kính cường lực hay phát hành các phiên bản có khả năng chống chịu tốt hơn nhưng về mặt “nồi đồng cối đá” thì điện thoại phổ thông đơn giản và dễ chịu hơn nhiều.

Tiếp theo là về độ “trâu” của pin. Do tính năng hạn chế, màn hình nhỏ nên cảm giác dùng máy ít hao pin hơn do đa phần chỉ nghe, gọi là chủ yếu. Trong khi nhiều smartphone chỉ để ở chế độ chờ 2, 3 ngày cũng đã kịp cạn pin thì điện thoại phổ thông lại có thể đáp ứng nghe, gọi thoải mái đến 1 tuần.

Bên cạnh việc sử dụng điện thoại phổ thông làm thiết bị liên lạc chính, một số người dùng hiện vẫn duy trì thói quen được gọi vui là “hai tay hai súng” thậm chí “nhiều súng” hơn. Nghĩa là sử dụng một smartphone cảm ứng làm thiết bị chính chuyên phục vụ mục đích giải trí, ngoài ra còn dùng thêm điện thoại phổ thông như thiết bị phụ để liên lạc mà không phải quá lo về pin hay độ bền của máy.

Rõ ràng, điện thoại phổ thông đang dần lép vế về doanh số so với điện thoại thông minh. Nhưng những điểm mạnh của chúng vẫn chưa thể được bù đắp, do đó chắc chắn dòng máy này vẫn còn “sống khỏe” trong một thời gian dài nữa.

Thảo Trần
Nguồn ICT News