Social media và những xu hướng mới trong năm 2017

Những năm gần đây, social media – kênh truyền thông mạng xã hội – đã trở thành công cụ không thể thiếu của các nhãn hàng, doanh nghiệp và kể cả những người bán hàng đơn lẻ. Tuy nhiên, đây cũng là kênh truyền thông có sự thay đổi khuynh hướng rất nhanh chóng.

Ông Đoàn Thái Kiên, CEO Younet Digital, chia sẻ với chúng tôi về một số điểm nổi bật trong xu hướng social media 2017 mà doanh nghiệp cần lưu ý để khai thác hiệu quả kênh truyền thông này.

Thấu hiểu người dùng qua social media

* Gần đây, các doanh nghiệp tư vấn và cung cấp các công cụ truyền thông mạng xã hội như Younet Digital thường xuyên đưa ra các kết quả thống kê, phân tích dữ liệu trên mạng xã hội. Đây có phải là một cách thức mới mà các thương hiệu có xu hướng sử dụng để lắng nghe và phân tích thị trường?

Đúng vậy, việc sử dụng các công cụ để tiếp cận được lượng dữ liệu lớn và chuẩn xác là xu hướng mà các nhãn hàng lớn và muốn làm thương hiệu bài bản đều sẽ triển khai. Trước đây, chúng ta thường chỉ dùng công cụ truyền thống theo phương pháp là chọn mẫu và phân tích dữ liệu theo nguyên tắc của xác suất thống kê. Nhưng cách làm này gặp phải trở ngại từ văn hóa của người Việt là khi đặt người được phỏng vấn vào một bối cảnh mà họ biết đó là cuộc phỏng vấn có chủ đích thì sẽ có rất nhiều điều họ không nói thật. Bên cạnh đó, những giới hạn về mặt không gian và thời gian cũng khiến cho việc chọn mẫu đại diện không dễ để đảm bảo tính chính xác. Vì vậy, kết quả đưa ra nhiều khi không chính xác cả về số lượng và chất lượng. Còn đối với social media, chúng tôi có thể quét được đến 95% dữ liệu trên mạng xã hội. Hơn nữa, mạng xã hội là nơi người ta nói thật, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ một cách tự nhiên. Vì thế, việc thu thập thông tin qua mạng xã hội có hai lợi điểm là lấy được gần hết đối tượng và độ chính xác của dữ liệu rất cao. Thời đại ngày nay, dữ liệu thay đổi liên tục và thay đổi rất nhanh so với kênh truyền thông truyền thống, vì vậy, nếu không sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm insight, nghiên cứu người tiêu dùng thì sẽ rất khó làm truyền thông tiếp thị. Trên thế giới có thuật ngữ “tiếp thị theo thời gian thật”. Thông qua social media, các nhãn hàng, thương hiệu có thể liên tục nắm bắt về những khuynh hướng đang thay đổi trên mạng xã hội, từ đó điều chỉnh nội dung phù hợp với khuynh hướng đó. Điều này sẽ mang lại hiệu ứng truyền thông và marketing rất tốt.

Nếu không sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm insight, nghiên cứu người tiêu dùng thì sẽ rất khó làm truyền thông tiếp thị.

* Năm 2016 cũng là năm nở rộ việc sử dụng các KOL (Key Opinion Leader) – những người ảnh hưởng vào hoạt động truyền thông, ông có cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới?

KOL vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển trong thời gian tới, lý do là đến thời điểm này, Facebook đã phát triển đến mức mà ở đó, tự động người thích và có nội dung được thích gặp nhau rất tự nhiên, vì vậy, nội dung hay có một cơ chế tự động lan tỏa và được cộng đồng chấp nhận cao nhất. Tuy nhiên, phương pháp sử dụng sẽ khác. Nếu như trước đây, đa phần nhãn hàng dùng KOL đều nghĩ đến nhóm người nổi tiếng truyền thống, họ là những chính trị gia, những doanh nhân lớn, các chuyên gia đã được công nhận rộng rãi trong giới của họ, nhưng sắp tới, nhóm Net Citizen, những người tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn thông qua mạng xã hội (dù trước khi có mạng xã hội, không ai biết đến họ), họ trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực hẹp nhưng lại rất sâu. Nhóm này thường chiếm đến khoảng 90% cộng đồng KOL và có sức ảnh hưởng rất lớn, bởi đơn giản, citizen mới nghe citizen, vì vậy khả năng thẩm thấu sẽ rất cao.

Tư duy làm marketing cũng cần phải thay đổi. Nên nhớ rằng, marketing không phải chỉ dừng lại ở việc triển khai các hoạt động và lan tỏa để nhiều người biết mình hơn, đó không phải là chuyện quan trọng. Marketing phải là quá trình đi từ chỗ không biết mình đến biết mình, hiểu mình và thuyết phục người ta mua hàng. Digital có tất cả các công cụ đi theo suốt quá trình này, thậm chí đến cả phần hậu mãi và giúp xây dựng sự trung thành của khách hàng.

Advocacy Marketing – Sức mạnh mới của mạng xã hội

* Social media tác động đến việc xây dựng nhận thức và thay đổi hành vi là điều mà nhiều doanh nghiệp từ trước đến nay đều đã làm. Nhưng kênh này có thể tác động đến việc xây dựng lòng trung thành với khách hàng như thế nào, thưa ông?

Advocacy marketing là một cách làm marketing trong đó tập trung vào việc làm cho khách hàng nói tốt về thương hiệu và sản phẩm. Khách hàng là đích đến cuối cùng và việc nói tốt của khách hàng sẽ tạo nên lời truyền miệng tốt cho thương hiệu. Và để đạt được điều đó, thường phải bắt đầu từ nhân viên, rồi đến đối tác, sau đó mới dùng hai đối tượng đầu tiên tạo ảnh hưởng trực tiếp lên khách hàng. Trong đó nhân viên đóng vai trò ảnh hưởng quyết định đến kết quả cuối cùng là khách hàng nói tốt về thương hiệu. Chính vì lý do này mà YouNet phát triển dịch vụ Social Advocacy bắt đầu với Employee & Partner Advocacy trước. Dự báo khuynh hướng social media 2017, Jake Messier, Chủ tịch Tập đoàn Sáng tạo Mungo, @marcomfella dự báo: “Năm 2017 sẽ đánh dấu việc các công ty sử dụng nhân viên như người đại diện cho công ty trên các nền tảng mạng xã hội. Đó là một công cụ rất hiệu quả mà lại miễn phí, với điều kiện phải triển khai đúng đắn. Các nhân viên, gia đình và bạn bè họ có thể là những người ủng hộ mạnh mẽ và hiệu quả cho thương hiệu hay sản phẩm. Thực tế là trong năm 2016, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp về công nghệ như IBM, Microsoft, Dell, Deloitte, SAP… đều tập trung mạnh vào Employee Advocacy và mang lại hiệu ứng rất tốt.

* Ông có thể chia sẻ một chút về cách thức hoạt động của kênh marketing này?

Đó là một hệ thống có gắn kết về mặt dữ liệu và truyển tải thông tin với hoạt động truyền thông nội bộ của thương hiệu. Nếu doanh nghiệp không có hệ thống thì các thông tin có thể được đưa lên hệ thống Social Advocacy dưới dạng media như trên Facebook (hình ảnh, bài viết, video, album…). Hệ thống sẽ gamify các hoạt động truyền thông nội bộ để khuyến khích nhân viên tham gia tương tác và chia sẻ các thông tin này thay vì ép buộc nhân viên phải like, share một cách vô cảm. Một phần của các gamification là phần thưởng, có thể là hiện vật, có thể là danh hiệu được tôn vinh, có thể là một số điểm khi xem xét và đánh giá hiệu quả công việc cuối năm và cũng có thể là sự tôn trọng của cộng đồng nhân viên cho những ai thể hiện được khả năng của mình trong một lĩnh vực nào đó trong truyền thông nội bộ. Việc chia sẻ sẽ gắn kết với các kênh mạng xã hội của thương hiệu, doanh nghiệp và cả của cá nhân. Từ đó tạo ra một cơ chế giúp cho thế giới bên ngoài thấy được sự đồng lòng và niềm tin của nhân viên vào công ty và thương hiệu họ đang làm. Tinh thần advocacy ấy có hai tác dụng: tạo động lực cho nhân viên phấn đấu cung cấp dịch vụ và sản phẩm chất lượng cho khách hàng, đồng thời củng cố niềm tin cho khách hàng vào thương hiệu. Ngày nay, người tiêu dùng đã trở nên rất thông minh và đã biết phân biệt thế nào là thương hiệu tự quảng cáo, người tiêu dùng cũng đã hiểu và nhận ra được đâu là một bài PR và đâu là một bài báo/phóng sự độc lập. Trong bối cảnh ấy, việc tạo ra sự tin cậy đối với thương hiệu thông qua advocacy là rất quan trọng.

* Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đánh giá hiệu quả của các chiến dịch truyền thông trên social media thông qua các yếu tố định lượng để đánh giá mức độ lan tỏa, dường như như vậy là chưa đủ. Quan điểm của ông như thế nào?

Hiện đa số các doanh nghiệp vẫn chưa đánh giá hiệu quả của một chiến dịch trên social media một cách bài bản, hầu hết đều mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá qua lượng tương tác như like, share, comment. Nhưng thật ra, yếu tố like ngày nay không còn đại diện cho nhiều thứ nữa. Đối với comment, bên cạnh số lượng cần phải phân tích nội dung để biết được công chúng phản ứng như thế nào, điều gì làm họ thích. Đối với share, cũng cần phải có công cụ để đi tiếp vào những luồng sâu hơn để lấy toàn bộ dữ liệu, thậm chí còn phải phân tích được profile của người share để đánh giá được nội dung này tạo sự hứng thú với những nhóm người nào. Tất cả những điều đó không thể làm một cách thủ công được. Việc đưa ra các tiêu chí định lượng để đo lường là cần thiết, tuy nhiên, hoàn toàn thông qua đó để đánh giá hiệu quả lại không hợp lý. Vì vậy, trong social media mới có thuật ngữ gọi là Brand Health Check, giúp đánh giá một cách toàn diện cả về định tính và định lượng.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn Doanh Nhân Online