Thị trường FMCG 2016 tăng trưởng như kỳ vọng, dự báo 2017 sẽ sáng sủa hơn

FMCG Monitor 2016: 52 tuần kết thúc ngày 01/01/2017

Điểm tin chính trong Báo cáo năm 2016:

Các chỉ số chính

CPI năm 2016 tăng + 2,66% so với cùng kỳ tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát, chủ yếu do sự tăng giá của dầu thô. Tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng năm 2016 có phần tăng cao hơn so với 2015. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 6,5% trong năm 2017.

Bức tranh tăng trưởng thị trường FMCG

Tăng trưởng thị trường tại Thành thị và Nông thôn tốt hơn trong quý cuối năm. Thị trường Thành thị 4TP cả năm phục hồi, tăng gần gấp đôi so với Nông thôn. Năm 2016 dường như là một năm đầy khó khăn đối với thị trường Nông thôn, dù vậy tăng trưởng quý 4 ở thị trường này được ghi nhận đạt mức tăng cao nhất trong năm, đây có thể là một tín hiệu tích cực cho tăng trưởng năm tiếp theo. Cả hai thị trường Thành thị 4 thành phố và Nông thôn đều được dự báo sẽ đạt tăng trưởng khoảng 5-6% trong năm 2017.

Trong khi hầu hết các ngành hàng tại Thành thị tăng trưởng tốt hơn năm ngoái, thì tăng trưởng giảm hầu hết tại các ngành hàng ở Nông thôn, rõ nhất là ngành hàng Sữa, Thức uống và sản phẩm Chăm sóc gia đình.

[Download báo cáo tại đây]

Ngành hàng tiêu biểu

Bánh gạo và Nước giặt tiếp tục là ngành hàng tiêu biểu của năm tại cả Thành thị 4 thành phố và Nông thôn. Mặc dù thị trường Nông thôn gặp khó khăn, nhưng các sản phẩm dinh dưỡng vẫn liên tục mở rộng được mạng lưới tiêu dùng ở khu vực này.

Xu hướng mua sắm

Tần suất mua sắm giảm nhiều hơn so với năm trước dù chi tiêu trong mỗi lần mua có tăng lên. Điều này có thể đồng nghĩa với việc sẽ có ít cơ hội tiếp cận người tiêu dùng hơn và sẽ cạnh tranh hơn.

Xu hướng chọn mua bao bì lớn nhiều hơn tại Nông thôn nhưng có phần giảm bớt tại Thành thị 4 TP. Người tiêu dùng dường như tiết kiệm thêm thời gian và chi phí khi mua bao bì lớn. Liệu đây có phải là một trong những lý do khiến họ ít đi mua sắm hơn vì thời gian sử dụng sản phẩm kéo dài lâu hơn?

Ngoài ra ở khu vực Nông thôn, người mua cũng có xu hướng chọn mua các sản phẩm có giá thành thấp hơn. Xu hướng này chủ yếu vẫn diễn ra ở các ngành hàng thiết yếu.

Kênh mua sắm

Kênh tạp hóa giữ vững vị trí thống trị tại cả khu vực Thành thị và Nông thôn Việt Nam với hơn 60% thị phần. Siêu thị mini/ Cửa hàng tiện lợi tăng trưởng nổi bật ở khu vực Thành thị 4 TP (tăng 36% so với cùng kỳ). Nhìn chung hiện nay, mô hình bán lẻ nhỏ và thuận tiện đang là nguồn tăng trưởng chính của thị trường.

[Download báo cáo tại đây]

David Anjoubault General Manager - Kantar Worldpanel Vietnam
Nguồn Kantar Worldpanel