Cao Sao Vàng đắt khách trên Amazon

Bán ở thị trường nội địa chỉ vài nghìn đồng, sản phẩm cao Sao Vàng bỗng trở nên hút hàng ở thị trường thế giới với giá cao gấp vài chục lần.

Sau một thời gian im ắng, cao Sao Vàng gần đây bỗng trở thành hàng “hot” ở thị trường quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm này bán khá chạy tại các website mua bán trực tuyến nổi tiếng và có uy tín trên thế giới như: Ebay, Amazon… với mức giá cao gấp vài chục lần so với thị trường Việt.

Cụ thể, tại Ebay, cao Sao Vàng có giá 8,5 USD (187.000 đồng) một hộp loại 4gram, gấp 37 lần so với sản phẩm bán tại Việt Nam (giá hiện tại 5.000 đồng một hộp). Còn tại Amazon, giá bán là khoảng 7,5 USD, cao gấp hơn 30 lần. Với mức giá này, sản phẩm được miễn phí giao hàng, được giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Nga và bán khá chạy. Khi người mua thêm sản phẩm vào trong giỏ hàng thì trong kho luôn cập nhật tình trạng hàng hóa ở mức còn rất ít, chỉ còn 2 hộp trong kho, hoặc đã hết. Các website này đều cho biết sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, một số được tái nhập khẩu từ Ukraine.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty cổ phần dược phẩm OPC cho biết, hiện nay sản phẩm bán tại các website mua bán trực tuyến uy tín trên thế giới đa phần được cung cấp từ đơn vị phân phối chứ công ty không bán trực tiếp. “Chúng tôi bán cho các đơn vị phân phối và họ tự động rao bán trên các trang mua bán. Cho tới nay, sản phẩm này ngoài cung cấp ở thị trường nội địa, chúng tôi còn xuất khẩu đi các nước Trung Đông, châu Phi… vì người dân nơi đây khá ưa chuộng”, đại diện OPC nói.

Cao Sao Vàng

Sản phẩm cao Sao Vàng của Việt Nam khá đắt khách trên Amazon.

Cao Sao Vàng được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam từ sau năm 1954, dựa trên sản phẩm đã khá danh tiếng trước đó là dầu cù là nhãn hiệu con hổ trắng, xuất xứ Singapore. Thời gian đầu, mặt hàng này được Tổng công ty dược Việt Nam nghiên cứu. Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa thương hiệu Sao Vàng chính thức ra mắt, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Những năm 70-90, Cao Sao Vàng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong các gia đình Việt. Đây cũng là sản phẩm bỏ túi của nhiều người trong các chuyến đi xa, cán bộ công nhân viên, sinh viên đi công tác nước ngoài, và còn khá nổi tiếng tại Liên Xô, Đông Âu.

Đáng chú ý, từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm này sang Liên Xô. Để đảm bảo chỉ tiêu cam kết về số lượng xuất khẩu lớn, Tổng công ty Dược Việt Nam đã giao cho 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này. Đỉnh cao về xuất khẩu ghi nhận vào năm 1983, một xí nghiệp tại Đà Nẵng được giao sản xuất lên tới 20 triệu hộp. Sau đó, số lượng ngày càng sụt giảm, năm 1986, năm cuối cùng có chỉ tiêu sản xuất với 4 triệu hộp và cho đến những năm 2000 sản phẩm dần mờ nhạt ở thị trường nội địa và bị lấn át bởi vô số các loại dầu như dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm...

Sản phẩm này hiện được Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần dược Trung ương 3 sản xuất.

Hồng Châu
Nguồn VnExpress