Kinh doanh giày và phụ kiện nữ: Thị trường tỷ đô

Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Mỹ Kenneth Cole từng nói rằng trung bình mỗi năm phụ nữ sẽ phải lòng ai hoặc thứ gì đó khoảng 7 lần thì 6 lần là với những đôi giày.

Chưa biết tính chính xác của nó với phụ nữ Việt Nam tới đâu nhưng thị trường giày và phụ kiện nữ trong nước được cho là có quy mô lên đến hàng tỉ USD, nhiều doanh nghiệp nội địa đã đầu tư xưởng sản xuất, xây dựng thương hiệu riêng bất chấp bức tường giá rẻ kiên cố của hàng Trung Quốc đang lan rộng.

Gỡ gói quà Valentine, là một đôi giày bốt cổ thấp màu da, chị Minh Hà (quận 10, TP.HCM) ướm thử rồi cất vào tủ, vốn đã chứa 5 đôi giày với nhiều mẫu khác nhau. Chị cho biết, sẽ sử dụng đôi giầy mới vào dịp đi Đà Lạt trong năm nay. Tùy vào kế hoạch du lịch, tiệc tùng, trung bình mỗi năm chị Hà mua cho mình khoảng 5 đôi giày mới.

Không biết bao nhiêu người có cùng sở thích mua sắm giày như chị Hà, nhưng sức mua lớn giúp thị trường giày và phụ kiện nữ trong nước phát triển khá sôi động trong 10 năm qua. Ngoài các thương hiệu nước ngoài, bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng một thời như Hạnh Dung, Hồng Thạnh, Đông Hải… còn có thương hiệu mới nổi trong những năm gần đây như Vascara, Evashoes, Juno hay gần đây Sablanca.

Theo thống kê của Juno và Vascara, quy mô thị trường giày và túi xách nữ trong nước ước tính khoảng 1 tỉ USD/năm.

Có thể nói việc tham gia vào thị trường giày thời trang là một quyết định khá liều lĩnh của các doanh nghiệp nội đia. Bởi dù thuộc nhóm 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng, nhưng thế mạnh của Việt Nam trong ngành thời trang cho đến nay vẫn là gia công, công đoạn ít giá trị gia tăng nhất trong ngành công nghiệp thời trang. Điều này dẫn đến việc thiếu nhân sự chất lượng cao cùng với áp lực từ hàng Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã đa dạng khiến việc sản xuất, phát triển kênh bán hàng với thương hiệu riêng trong ngành thời trang là câu chuyện rất khó ở Việt Nam.

Trên thực tế, các đàn anh như giày Hạnh Dung, Hồng Thạnh, Đông Hải cho đến nay cũng chỉ dừng lại ở dưới 10 cửa hàng, chủ yếu ở TP.HCM. Một số còn chuyển sang mô hình bán lẻ khi phân phối hàng của các thương hiệu khác. Không ít doanh nghiệp nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng nhưng không thành công, do không xây dựng được kênh phân phối hoặc không được người tiêu dùng đón nhận do mẫu mã đơn điệu. Ngay cả Gosto, một thương hiệu giày dép cao cấp do con gái của ông chủ hãng giày Biti’s xây dựng, nhưng vẫn rất khiêm tốn trước hàng loạt đối thủ nước ngoài.

Mặc dù vậy, vẫn có các cái tên đáng chú ý. Dù chưa biết chính xác doanh thu của các doanh nghiệp này như thế nào nhưng họ đang sở hữu kênh phân phối khá ấn tượng. Chẳng hạn, thành lập từ năm 2007, Vascara được biết đến là một thương hiệu có xuất xứ từ Brazil, có trung tâm thiết kế và xưởng sản xuất do người Việt điều hành. Mẫu mã đa dạng, giá hợp lý cùng với chiến lược nhượng quyền đúng thời điểm, khi thị trường giày và túi xách chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, tính đến nay Vascara đã có hơn 80 cửa hàng trên toàn quốc.

Cái tên thứ hai là Juno, cũng là doanh nghiệp sản xuất có thâm niên gần 10 năm trên thị trường. Thế nhưng, phải đến 2 năm trở lại đây khi nhận được đầu tư từ Seedcom, cái tên Juno mới được nhắc đến nhiều. Dưới sự hậu thuẫn về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm mở chuỗi cửa hàng của Seedcom, từ vài cửa hàng ban đầu, Juno đã tăng lên gần con số 40 trên 6 tỉnh thành trong thời gian ngắn; tất cả đều do Công ty tự quản lý.

Bên cạnh đó, trong khi các doanh nghiệp thời trang chưa đầu tư nhiều cho việc tiếp thị trực tuyến thì Juno đang chi rất mạnh tay cho lĩnh vực này. Theo báo cáo của Buzzmetric, đơn vị cung cấp dịch vụ lắng nghe trên mạng xã hội, trong chương trình ngày hội mua sắm Black Friday năm ngoái, Juno là thương hiệu có lượng tương tác dẫn đầu với hơn 52.000 lượt, vượt qua khá nhiều doanh nghiệp thời trang nước ngoài như Zara, H&M hay Adidas.

Các thương hiệu giày dép trong nước đang nỗ lực giành thị phần trước sức ép của các thương hiệu quốc tế. Ảnh: Sơn Phạm.

Năm 2016, ngành da giày đã xuất khẩu trên 12,3 tỉ USD, trong đó những doanh nghiệp lớn như Công ty Giày da Thái Bình, Đông Hưng đang gia công cho những thương hiệu lớn của thế giới như Skechers, Decathlon, Wolverine... Điều đó cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong thị trường giày dép. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, các thương hiệu da giày trong nước không có ưu thế và vẫn loay hoay tìm mô hình cạnh tranh. Bởi vì, doanh nghiệp nội đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% thị phần. Sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp có nhưng ít và hiện vẫn bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới. Vì vậy, những doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo thống kê của Juno và Vascara, quy mô thị trường giày và túi xách nữ trong nước ước tính khoảng 1 tỉ USD/năm. Các doanh nghiệp như Juno, Vascara hiện chiếm 1-2% thị phần, lợi nhuận gộp của ngành dao động từ 30-40%. Trong khi đó, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu của thị trường nội địa đối với mặt hàng giày dép mỗi năm khoảng trên 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%.

Hấp dẫn nhưng thị trường này rất phân mảnh vì các tiểu thương nhỏ lẻ nhập hàng, chủ yếu từ Trung Quốc về kinh doanh. Chính vì thế, dù khác nhau về điểm xuất phát nhưng có thể thấy những điểm chung của Vascara và Juno. Thứ nhất, cả hai đều tránh xa phân khúc cao cấp, sản phẩm hiện chỉ tập trung ở phân khúc giá trung bình - khá. Thứ hai là mẫu mã đa dạng hoặc thiết kế trẻ trung, mới lạ. Nếu như sản phẩm và thông điệp của Vascara hướng đến các thiết kế có nét Tây Âu thì Juno với chiến lược hiện tại là tập trung vào tốc độ sản xuất với thời gian trung bình một tháng một đợt sản phẩm mới.

Nhu cầu của thị trường nội địa đối với mặt hàng giày dép mỗi năm khoảng trên 1,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, thị trường thời trang trong nước hiện nay không chỉ có áp lực từ hàng Trung Quốc. “Cần phải nhìn nhận rằng, trước sự xuất hiện của các thương hiệu như Uniqlo, Zara hay H&M, thị trường thời trang trong nước sẽ sớm trở thành sân chơi quốc tế sôi động và khắc nghiệt”, bà Lê Cảnh Bích Hạnh, Giám đốc Điều hành Vascara, nhận định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng cửa hàng của Vascara trong 6 tháng qua không có sự đột biến về số lượng. Đơn vị này cũng không cho thấy dấu hiệu đầu tư vào kênh tiếp thị trực tuyến. Bà Hạnh từ chối bình luận về vấn đề này và cho biết sản phẩm sẽ là yếu tố cạnh tranh của Công ty trong thời gian tới vì tự tin với bộ phận thiết kế có thâm niên gần 10 năm trên thị trường. Vascara có niềm tin rằng các sản phẩm của họ có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trước những đòi hỏi ngày càng cao cả về chất lượng lẫn thiết kế của khách hàng trong nước. “Sự khác biệt trong thiết kế sản phẩm và chất lượng dịch vụ sẽ là yếu tố sống còn và phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp”, bà Hạnh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn, sáng lập viên Juno, cho biết Công ty đặt mục tiêu sẽ đạt cột mốc 80 cửa hàng trong năm nay, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Song song đó, Công ty sẽ đi theo hướng kết hợp mô hình bán trực tuyến và truyền thống để tăng độ phủ cũng như doanh số bán hàng trong thời gian tới. Giống như Vasacra, dịch vụ cũng là yếu tố Juno tập trung cải thiện trong thời gian tới.

Theo ông Tuấn, Juno hiện là đơn vị duy nhất trên thị trường áp dụng chính sách đổi trả có thời hạn từ 90 ngày đối với mặt hàng giày và 30 ngày đối với túi và phụ kiện. “Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ cũng sẽ được Juno cải thiện. Chúng tôi hướng đến tiêu chuẩn đồng nhất về phục vụ như Thế Giới Di Động”, ông Tuấn cho biết. Trước đó, ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Seedcom, khẳng định Juno đã có lời.

Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư