Vinacafe Biên Hòa 'đổi đời' khi về với Masan?

Dù không đạt được mục tiêu như kế hoạch hồi đầu năm, năm qua vẫn là năm Vinacafe Biên Hòa đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay; tốc độ tăng trưởng cũng cao nhất trong 3 năm

Đầu Q4/2011, Masan Consumer đã hoàn tất việc mua lại hơn 50% cổ phần của CTCP Vinacafe Biên Hòa (VCF), qua đó giành quyền kiểm soát công ty này; đánh dấu bước tiến của Masan vào thị trường đồ uống.

Gia nhập hệ thống của Masan, VCF tận dụng được rất nhiều mặt lợi về hệ thống phân phối, R&D, marketing… Chính vì vậy mà đầu năm 2012, công ty đã đặt kế hoạch rất tham vọng là 3.000 tỷ doanh thu và 360 tỷ đồng LNST. Kết quả năm 2011 đạt được là 1.586 tỷ và 211 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 11, công ty đã phải giảm kế hoạch xuống còn tương ứng là 2.300 tỷ và 300 tỷ đồng. Kết thúc năm, VCF dù không hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng vẫn cán mức lợi nhuận điều chỉnh nhờ sự tăng trưởng rất mạnh trong Q4.

Công ty chỉ có một giải thích ngắn gọn cho sự tăng trưởng của Q4 là tung sản phẩm mới vào thị trường dẫn đến doanh thu tăng và thay đổi nguyên vật liệu nhập khẩu bằng cà phê hòa tan sản xuất tại công ty.

Từ khi về với Masan, VCF đã tung ra một sản phẩm mới là cà phê Wake Up Sài Gòn, hướng tới mục tiêu là một nhà sản xuất lớn trong mảng thị trường cà phê rang xay.

Dù không đạt được mục tiêu như kế hoạch hồi đầu năm, năm qua vẫn là năm Vinacafe Biên Hòa đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay; tốc độ tăng trưởng cũng cao nhất trong 3 năm vừa qua.

Vinacafe Biên Hòa tăng trưởng cao thì người vui nhất chính là Masan Group và Masan Consumer khi hợp nhất kết quả kinh doanh. Khoản đầu tư này dường như đã mang lại kết quả tốt, cho tất cả các bên: Masan, các cổ đông của VCF và chính VCF.

Khi Masan Consumer tiến hành chào mua công khai thì giá cổ phiếu VCF chỉ loanh quanh mức 100.000 đồng/cổ phiếu và hiện nay cổ phiếu này hơn 160.000 đồng/cp, tăng 60%, chưa kể cổ tức 2.000 đồng/cp bằng tiền mặt.

Hiện chỉ có chưa tới 10% lượng cổ phiếu của Vinacafe Biên Hòa lưu hành tự do trên thị trường khi mà Masan Consumer và Vinacafe đang nắm giữ tới 90,5% cổ phần.

Tuy nhiên, một “vấn đề” của VCF mà Masan cần phải giải quyết đó là nâng biên lợi nhuận của công ty này. LNST/Doanh thu của VCF trong những năm trước xoay quanh mức 12-13% và đạt 14,3% trong năm 2012. Trong khi đó, tỷ lệ này của Masan Consumer cao gấp đôi. Rõ ràng, Masan sẽ “kém vui” với một biên lợi nhuận thấp.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư