AEC 'tạo sóng' M&A

Hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp đang hoạt động được coi là một chiến lược khôn ngoan để thâm nhập vào thị trường mới và mở rộng tầm ảnh hưởng trong ngành kinh doanh (thay vì phải tự đầu tư thành lập mạng lưới sản xuất kinh doanh từ đầu).

Việt Nam, theo nhìn nhận của các nhà đầu tư ASEAN, sẽ là một thị trường quan trọng của AEC vì dân số lớn và trẻ, sự ổn định về chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp của các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Phillipines và Malaysia rất quan tâm tới M&A tại Việt Nam trong các lĩnh vực phân phối bán lẻ, nhượng quyền, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng, logistics, bất động sản. Xu hướng này, theo đánh giá chủ quan của tác giả, sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong ít nhất trong 3-5 năm tới với sự tác động của AEC.

Ngưỡng cửa phát triển mới

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính trong thời gian qua dẫn đến thiếu vốn đầu tư và lãi suất cao đã gây hiện tượng “tài sản giá rẻ” tại Việt Nam qua đó đã tạo tiền đề cho các giao dịch M&A. Thực tế, thị trường M&A đã có sự tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt năm 2015-2016. Hoạt động M&A tại Việt Nam đã trở lại mốc 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng giá trị của hoạt động M&A năm 2016 đã đạt gần 6 tỷ USD, với 600 thương vụ, phá kỷ lục của năm 2015, trong đó ba thương vụ M&A giá trị nhất trong năm 2016 thuộc về các thương vụ mua lại hoặc phát hành riêng lẻ từ các nhà đầu tư Thái Lan như thương vụ Central Group mua lại Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD và thâu tóm 49% cổ phần của Nguyễn Kim Group; thương vụ Singha đầu tư 1,1 tỷ vào Massan Group thông qua việc mua lại 25% cổ phần của Masan Consumer, 33% cổ phần của Masan Brewery; và thương vụ TCC mua Metro với giá gần 700 triệu USD. Các doanh nghiệp phát triển tốt nhất trong khu vực xem M&A như phương tiện quan trọng để bổ sung và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của mình. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư ASEAN cũng có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh việc cân bằng tài chính và tiếp cận với các nguồn vốn dồi dào trong khu vực, họ sẽ phải thực hiện việc tái cấu trúc triệt để, thay đổi chiến lược kinh doanh, tiếp cận các know-how về quản trị doanh nghiệp…, qua đó có cơ hội phát triển nhanh.

Thương vụ Central Group mua lại Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD và thâu tóm 49% cổ phần của Nguyễn Kim Group là một trong ba thương vụ M&A giá trị nhất trong năm 2016. Ảnh: S.T.

Thời gian qua hoạt động M&A tại Việt Nam đã gặp thiên thời, địa lợi, nhân hòa… khi yếu tố thị trường mới nổi được cộng hưởng bởi bối cảnh kinh tế của Việt Nam và khu vực và chính sách hội nhập khu vực tích cực của nhà nước (hoàn tất ký kết các hiệp định tự do thương mại khu vực (FTA) quan trọng như TPP, EU-Việt Nam FTA, tham gia AEC…). Nhưng cũng phải hiểu rằng M&A là cuộc chơi toàn cầu hóa và vô cùng khắc nghiệt, dòng vốn sẽ không dừng lại mãi một nơi, nếu nơi đó ít hoặc không còn lợi thế cạnh tranh. Rõ ràng, hoạt động đầu tư quốc tế nói chung và đặc biệt là M&A nói riêng, cần có những tiền đề và các bên sẽ chỉ hưởng lợi nếu có những chuẩn bị và chiến lược rõ ràng.

Làm lớn doanh nghiệp nhỏ

Các nhà đầu tư sẽ luôn hướng tới tính hiệu quả kinh tế trong hoạt động đầu tư – nếu hạ tầng kinh tế của Việt Nam không đủ mạnh, công nghệ và năng lực sản xuất hạn chế, họ sẽ chỉ dừng lại ở việc thâu tóm thị trường, hệ thống kênh phân phối của các doanh nghiệp địa phương và đẩy hàng hóa, dịch vụ từ nơi khác tới chứ không đầu tư để nghiên cứu phát triển công nghệ (R&D) và sản xuất tại chỗ.

Tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2016 đã đạt gần 6 tỷ USD, với 600 thương vụ, phá kỷ lục của năm 2015.

Việt Nam với đặc thù là một nền kinh tế mới nổi với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cần quan tâm tới khía cạnh này để tạo lợi thế cạnh tranh. Chính sách của nhà nước phải hướng tới củng cố các SME và thúc đẩy họ kết nối với những SME khác của ASEAN. Sự hỗ trợ đối với SME có thể là thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho R&D; hỗ trợ thông tin thị trường; hỗ trợ phát triển các hiệp hội kinh doanh… Khi doanh nghiệp sở hữu công nghệ và có đủ năng lực cạnh tranh, họ sẽ có thể chủ động lựa chọn đối tác và tiếp tục thu hút vốn đầu tư để phát triển.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tiếp cận hoạt động M&A một cách chủ động, ví dụ thay vì chờ các doanh nghiệp lớn tiếp cận mua lại cổ phần (phương án này chỉ giúp họ có tiền mặt), họ có thể xem xét phương án tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác kinh doanh trong ASEAN có quy mô tương đương hoặc có sự bổ trợ cho nhau về sản phẩm, công nghệ… thông qua việc trao đổi cổ phần (share swap). Mô hình này có thể giúp các SME trong ASEAN trở thành chủ sở hữu của nhau qua đó nhanh chóng hình thành nhóm doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn thị trường chung của ASEAN. Sự liên kết này cũng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh chung, nhanh chóng mở rộng thị trường cho mỗi doanh nghiệp và lợi ích kinh tế dài hạn cho từng công ty trong nhóm.

PGS.TS., Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM Cố vấn pháp lý cao cấp của Victory LLC
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp