Đặng Lê Nguyên Vũ: “Tôi không vĩ cuồng”

“Từ tay trắng thành anh hùng”, “Vua cà phê Việt” là cách Forbes miêu tả về Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Vừa là nhà nghiên cứu, nhà khoa học và kiêm luôn cả chính trị gia, những phát ngôn của ông luôn được giới truyền thông chú ý, dư luận lắng nghe và bàn luận sôi nổi.

Mới đây, trên một trang báo nước ngoài, người được coi là “vua cà phê Việt” tâm sự: "Tôi muốn làm lãnh đạo cà phê thế giới". Còn trước đó, phát biểu trên Reuters, Đặng Lê Nguyên Vũ từng “bóc trần” Starbucks – “người khổng lồ cà phê của nước Mỹ”.

“Tôi không vĩ cuồng”

- Đại diện của Starbucks tại Việt Nam có nói: Nếu ai đó nói rằng“Starbucks không bán cà phê mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường” thì người đó không biết uống cà phê. Ông nghĩ sao về điều này?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Câu tôi nói trên Reuters là câu của các chuyên gia trong ngành nói, những người lão làng về cà phê từ Âu - Đức, Ý... họ đều nhận định như vậy. Nếu tôi chỉ thẳng đó là nhận xét của bậc thầy người Ý, chẳng nhẽ Starbucks cũng bảo họ không biết uống cà phê ư?

Tôi cũng muốn biết, người phát ngôn trên của Starbucks có biết nhiều cà phê không, am hiểu về cà phê như thế nào, cả một di sản, họ hiểu được tới đâu?

Đương nhiên tại Starbucks vẫn còn ly Expresso, còn lại đều đánh tráo hết.

“Mình nói mà họ không hiểu thì sẽ nghĩ mình vĩ cuồng, đại ngôn” – Người đứng đầu Tập đoàn cà phê Trung Nguyên chia sẻ.

- Có người bảo ông “cuồng ngôn”, ông có cảm thấy phiền lòng?

Đặng Lê Nguyên Vũ: (Cười). Tôi cũng xin nói với các bạn thế này, một con chim sẻ nó không thể hiểu một con đại bàng như thế nào hết, nguyên tắc con chim sẻ nó cứ mổ chốc chốc dưới đất, còn con đại bàng, bay ngược trên trời, cái nhìn của nó xa, rộng hơn nhiều. Tất nhiên, đại bàng cũng có lúc phải sống ở vách đá cheo leo…

Ai nhận xét tôi cuồng ngôn? Quan điểm của tôi, khi tôi nói, tôi là số đông, còn người nghe là số ít, hiểu được bao nhiêu thì hiểu. Anh càng đi nhiều thì sẽ càng hiểu. Tôi đã gặp các giáo sư tên tuổi, lỗi lạc nhiều lắm rồi, anh phải tư duy với cách nhìn toàn cầu.

Chúng tôi không phải vĩ cuồng mà bạn phải nhìn nhiều và rộng hơn. Nhiều ông cứ bảo hôm nay, tôi sẽ lôi anh xuống nhưng tôi bảo: Ra đây, nói với tôi một buổi đi, nếu thuyết phục được tôi thì anh mới lôi được tôi xuống, còn không thì phải nghe chứ.

Mình nói họ không hiểu thì sẽ nghĩ mình vĩ cuồng, đại ngôn.

Cũng phải nói thêm rằng: Trỗi dậy đầu tiên của vật chất là trỗi dậy về tư tưởng, ngay cả trỗi dậy của quân sự, trỗi dậy của kinh tế thì hình thái đầu tiên cũng bắt đầu từ tư tưởng. Phải dám mơ, dám mộng thì mới thuyết phục được người khác và mới làm được những việc đại sự.

Người Việt đừng nên lấy phương Tây làm chuẩn mực

- Vậy theo ông, để nghe và hiểu như ông nói, người Việt cần phải khắc phục những điểm yếu nào?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Người Việt có 4 điểm yếu "chí tử":

Một là không có hoài bão, không có khát khao.

Điểm yếu thứ 2 là nô lệ về học thuật, về tư tưởng bên ngoài. Các tôn giáo, lý thuyết đều du nhập. Có thể nói, VN là nơi tiêu thụ văn hóa chứ không phải là nơi sản sinh ra văn hóa.

Thứ 3 là không có tính kế thừa. Triều đại khác lên lại kéo theo nhiều điều tồi tệ hơn trước, vật chất phát triển lên nhưng các cơ sở khác lại đổ nát.

Thứ 4 là khả năng thực thi vô cùng kém, tính thực tế, thiết thực làm cho đất nước hùng mạnh là không có.

Những sai lầm của cha ông phải khắc phục và Trung Nguyên muốn cổ động, nuôi dưỡng thêm 3 tinh thần xuyên thế hệ.

Thứ nhất là tinh thần chiến binh: Nếu thế lực khác vào là phải đè bẹp ngay, chứ không phải run lẩy bẩy như khi Starbucks vô chẳng hạn. Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu!

Thứ hai là tinh thần doanh nhân, tinh thần hiệp thương.

Muốn giàu thì ông nông dân cũng phải biết trồng quả cà chua bán ra Châu Âu, Châu Mỹ, chính trị cũng phải có tinh thần doanh nhân, thậm chí, văn hóa cũng phải có tinh thần doanh nhân. Đánh một bản nhạc phải biết phổ biến ra thế giới, vẽ một bức tranh phải biết kiếm ra bao nhiêu triệu đô la, chứ đừng coi mình là số 1, số 2 mà ra thế giới, không ai tiếp nhận.

"Tôi ngại tâm lý ngưỡng vọng “nước Mỹ vĩ đại” của người VN, chứ không phải ngại Starbucks"

Thứ ba là tinh thần độc lập, sáng tạo, đột phá. Có những quốc gia, họ coi sáng tạo là nguồn năng lượng sống của họ. Một ngày nếu tinh thần sáng tạo mất là dân tộc sẽ biến mất vì thù địch quá lớn, điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Trong khi đó, tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang rất lối mòn.

- Nói như vậy thì những ồn ào về Starbucks trong thời gian vừa qua phải chăng cũng xuất phát từ những yếu điểm trong suy nghĩ của người Việt?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Khi Starbucks vào Việt Nam, tôi ngại tâm lý ngưỡng vọng “nước Mỹ vĩ đại” của người VN, chứ không phải ngại Starbucks, thậm chí có phản ứng ngầm của người tiêu dùng Việt ở đây là muốn mình sành điệu, muốn mình giống người Mỹ. Đó là tư tưởng sính ngoại hay chính là nô lệ.

Chúng ta cần có những quan điểm tỉnh táo hơn, đừng có cổ động cho phương Tây và lấy phương Tây làm chuẩn mực.

Như các bạn đã biết, tôi cổ động cho 5 con linh thú. Đầu tiên là con đại bàng, bay cao, nhìn xa, nhìn một cái là 60 cây số. Thứ hai là phải dũng mãnh như con sư tử. Thứ ba là phải khôn, tinh ranh như con cáo.

Thứ tư là thông tuệ, thông thái như con cú, nhìn trong màn đêm xuyên suốt, không có gì che mắt được màn đêm nhưng cái đầu quay 360 độ.

Và thứ năm, một con vật vô cùng quan trọng là con sói săn mồi trên thảo nguyên, có tính đồng đội, tính kỷ luật, tính lạnh lùng và dứt điểm phối hợp nhịp nhàng.

… Dù sao thì nói chung, tôi tin dân tộc ta sẽ vĩ đại vì có cái chất nhưng bị cài đặt lộn, cần cài đặt lại nếu không sẽ không chạy nổi.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Báo Giáo Dục