Phát hiện vụ gian lận quảng cáo lớn nhất lịch sử: hacker kiếm 5 triệu USD/ngày

Một nhóm tội phạm người Nga kiếm được 3 triệu USD đến 5 triệu USD mỗi ngày bằng các thủ đoạn bấm giả quảng cáo. Theo tuyên bố của hãng bảo mật White Ops, đây là vụ lừa đảo quảng cáo trực tuyến lớn nhất bị phát hiện từ trước đến nay, bằng phương thức click giả vào quảng cáo video.

White Ops gọi nhóm lừa đảo này là Ad Fraud Komanda, hay "AFK13". Chúng đã lên kế hoạch lừa đảo rất chi tiết, tỉ mỉ. Đầu tiên, chúng tạo ra hơn 6.000 tên miền và 250.267 URL riêng biệt, tất cả đều có vẻ là thuộc về các nhà xuất bản có tên tuổi lớn, từ ESPN đến Vogue. Nhưng tất cả những gì được lưu trữ trên trang chỉ là quảng cáo video.

Với chiêu thức đăng ký tên miền giả, chúng có thể đánh lừa các thuật toán để hầu hết quảng cáo mang lại lợi nhuận nhiều nhất sẽ mua không gian quảng cáo trên web của chúng. Các nhà quảng cáo thường dựa trên những thuật toán để quyết định mua không gian quảng cáo tại những trang web có người truy cập phù hợp nhất với quảng cáo của họ. Và cuộc mua bán thường hoàn thành trong mili giây. Nhưng AFK13 có thể đánh lừa hệ thống vì thế những nhãn hiệu lớn sẽ mua không gian của họ.

Sau đó AFK13 đầu tư mạnh vào một loại bot, chiếm không gian trong các trung tâm dữ liệu vì thế chúng có thể tạo ra lưu lượng giả mạo từ đội quân hơn 570.000 bot click vào các quảng cáo đó, làm tăng doanh thu nhờ hệ thống trả tiền theo mỗi click mà chúng khai thác. White Ops gọi đó là chiến dịch Methbot, các bot "đã xem" đến 300 triệu quảng cáo video mỗi ngày, và những kẻ phạm tội thu về trung bình 13,04 USD cho mỗi 1.000 lượt xem giả mạo. Đội quân bot này bắt chước các hành động như người thật, với các click giả, di chuyển chuột và thông tin đăng nhập mạng xã hội.

White Ops đưa ra một ví dụ về việc Methbot giả mạo tên miền.

Để các bot này trông thật hơn, và lọt qua được các biện pháp phát hiện chống gian lận thông thường, nhóm hacker đã thu được hàng trăm ngàn địa chỉ IP và gắn chúng với các nhà cung cấp internet của Mỹ, vì thế chúng giống như là đến từ các hộ gia đình Mỹ. Những địa chỉ IP này đều "được thu thập gian lận" từ ít nhất là 2 trong số 5 nhà đăng ký internet khu vực của thế giới.

White Ops bắt đầu theo dõi hoạt động lừa đảo này vào tháng 9/2015, khi họ phát hiện ra lưu lượng bot đặc biệt vượt qua mạng lưới một khách hàng. Tuy nhiên, phải đến tháng 10/2016 Methbot mới bị lộ hoàn toàn.

Vẫn chưa rõ đường liên kết Nga đến từ đâu. Eddie Schwartz, giám đốc điều hành của White Ops, cho biết công ty phát hiện ra những đường link giữa các trung tâm dữ liệu và "các dấu hiệu bất thường" do hacker sử dụng. ông không thể cung cấp chi tiết hơn vì lo ngại sẽ tiết lộ quá nhiều về các biện pháp của White Ops.

"Chúng tôi hầu như không nghi ngờ gì việc nhóm hacker này ở Nga. Chúng tôi đã tiến hành làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật trong nhiều tuần nay", Schwartz nói.

Những công ty chi tiền vào hệ thống tự động này đang mất những khoản tiền lớn, không chỉ từ Methbot mà còn từ các chiến dịch tương tự khác. Số tiền này có thể không bao giờ lấy lại được.

Theo Forbes, White Ops nói họ đã cung cấp thông tin cho nhà chức trách và vụ việc đang được điều tra. Điều lo ngại là vụ gian lận có thể còn lớn hơn nhiều, vì White Ops chỉ có thể phân tích dữ liệu trực tiếp do White Ops quan sát, tổng số tiền mất mát trong hệ sinh thái quảng cáo có thể còn lớn hơn nhiều. Ở điểm này, hoạt động Methbot đã trở nên sâu rộng, nhúng vào trong các tầng lớp hệ sinh thái quảng cáo. Cách duy nhất để đóng nó lại là đưa thông tin chi tiết ra công khai để giúp các bên bị ảnh hưởng có hành động kịp thời.

White Ops hy vọng ngành công nghiệp quảng cáo sẽ hợp tác để loại trừ Methbot.

Hoàng Lan
Nguồn VnReview