4 lưu ý với doanh nghiệp nhỏ FMCG kinh doanh mùa Tết

Tết là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) tăng tốc trong cuộc đua tìm kiếm doanh thu. Nhưng đây cũng là thách thức lớn với các doanh nghiệp nhỏ và sản phẩm mới tung ra thị trường.

Nhìn đâu cũng thấy khó khăn

Vẫn biết, tết là dịp các doanh nghiệp tung ra các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu sử dụng cũng như biếu tặng của người tiêu dùng. Nhưng trong một thị trường mà số lượng doanh nghiệp tham gia đông như hiện nay thì mức độ cạnh tranh vì thế cũng ngày càng khốc liệt.

Đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ FMCG thì nhìn đâu cũng thấy khó khăn, thách thức.

Đầu tiên là khó khăn trong việc lựa chọn thuê mặt bằng, tuyển dụng nhân sự phục vụ bán hàng mùa tết. Rồi giá sản phẩm tiêu dùng nhanh thấp hơn so với các sản phẩm khác nên tiền lời trên từng đơn vị sản phẩm cũng thấp.

Bên cạnh đó, thời gian sử dụng sản phẩm ngắn nên phải có phương án dự trữ, tiêu thụ sản phẩm cụ thể và chính xác để tránh lãng phí, hư hỏng.

Ngoài những kênh “quầy kệ” truyền thống trên, bạn còn cần xác định chiến lược chỉ dẫn và bán sản phẩm trên các kênh online (thông điệp, thông tin, giá cả sản phẩm, chương trình ưu đãi, khuyến mãi,…). Ảnh: sggp.org.vn.

Một yếu tố thách thức khác là nhà sản xuất không làm việc trực tiếp với từng cá nhân người dùng cuối. Các sản phẩm tiêu dùng nhanh phục vụ khách hàng được đưa đến tay người dùng cuối thông qua các hệ thống bán lẻ.

Điều này cũng gây khó khăn cho nhà sản xuất khi phải nghiên cứu, tính toán chiến lược ra sản phẩm mới.

Hướng đi nào cho những “tân binh”?

Câu hỏi đặt ra cho các “tân binh” trong ngành hàng tiêu dùng nhanh khi nhập cuộc dịp cuối năm là: Làm thế nào để tạo ấn tượng với người tiêu dùng khi làm gì cũng khó?

Theo ý kiến của ông Phạm Ngọc Anh, chuyên gia tư vấn về Sales và Marketing cho doanh nghiệp thì có 4 yêu cầu mà các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng nhanh cần chú ý.

Trước tiên hãy đặt mục tiêu phù hợp với khả năng. Với một sản phẩm mới tung ra thị trường, đặc biệt là dịp tết vừa là cơ hội vừa là thách thức. Vì vậy, cần có những mục tiêu phù hợp để có hoạch phát triển và tiêu thụ sản phẩm tốt nhất.

Tiếp đến là tập trung đến giá trị dinh dưỡng sức khỏe và cảm xúc cho người tiêu dùng. Để thu hút sức mua của khách hàng, mùa tết này các doanh nghiệp nên chú trọng tới giá trị dinh dưỡng trong từng sản phẩm. Cùng với đó, Tết là một thời điểm gia đình và bạn bè quay quần bên nhau. Vì vậy, sản phẩm của bạn hãy là thương hiệu “mang lại cảm giác chia sẻ” trong tết này.

Đầu tư vào vỏ bao bì sản phẩm cũng là vấn đề quan trọng. Lý do, trong dịp tết thì quà tặng là một “nét tiêu dùng” đặc biệt. Do đó, hãy chú trọng cho ý tưởng, thiết kế cũng như gắn yếu tố cá nhân hóa trong “bao bì cao cấp” (Premium Packaging).

Trong dịp tết thì quà tặng là một “nét tiêu dùng” đặc biệt. Ảnh: VietQ.vn.

Vỏ bao bì của một sản phẩm chất lượng tốt được ưu tiên theo thứ tự các tiêu chuẩn: Thông tin đầy đủ về sản phẩm trên bao bì, nguyên liệu vỏ bao bì chắc chắn, an toàn, có dấu chứng nhận sản phẩm an toàn vệ sinh/sức khoẻ.

Cuối cùng, lựa chọn các kênh quảng cáo và phân phối “thông minh”. Phần lớn người tiêu dùng nhận biết sản phẩm chất lượng tốt thông qua giới thiệu từ bạn bè/người thân, tiếp đến là quảng cáo trên TV/radio và tự bản thân tìm hiểu.

Do đó, nếu bạn đã có nền tảng của một số khách hàng cũ thì đừng quên kênh “truyền miệng”. Và cũng tùy theo quy mô, kinh phí có thể lựa chọn những hình thức quảng cáo phù hợp, mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, kênh phân phối chính là “điểm quyết định” sản phẩm của bạn đến với tay người tiêu dùng như thế nào.

Vì vậy, hãy thông minh khi lựa chọn sản phẩm của bạn sẽ ở vị trí nào trên quầy kệ tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại lý chính hãng hay tiệm tạp hóa,…?

Ngoài những kênh “quầy kệ” truyền thống trên, bạn còn cần xác định chiến lược chỉ dẫn và bán sản phẩm trên các kênh online (thông điệp, thông tin, giá cả sản phẩm, chương trình ưu đãi, khuyến mãi,…).

Tết đang đến gần, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những điều cần thiết cho dịp tết ngay từ bây giờ.

Thùy Linh
Nguồn VN Economy