Đại gia bán hàng công nghệ giành giật mảng điện thoại di động

Cạnh tranh giành giật mảng điện thoại di động đang diễn ra khốc liệt giữa các doanh nghiệp công nghệ để giành giật thị phần béo bở chiếm hơn 40% của quy mô gần 7 tỷ USD thị trường công nghệ.

MGW, FPT nhảy vào cạnh tranh phân phối

Năm 2015, quy mô thị trường công nghệ Việt Nam đạt khoảng 154.700 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD), với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2011- 2015 trên 15%. Trong đó, sản phẩm điện thoại di động chiếm 42,4%, laptop chiếm gần 13%, các sản phẩm khác chiếm 44,7%.

Nguồn: VietinbankSC.

Theo ông Huỳnh Phước Cường, chuyên gia nghiên cứu thị trường công nghệ, sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ, cụ thể trong mảng điện thoại di động đang rất khốc liệt giữa Viễn Thông A, FPT, MWG... Các nhà phân phối như DGW, PSD… cũng đang vươn lên để trở thành nhà phân phối dẫn đầu. Làm sao tối ưu hóa chi phí để đưa hàng giá thấp hơn, cạnh tranh hơn.

Hiện nay, một số nhà bán lẻ cũng đã tham gia nhập khẩu như MWG, FPT nhằm đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Vậy có hay không sự cạnh tranh giữa nhà bán lẻ với nhà phân phối? Câu trả lời là nhà phân phối và nhà bán lẻ đều có vị trí đối trọng của mình.

Nguồn: VietinbankSC.

Trong các nhà phân phối hiện nay, DGW đang chiếm 8% thị phần điện thoại di động và 30% laptop với 6.000 đại lý, lớn nhất trong 3 đơn vị phân phối hàng đầu: DGW, PSD (2.100 đại lý) và FPT (1.500 đại lý).

Về phía các doanh nghiệp bán lẻ thì MWG nắm 30% thị phần điện thoại di động với 640 cửa hàng, FPT shop chỉ chiếm 10% điện thoại di động với 300 cửa hàng.

Nguồn: VIetinbankSC.

Với chiến lược đa dạng, theo số liệu báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2016, hiện MWG đang dẫn đầu về biên lợi nhuận gộp của các cổ phiếu công nghệ niêm yết trên sàn là 16,4%, trong khi DGW là 6,3% và PSD là 4,5%.

Các chỉ số ROA của MWG là 18,6% và ROE là gần 52%. Trong khi ROA của DGW laf5,8% và ROE là 12,4% và ROA của PSD là 2,95% và ROE là 23,6%.

Nguồn: VietinbankSC.

Còn theo ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc DGW, rủi ro của nhà bán lẻ tham gia nhập khẩu là họ phải đối diện rủi ro nguồn lực, tồn kho. Nếu có hàng tồn kho thì họ không thể bán cho đối thủ khác vì không có nhà bán lẻ nào lại mua lại hàng của đối thủ. Chiến lược của DGW là một nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ thị trường… với tốc độ nhanh nhất.

Thời gian tới, sự cạnh tranh trong mô hình bán hàng online ngày càng sẽ khốc liệt sẽ là một thách thức cho các nhà bán lẻ công nghệ để giữ lợi nhuận cao.

Hoàng Anh
Nguồn BizLive