Điện thoại Huawei gian nan tìm đường vào Mỹ

Huawei lần đầu tiên muốn đem smartphone đầu bảng đến với Mỹ nhưng có nhiều hòn đá ngáng đường gã khổng lồ Trung Quốc.

Theo nguồn tin của Thời báo Phố Wall, các nhà mạng Mỹ - phân phối hơn 80% thiết bị di động trên cả nước – không sẵn lòng hợp tác với Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới sau Samsung và Apple bởi nhận diện thương hiệu thấp và lo ngại bảo mật liên quan đến thiết bị mạng viễn thông. Báo cáo của quốc hội Mỹ năm 2012 đề nghị viễn thông Mỹ tránh sử dụng sản phẩm của Huawei vì lo sợ Trung Quốc có thể lợi dụng chúng để gián điệp người Mỹ. Huawei bác bỏ cáo buộc và khẳng định hoạt động độc lập với Bắc Kinh.

Ngoài vấn đề bảo mật, còn có những chướng ngại kỹ thuật về tiêu chuẩn mạng khiến tham vọng mở rộng thị trường của Huawei trở nên tốn kém. Một giám đốc giấu tên của công ty tại Mỹ thừa nhận “chưa biết làm thế nào để loại bỏ vật cản… rất thách thức”.

Tháng này, Huawei cho biết chuẩn bị tung Mate 9 tại Mỹ, tuy nhiên thiết bị nhiều khả năng chỉ bán qua các nhà bán lẻ trên mạng như Amazon. Huawei chưa tiết lộ giá bán lẻ và ngày lên kệ của thiết bị.

Dùng thử sản phẩm Huawei P9.

Mỹ là miếng bánh còn thiếu lớn nhất trong chiến lược mở rộng smartphone toàn cầu của Huawei. Gã khổng lồ của Trung Quốc được Nhiệm Chính Phi, một cựu kỹ sư quân đội nhân dân, sáng lập 3 thập kỷ trước và nhanh chóng đạt vị trí ngày nay nhờ tăng trưởng tại quê nhà cũng như châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.

Tại Mỹ, nơi hãng mới bán các model giá rẻ, thị phần quý ba chỉ chiếm 0,4%. Apple là công ty đứng đầu với 39%, theo sau là Samsung với 23%. Theo hãng nghiên cứu Canalys, Mỹ là thị trường điện thoại cao cấp giá trên 500 USD lớn nhất thế giới. Khai phá được thị trường này giúp Huawei hoàn thành sứ mệnh đánh bại Apple và Samsung trong vòng 5 năm.

Richard Yu, Giám đốc bộ phận smartphone Huawei Mỹ, người đặt ra mục tiêu tham vọng kể trên, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Cần có thời gian để gây dựng lòng tin tại Mỹ”. Dù vậy, nhiều khó khăn đang chờ đón. Để đáp ứng tiêu chuẩn mạng đang được Verizon và Sprint sử dụng, Huawei phải thực hiện các thay đổi tốn kém và đáng kể đến chip di động. Verizon và Sprint cũng không nhìn thấy triển vọng khi bổ sung thiết bị Huawei vào danh sách những điện thoại đang phân phối.

Công ty Trung Quốc còn đang vướng vào tranh chấp bản quyền với T-Mobile nên việc hợp tác giữa hai bên là không khả thi. Trong khi Huawei kỳ vọng nhiều hơn vào giao dịch với AT&T, một trong hai nhà mạng lớn nhất Mỹ cùng Verizon, chưa rõ họ có đồng ý hay không.

Thị phần các hãng smartphone trên toàn cầu (ảnh trái) và tại Mỹ quý III/2016. Nguồn: Canalys.

Cho đến nay, Huawei phần lớn bỏ qua thị trường Mỹ khi tập trung nhiều hơn vào những thị trường nồng nhiệt hơn. Tại Tây Âu, hãng chi nhiều cho quảng cáo, kết hợp chặt chẽ với các nhà bán lẻ địa phương và tài trợ cho các đội bóng ngoại hạng. Hệ quả là thị phần tăng hơn gấp đôi lên 13% từ 6% cùng kỳ năm trước, theo IDC.

Tại Mỹ, nơi thiết bị bán từ nhà bán lẻ chỉ chiếm thị phần nhỏ, Huawei cần chiến lược khác biệt. Apple và Samsung đã thống trị phân khúc cao cấp, khiến các nhà sản xuất khác rất khó thuyết phục nhà mạng bán điện thoại đắt tiền của họ. Với nhà mạng, dễ bán sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng và được tiếp thị mạnh. Ví dụ, Samsung nhiều năm xây dựng quan hệ với nhà mạng Mỹ và chi mạnh tay hơn đối thủ về quảng cáo.

Những công ty Trung Quốc khác như ZTE, TCL (sở hữu thương hiệu Alcatel), hợp tác với nhà mạng Mỹ thông qua thiết bị giá chưa bằng một nửa Apple và Samsung. ZTE quảng bá thương hiệu bằng cách tài trợ cho các đội bóng rổ quốc gia.

Hướng đến phân khúc bình dân, nơi lợi nhuận biên thấp, không phù hợp với nỗ lực tiến lên cao hơn và bán điện thoại đắt tiền hơn của Huawei. Người phát ngôn Huawei cho biết: “Thị trường Mỹ rất quan trọng với Huawei. Tuy nhiên, chúng tôi nhẫn nại và tìm kiếm thành công trong dài hạn”.

Du Lam / WSJ
Nguồn ICT News