Thực phẩm Tết khó bán hơn

Thị trường Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không còn "dễ ăn" như những năm trước. Nhu cầu bão hòa, cạnh tranh gay gắt, sự thay đổi của kênh phân phối, khó dự báo thông tin là những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) phải vượt qua.

Nhận định thị trường Tết năm nay sẽ cạnh tranh khốc liệt nên ngoài sản phẩm mới, Công ty Thương mại Sài Gòn Food còn tăng cường đội ngũ nhân viên bán hàng từ 20 người lên 100 người.

"Mặc dù tăng cường đội ngũ sale thì phải tăng thêm chi phí nhưng bù lại, người tiêu dùng biết đến thương hiệu sản phẩm nhiều hơn và chúng tôi cũng chứng minh được cho các siêu thị biết là sản phẩm nào bán chạy", bà Lê Thị Thanh Lâm - TGĐ Công ty Thương mại Sài Gòn Food cho biết.

Cũng theo bà Thanh Lâm, trước đây, Công ty chỉ đưa hàng đến siêu thị và việc bán như thế nào do siêu thị quyết định. Thế nhưng với thị trường TP.HCM đã bão hòa, Công ty buộc phải chăm chút cho đội ngũ bán hàng và nhân viên sale phải hiện diện ở các tỉnh - thành mà sản phẩm của Sài Gòn Food có mặt. Với sự chuẩn bị này, Sài Gòn Food đặt mục tiêu tăng trưởng 20% so với Tết năm ngoái.

Ảnh minh họa: X. Thảo.

Lãnh đạo các DN đều cho rằng, cái khó của việc làm hàng Tết là phải cam kết với siêu thị phải lấy hàng về nếu không bán hết. Điều này không chỉ ảnh hường đến doanh thu mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu. Với hàng đông lạnh, yêu cầu này là khó khăn vì nếu không dự báo được thị trường thì khả năng thu hồi sản phẩm sau Tết là rất cao. Đó cũng là lý do khiến nhiều DN ngành thực phẩm đông lạnh không dám đầu tư sản xuất hàng Tết.

Theo chia sẻ của các nhà sản xuất, khó khăn của thị trường năm nay còn đến từ việc "thay tên đổi chủ” trong lĩnh vực bán lẻ. Từ cuối năm 2015 đến nay, các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) trong lĩnh vực bán lẻ liên tục diễn ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN trong nước. Bởi sau khi thay đổi chủ thì thường 3 năm sau các nhà phân phối mới ổn định mọi hoạt động.

Sau những thương vụ M&A đã diễn ra, đến thời điểm này các đơn vị phân phối có sự thay đổi chủ sở hữu vẫn chưa ổn định. Theo đại diện một DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, hiện tại, doanh số nhiều sản phẩm của DN này bán tại Big C, Metro đã giảm đến 10%. Thậm chí, có những mặt hàng phải rút ra khỏi quầy kệ vì không đạt doanh thu.

Bên cạnh đó, các DN sản xuất còn phải đối mặt cạnh tranh với hàng nhãn riêng của các siêu thị - vốn là kênh phân phối của mình. Chẳng hạn, Saigon Co.op năm nay tăng cường nhiều sản phẩm hàng nhãn riêng cùng với những mặt hàng chuyên biệt phục vụ cho mùa Tết, như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món...

Nhiều sản phẩm mới

Hai sản phẩm mới là xúc xích Happy và giò hoa được sản xuất trên dây chuyền khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra đã được Công ty Vissan tung ra thị trường vào trung tuần tháng 11. Ông Văn Đức Mười - TGĐ Vissan cho biết, ngay từ giữa tháng 6, Công ty đã lên kế hoạch sản xuất Tết với 3.000 tấn thực phẩm tươi (thịt bò, thịt heo) và 3.200 tấn thực phẩm chế biến các loại. Phòng khi thị trường có biến động, Công ty dự trữ thêm 15 - 20% sản lượng hàng hóa. Vissan còn đưa sản phẩm Tết ra thị trường phía Bắc thông qua hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty.

Trong lĩnh vực thực phẩm chế biến đông lạnh, Sài Gòn Food là thương hiệu duy nhất làm sản phẩm Tết. Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, từ thành công của những năm trước, năm nay Công ty đưa ra thị trường thêm một loại lẩu Tết cùng các sản phẩm ăn chơi như viên Tết ngũ vị (viên tôm, bò, gà). Vào cuối tháng 11, các sản phẩm Tết của Sài Gòn Food sẽ lên kệ tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Ở ngành bánh kẹo, năm nay Công ty Bibica dự kiến tung ra thị trường 1.800 tấn sản phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ 2015. Điểm nhấn trong các sản phẩm Tết của Bibica là bánh cookies Goodygold (cookies hạt) và bộ bánh kẹo phục vụ Tết như bánh hộp thiếc Lạc Việt với hoa văn trống đồng, kẹo ngũ quả phát tài (cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm), kẹo phúc lộc thọ, kẹo phát tài (hình thỏi vàng), hộp quà xuân Hura và Orienko...

Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn