Kiếm tiền triệu đô từ YouTube

Mới đây, startup 1 năm tuổi Big Cat của Việt Nam được Công ty Mạng di động AIG mua lại. Thương vụ này gây xôn xao vì Công ty Giải trí Truyền thông Big Cat là đơn vị đứng sau những kênh video hài “không chuyên” như Ghiền Mì Gõ, FapTV... phát trên YouTube mỗi ngày.

Video online chỉ là 1 trong 4 trào lưu định hình môi trường công nghệ số theo dự đoán của Công ty Nielsen, bên cạnh mạng xã hội, thương mại điện tử và sự phát triển của thiết bị di động. Trước đây, người Việt giải trí bằng truyền hình, ngồi trước TV chọn kênh yêu thích, còn hiện nay, màn hình giải trí của họ được đưa lên smartphone, tablet kết nối internet. Xu hướng giải trí này đã trở thành mảnh đất kinh doanh mới của quảng cáo, cùng với đó là sự xuất hiện của những “ngôi sao” YouTube trong nước như JVevermind, Phở...

Theo Comscore, Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số người xem YouTube với 13,1 triệu người xem. Ngoài YouTube chiếm hơn 90% trong các nền tảng video phổ biến, những kênh Vimeo, Dailymotion, nhaccuatui.vn... cũng là những kênh sở hữu lượng khán giả rất đông. Tuy vậy, kiếm tiền qua YouTube vẫn là lựa chọn hàng đầu của các kênh video tại Việt Nam hiện nay.

Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số người xem YouTube với 13,1 triệu người.

Doanh thu các kênh kiếm tiền từ YouTube chủ yếu đến từ quảng cáo. Không có con số cụ thể về doanh thu vì còn phụ thuộc vào hình thức hiển thị quảng cáo, giá quảng cáo, người xem đến từ đâu, tỉ lệ người bấm vào quảng cáo... Nhưng để dễ hình dung, theo một báo cáo mới đây về thu nhập trên YouTube có lượt truy cập từ Việt Nam, với 1.000 lượt xem, các đối tác của YouTube có thể kiếm được trung bình 0,3USD, tức 300USD/triệu lượt.

Đến khi kênh có được một cộng đồng khán giả đủ lớn là lúc nhiều nhãn hàng sẽ bắt tay với các nhà sản xuất nội dung. Theo đó, các thương hiệu game, sản phẩm dịch vụ, thậm chí ngân hàng, thương hiệu xe... sẽ được quảng cáo một cách hiệu quả. Nhãn hàng được mở rộng tên tuổi và đảm bảo tiếp cận được lượng khách hàng theo thỏa thuận, còn các nhà sản xuất được tài trợ kinh phí sản xuất hoặc những quyền lợi hấp dẫn khác.

Cách đây vài năm, YouTube là nơi kiếm tiền của những người có đam mê với sản xuất video clip dù không chuyên. Sau đó, những cái tên quen thuộc với giới trẻ cũng là chủ nhân của những “nút Play vàng YouTube” (có trên 1 triệu lượt người theo dõi kênh) như JVevermind, Thích Ăn Phở, BB&BG hay VineADD... được đón nhận như những ngôi sao giải trí thật sự. Tuy nhiên, hiện sản xuất cho video clip không chỉ là đam mê của những người trẻ, mà đã trở thành mô hình kinh doanh chuyên nghiệp và được đầu tư bài bản hơn.

Các nhà sản xuất chương trình truyền hình, các nghệ sĩ, ngoài việc phát hành chương trình, sản phẩm lên các kênh chính thống, còn chia sẻ sản phẩm lên YouTube như một kênh quảng bá, phát hành sản phẩm và bổ sung nguồn thu. Chẳng hạn, kênh YouTube riêng của nghệ sĩ Hoài Linh đã đạt hơn 100.000 người theo dõi và hơn 24 triệu lượt xem. Mỗi video được đăng tải, kênh này đều thu về từ 1-2 triệu lượt xem...

Ê kíp sản xuất một chương trình của Ghiền mì gõ. Ảnh: baomoi.com.

Một nhà sản xuất nội dung hài trên YouTube cho biết, kinh phí sản xuất 1 video clip chỉ khoảng 20 triệu đồng, nhưng cần chi phí gấp 7-8 lần để chạy quảng cáo nhằm hút lượt xem. Nhà sản xuất nội dung này tung ra khoảng 10 clip/tháng, có doanh thu trên dưới 3 tỉ đồng, lợi nhuận tối thiểu là 30%.

Về cơ chế phân chia lợi nhuận, YouTube giữ lại 45% doanh thu từ quảng cáo. Chẳng hạn, Business Insider dẫn chứng về số tiền mà Olga Kay, một ngôi sao YouTube, kiếm tiền từ kênh có hơn 800.000 người theo dõi: mỗi 100.000USD Kay kiếm được từ YouTube, trừ đi 45% cho trang này, 30% thuế, 500USD/tuần cho chi phí sản xuất, thu nhập thực tế của Kay còn lại khoảng 13.500USD. Những ngôi sao làm giàu từ YouTube trên thế giới nổi bật trong năm qua như: Rosanna Pansino (2,5 triệu USD), Michelle Phan (3 triệu USD), KSI (4,5 triệu USD), Fine Brothers (8,5 triệu USD), PewDiePie (12 triệu USD)... Họ kiếm tiền từ những video clip đậm chất giải trí như dạy làm bánh, trang điểm, bình luận game, chơi khăm, hài hước.

Tại Việt Nam, sau những clip hài ngắn Ghiền Mì Gõ thu hút khoảng 50.000-120.000 lượt xem, Công ty Big Cat được thành lập, ít lâu sau đó mua lại FapTV và không giấu mục tiêu chọn YouTube là nơi phát triển lâu dài. Hiện tại, lượt xem trung bình của Big Cat là 120 triệu mỗi tháng và doanh thu trên dưới 1,2 triệu USD.

Việc xây dựng và trung thành với một định hướng chung, không bị cuốn theo những trào lưu mới là yếu tố quan trọng để định vị được kênh và thu hút khán giả.

Theo ông Johnny Trí Dũng, đồng sáng lập Big Cat, việc xây dựng và trung thành với một định hướng chung, không bị cuốn theo những trào lưu mới là yếu tố quan trọng để định vị được kênh và thu hút khán giả. Trong các kênh của Big Cat, FapTV mang màu hài hước, thu hút người xem từ 18-24 tuổi; Ghiền Mì Gõ có yếu tố các cô gái quyến rũ để thu hút 70% khán giả là nam trên dưới 25 tuổi; Bồ Công Anh nhẹ nhàng, tình cảm hướng đến đối tượng nữ giới.

Cũng theo ông Dũng, các kênh YouTube cần đi theo hướng chuyên nghiệp hóa, xuất bản clip vào giờ cố định để tạo thói quen cho người xem như những kênh truyền hình thực thụ. Các nhà đầu tư mới gia nhập sân chơi này cũng nên tránh vết xe đổ nhiều người gặp phải là đầu tư quá nhiều vào chi phí sản xuất mà lơ là hoặc thiếu chiến lược marketing.

Một mô hình khá đình đám trong lĩnh vực video và chiếm đến 90% thị trường âm nhạc số hiện nay tại Việt Nam là Pops Worldwide của nữ Việt kiều Esther Nguyễn hoạt động trong 2 mảng chính là phát hành và sản xuất nội dung trên nền tảng kỹ thuật số. Trong mảng phát hành với hơn 800 kênh thu hút khoảng 1,3 tỉ lượt xem/tháng, Pops Worldwide hỗ trợ nghệ sĩ, nhà sản xuất, đài truyền hình đăng tải clip, giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, lên kế hoạch truyền thông để tối đa hóa mức lan truyền của clip trên nhiều nền tảng (YouTube, iTunes, Spotify, Dailymotion...).

Trong mảng sản xuất, Công ty tự làm ra nhiều chương trình hướng kênh của POPS như: POPS Music, POPS Kids, đồng thời hợp tác cùng các đơn vị sản xuất quốc tế nhằm Việt hóa và phát hành online các series truyền hình chương trình giải trí nổi tiếng thế giới như Tom & Jerry, Scooby-Doo, The Powerpuff Girl... Bà Esther cho biết, khác với nhiều quốc gia, ngoài những nhà sản xuất thông thường, các đài truyền hình sẵn sàng phát triển thêm kênh online, đưa các chương trình lên mạng để tiếp tục khai thác sau khi lên sóng. “Tư duy về tiếp thị số của Việt Nam rất mở là lý do để thị trường này trở nên đặc biệt và còn nhiều tiềm năng”, bà Esther nhận định.

Pops Worldwide có hơn 800 kênh thu hút khoảng 1,3 tỉ lượt xem/tháng.

Theo bà Esther, năm 2007, Công ty gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường vừa làm quen với internet, không có khái niệm giải trí bản quyền, không có các hệ sinh thái khởi nghiệp. Giá trị ước tính của thị trường tiếp thị số (digital advertising) ở Việt Nam khi đó chỉ khoảng 5 triệu USD.

Đến nay, thị trường này đã lên mức 66 triệu USD theo thống kê của BCG-Google và ngân sách các nhãn hàng chuyển dịch từ tiếp thị truyền thống sang các hình thức hiện đại ngày càng nhanh. Sự chuyển dịch xu hướng người dùng sang thiết bị di động thông minh và sự phát triển của hạ tầng Wi-Fi, 3G, 4G cũng góp phần không nhỏ đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ngành giải trí số.

Theo bà Esther, dù thời gian xem video của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng và đang xếp thứ 5 trên thế giới, YouTube cũng chỉ mới chính thức vào thị trường Việt Nam hơn 1 năm trở lại đây, nhưng “lượt xem cao” không đồng nghĩa với “kiếm tiền dễ” vì thị trường này có rất nhiều thách thức. Ngoài sự thay đổi liên tục về công nghệ còn có sự thay đổi nhanh chóng về xu hướng của người xem, đặc biệt là giới trẻ luôn đòi hỏi những yếu tố mới mẻ và sáng tạo. Do đó, đặt ra yêu cầu rất khắc nghiệt đối với các nhà sản xuất nội dung số.

Lan Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư