Ông chủ lạ lùng của Tập đoàn Masan và Chin-su Foods

Sau khi thành công ở thị trường Nga, ông Quang và những cộng sự của mình có một quyết định mang tính chiến lược với thị trường Việt Nam. Chủ tịch của Masanchia sẻ: “Tên Masan có hàm ý là một công ty Việt Nam, Mạnh và Sáng trên dải đất hình chữ S. Vậy công ty đó không thể hùng mạnh nếu nó không lớn trên chính đất nước của mình. Đó chính là lý do chúng tôi chuyển hướng đầu tư cho thị trường trong nước”.

“Trở về” Việt Nam, Masan nhanh chóng chiếm vị trí số 1 về sản phẩm nước tương, nước mắm, tương ớt với thương hiệu Chin-su, Tam Thái Tử, Nam Ngư. Chưa dừng lại ở đó, Masan tiếp tục chinh phục thị trường mỳ gói với thương hiệu Omachi, Tiến Vua… Tất cả các sản phẩm của Masan đều đi theo một chiến lược thống nhất: thực phẩm sạch, an toàn với sức khỏe của người tiêu dùng.

Trên thực tế, Masan không chỉ đem đến những sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người dùng, công ty này còn tạo ra một văn hóa tiêu dùng mới, đánh thức những nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng Việt. Nước tương, tương ớt, nước mắm… đã có ở Việt Nam trước đó nhưng chưa công ty nào tạo ra một làn sóng tiêu dùng những sản phẩm này và biến nó thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng như Masan (với thương hiệu Chin-su Foods) đã làm.

Đến nay, hầu như gia đình Việt Nam nào cũng có sử dụng ít nhất 1 sản phẩm củaMasan dưới thương hiệu Chinsu, Tam Thái Tử, Nam Ngư, Omachi…. Các sản phẩm của Masan nằm trong số ít các thương hiệu trong nước có khả năng cạnh tranh cao với những tập đoàn hàng tiêu dùng lớn của nước ngoài.

Công ty tỷ đô

Năm 2009, khi đưa Masan niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Quang và những cộng sự của mình mơ ước sẽ xây dựng Masan Consumer – công ty lớn nhất trong Tập đoàn Masan thành một ông lớn trị giá tỷ USD. Chỉ 2 năm sau, giấc mơ này đã trở thành hiện thực.

Tháng 4/2011, Tập đoàn đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR) ký kết với Masan về việc sẽ mua 10% cổ phần của Masan Consumer với giá 159 triệu USD. Qua thương vụ này, Masan Consumer được định giá gần 1,6 tỷ USD; giá trả cho mỗi cổ phiếu là hơn 11 USD, tương ứng hơn 220.000 đồng.

Đây là mức cao kỷ lục với thị trường Việt Nam khi mà hầu hết các cổ phiếu đều tụt dốc. Bênh cạnh đó, đây cũng là một chuyện khó tin khi nhà đầu tư nước ngoài bỏ khoản tiền lớn vào một công ty nội địa đúng vào lúc kinh tế Việt Nam khủng hoảng trầm trọng nhất trong nhiều năm gần đây và nhiều quỹ đầu tư trên toàn cầu đang co lại, bán bớt tài sản tại các nước để thu về tiền mặt.

“Chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở vài mét vuông nhà bếp” - tuyên bố của Chủ tịch Masansau những thương vụ thâu tóm đình đám.

Trong năm 2012, với lượng tiền mặt dồi dào có được từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KKR và những khoản lợi nhuận lớn từ kinh doanh thực phẩm, Masan Consumer tiếp tục mở rộng lãnh địa của mình trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Công ty này đã mua thâu tóm Vinacafe (với giá khoảng 60 triệu USD), Cám con cò (Proconco – thương vụ trị giá 96 triệu USD). Bên cạnh đó, Masan Resource cũng vươn bàn tay của mình với việc mua lại dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo trị giá hàng trăm triệu USD từ Dragon Capital.

Chưa có một công ty Việt Nam nào thực hiện được những cú M&A đình đám như vậy, nhất là với những đơn vị đang nắm giữ thị phần lớn của ngành hàng trên thị trường (dự án Núi Pháo có trữ lượng quặng vonfarm hàng đầu Việt Nam, Vinacafe đứng đầu ngành cà phê, Proconco ở top đầu ngành chăn nuôi gia súc). “Chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở vài mét vuông nhà bếp” là tuyên bố của Chủ tịch Masansau những thương vụ thâu tóm đình đám.

“Vietnam can do”

Cho tới khi Masan niêm yết vài năm trên thị trường chứng khoán, vẫn có không ít người cho rằng đây là công ty do những Việt kiều Nga sáng lập nên hay người nước ngoài làm chủ. Chủ tịch của Masan tâm sự, ông rất tự ái và có phần hơi buồn khi một số người vẫn nghĩ Masan là một công ty được điều hành và sở hữu bởi người nước ngoài hoặc Việt kiều.

Có lần khi được hỏi về chuyện có ông Quang có phải là Việt kiều Nga về nước lập nên Masan hay không, vị chủ tịch này trả lời: “Ở Masan, những người sáng lập toàn là người Việt Nam cả, ai cũng có chứng minh thư nhân dân hết". Có người kể, ông Quang còn lấy luôn chứng minh thư nhân dân của mình cho người hỏi xem.

Trên thực tế, những thông tin không chuẩn về những người sáng lập Masan bắt nguồn từ cái tên công ty "giống tây", tổng giám đốc cũng là người nước ngoài (Madhur Maini), nhiều thành viên sáng lập từng kinh doanh ở Nga, và cách tung ra sản phẩm, quảng cáo… không khác gì các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường.

Chủ tịch Masan và những đồng nghiệp đặt tinh thần dân tộc là một trong 4 giá trị cốt lõi của công ty

Người sáng lập Masan chia sẻ, ông và những cộng sự của mình ước mơ xây dựng nên những thương hiệu hàng tiêu dùng không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn có khả năng vươn ra thế giới. Vị chủ tịch này tin rằng, nhiều người Việt Nam không thành công bởi họ cứ nghĩ mình không làm được.

Ông mong muốn có thể xây dựng nên một công ty mà ở đó mọi người đều có những giấc mơ lớn và nghĩ: Vietnam can do (Người Việt Nam làm được). “Tại sao không nghĩ là sẽ có nhiều người nước ngoài tự hào khi được làm việc trong một công ty Việt Nam mà cứ phải là làm việc cho Tây thì mới oai?”.

Ông Quang tâm sự, ở Masan có nhiều lãnh đạo cấp cao (cả người Việt và nước ngoài) từng làm việc cho các công ty nước ngoài lớn như P&G, Unilever và cả các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới. Vị chủ tịch này nói: “Trước đây họ làm việc đơn thuần vì miếng cơm manh áo và chỉ là người làm thuê. Giờ họ cùng chúng tôi tạo dựng nên một công ty Việt Nam danh tiếng mà những tập đoàn lớn nước ngoài cũng phải coi trọng. Họ chiến đấu vì ‘màu cờ sắc áo’ và trở thành những người chủ cùng với chúng tôi”. Trên thực tế, ngay từ khi bắt đầu, ông Quang và những thành viên sáng lập Masan đã khắc ghi một trong 4 giá trị cốt lõi của công ty là tinh thần dân tộc.

Ở khía cạnh kinh doanh, vị chủ tịch Masan có nét gì đó tương đồng với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Viettel.

Cả ông Hùng lẫn vị chủ tịch Masan đều chia sẻ câu chuyện về giá trị Việt Nam (một thị trường với hơn 85 triệu người, cùng nhiều nhu cầu chưa được thỏa mãn) là nhân tố quan trọng giúp họ thành công.

Bên cạnh đó, cả 2 lãnh đạo doanh nghiệp này đều tin rằng, người Việt Nam cũng có thể tạo nên những bài học kinh doanh độc đáo khiến người Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác cần phải học tập và nể phục.

Sự cố và niềm tin Việt Nam

Cuối tháng 8/2012, tin đồn ông Nguyễn Đăng Quang bị bắt rộ lên. Trước đó, những thông tin không được kiểm chứng về vụ sáp nhập dự án núi Pháo của Masan, cùng những chi tiết gây sốc khác về ông Quang được lan truyền qua một trang mạng.

Trên thực tế, những người có kiến thức trong lĩnh vực tài chính khi đọc kỹ thông tin sẽ thấy ngay đó là bịa đặt. Thế nhưng, vào thời điểm bầu Kiên bị bắt, mọi thông tin đều bị nhiễu loạn thì những tin đồn gây sốc lại đánh trúng vào tâm lý tò mò của rất nhiều người.

Vào một ngày cuối tuần tháng 8/2012, tin đồn ông Quang bị bắt lên tới đỉnh điểm khi lãnh đạo cấp cao của vài ngân hàng lớn cũng cho rằng có thể chủ tịch Masan đã bị bắt nhưng chưa công bố chính thức. Lúc đó, ông Quang đang ở Mỹ đưa con gái đi du học, một người thân đi cùng được gọi điện hỏi về tin đồn chấn động đó đã báo cho chủ tịch Masan.

Ông Quang cho biết: “Thậm chí có người còn bảo là đã nhìn thấy tôi bị bắt tại nhà riêng. Tôi cá là họ còn không biết nhà tôi ở đâu và chưa từng gặp tôi bao giờ”. Cũng vì thế, vị chủ tịch vốn rất ít xuất hiện trước công chúng chọn giải pháp bay về nước và có mặt tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm của Masan Consumer tại TP.HCM để dập tắt tin đồn “đã bị bắt”.

Một người thân của chủ tịch Masan lý giải: “Ở mình, không có nhiều người tin rằng, một công ty trong nước lại đủ khả năng thâu tóm những dự án lớn của tập đoàn sừng sỏ nước ngoài, khiến cho một quỹ đầu tư danh tiếng thế giới mua cổ phiếu với giá rất cao trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng… Những điều khó tin như vậy cần phải có những lý giải đặc biệt mà thông tin tiêu cực sẽ khiến người ta dễ chấp nhận hơn dù là bịa đặt”.

Thành công lớn cùng niềm tin vào “giá trị Việt Nam” (vốn ít người hiểu) và tham vọng muốn thế giới học tập những câu chuyện kinh doanh của công ty Việt có thể còn khiến ông Quang gặp thêm những tin đồn khó hiểu khác. Ông Quang cũng như những cộng sự tràn đầy tinh thần “Vietnam can do” tại Masan sẽ còn phải làm rất nhiều để minh chứng cho niềm tin của mình.

Nguồn CafeBiz