Samsung cần thay đổi văn hóa để tồn tại

Samsung là một công ty căm ghét sự thất bại. Điều này dường như là hiển nhiên bởi có ai là người thích thất bại. Thế nhưng, hầu hết các công ty không cư xử theo cách Samsung đã làm khi bị thất bại.

Ví dụ điển hình nhất? Đó là câu chuyện nổi tiếng năm 1995 khi chủ tịch công ty châm lửa đốt cháy hơn 150.000 chiếc điện thoại bị lỗi khiến những thiết bị này trở thành một đống lửa khổng lồ ngay trước nhà máy của Samsung tại Gumi, Hàn Quốc và trước sự chứng kiến của hàng ngàn nhân viên.

Biểu tượng đó còn hàm chứa một ý nghĩa cảnh báo: Đừng để chuyện này lặp lại!

Hai thập kỷ sau, trước sự cố của chiếc Galaxy Note 7, các nhân viên Samsung lại sắp sửa được nhìn thấy ngọn lửa khổng lồ ấy thêm một lần nữa. Song những người trong cuộc thì cho rằng lần này Samsung sẽ đốt cháy nhiều thứ khác chứ không chỉ các thiết bị hỏng hóc. Gần như chắc chắn cuốn sách viết về Samsung và con đường trở thành một nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng khổng lồ sẽ có sự thay đổi đáng kể.

Ngoài ra, Samsung còn đang chuẩn bị cho một cuộc tái cơ cấu cấp lãnh đạo thường niên, sắp diễn ra trong một vài tuần nữa, thế nên chắc chắn nhiều người sau lần này sẽ mất ghế, đặc biệt là những vị lãnh đạo cấp cao. Đây không phải là một sự cố thông thường mà đây là sự cố có thể khiến Samsung mất hàng tỷ USD vốn thị trường và tạo cơ hội cho Apple cũng như Google chiếm lấy những khách hàng vốn đang bắt đầu chán thương hiệu Hàn Quốc này.

"Đóng cửa bảo nhau"

Trong nội bộ, Samsung đang dùng chiến thuật “đóng cửa bảo nhau”. Các nhân viên của hãng bị cấm không được nói về tiến trình điều tra các vấn đề liên quan đến sự cố Note 7

Trong nội bộ, Samsung đang dùng chiến thuật “đóng cửa bảo nhau”. Các nhân viên của hãng bị cấm không được nói về tiến trình điều tra các vấn đề liên quan đến sự cố Note 7. Giả thuyết đặt ra là Samsung đang cố gắng bưng bít thông tin cho đến cuộc tái cơ cấu thường niên diễn ra. Và sau đó mới bắt đầu chữa lành vết thương.

Nói tóm lại: sau nhiều báo cáo về những chiếc Note 7 bị nóng, phát nổ khiến nhiều người bị thương và khiến cả một chuyến bay của hãng hàng không Southwest Airline phải sơ tán, Samsung cuối cùng đã quyết định sẽ triệu hồi toàn bộ thiết bị, ngừng sản xuất Note 7 vĩnh viễn. Một sản phẩm nữa của Samsung gần đây cũng bị triệu hồi chính là máy giặt và thật không may, sự cố này xảy ra chỉ ít thời gian sau vụ của Note 7 khiến danh tiếng của Samsung đã điêu đứng nay lại càng thảm thương hơn.

Trong nội bộ, Samsung đang dùng chiến thuật “đóng cửa bảo nhau”. Các nhân viên của hãng bị cấm không được nói về tiến trình điều tra các vấn đề liên quan đến sự cố Note 7.

Một nguồn tin thân cận với Samsung chia sẻ với phóng viên trang Business Insider rằng mảng điện tử của công ty đang đánh giá lại tất cả mọi thứ, từ marketing cho tới thiết kế đến kỹ thuật để đảm bảo rằng những chuyện tương tự như vậy không xảy ra thêm một lần nào nữa. Điều này có nghĩa rằng không chỉ đội ngũ lãnh đạo mà cả văn hóa của công ty cũng thay đổi. Thay vì cố gắng đùn đẩy và lảng tránh, Samsung chấp nhận im lặng tìm cách sửa sai.

Samsung xây dựng thương hiệu của mình với tư cách là công ty đầu tiên đem đến thị trường những công nghệ mới nhất và thú vị nhất, từ những chiếc TV cho tới smartphone. Công ty đã cho ra đời 6 chiếc smartwatch trước khi Apple giới thiệu Apple Watch và Samsung luôn luôn là nhà sản xuất đem đến những sản phẩm TV mới lạ, chẳng hạn như TV màn hình cong OLED.

Nhưng chiến lược đó bây giờ lại trở thành gánh nặng.

Theo bài viết trên trang Bloomberg, Samsung đã quá vội vàng tung ra Note 7 để cố gắng đánh bại iPhone 7 và đó có thể là nguyên nhân khiến sản phẩm này bị lỗi. Thông thường, đáng lẽ Samsung sẽ xử lý mau lẹ vấn đề của Note 7 và giờ đã có thể tiếp tục guồng công việc như bình thường, nguồn tin này cho biết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, công ty đã chậm lại và đang đánh giá mọi thứ trong cả chu kỳ phát triển sản phẩm. Sự cẩn trọng và từ tốn trong quá trình điều tra này chứng tỏ rằng Samsung đang có sự thay đổi không nhỏ về văn hóa.

“Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ không tồn tại”

Dường như Samsung đã ý thức được rằng hãng có thể có kết cục tương tự những công ty hàng đầu khác như BlackBerry, Nokia nếu không thay đổi mạnh mẽ. Nguồn tin của trang Business Insider tỏ ra hết sức lạc quan rằng khủng hoảng của Note 7 chỉ là chất xúc tác mà công ty cần để thay đổi cung cách hoạt động.

Hình ảnh chiếc Galaxy Note 7 phát nổ.

Một nguồn tin khác thân cận với Samsung chia sẻ với Business Insider rằng: “Nếu chúng tôi không thay đổi, chúng tôi sẽ không tồn tại”.

Một phần trong sự thay đổi này chính là đảm bảo rằng sản phẩm của mình hoàn thiện trước khi đem ra công chúng. Tiến nhanh là một điều tốt, đặc biệt là trong thế giới công nghệ, song điều đó không thể bị trả giá bằng sự an toàn của sản phẩm. Samsung đã học được một bài học đắt giá và sẵn sàng để thay đổi.

Sự thay đổi sẽ chẳng dễ dàng. Văn hóa “khẩn trương” đã “ăn vào máu” công ty và tỏa lan ra khắp mọi ngóc ngách của doanh nghiệp, kể cả những bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất bán dẫn hay pin.

Điều này lại càng trở nên cực kỳ quan trọng trong năm 2017. Trước khi Note 7 gặp sự cố, Samsung đang chuẩn bị cho một siêu phẩm lớn dự kiến ra mắt đầu năm tới. Thế nhưng không may, kế hoạch đã bị ảnh hưởng bởi vụ Note 7 và Samsung sẽ phải cân nhắc thật kỹ trước khi giới thiệu siêu phẩm mới này. Theo tin đồn, thiết bị này được cho là sở hữu sự thay đổi lớn về thiết kế và chúng ta đều kỳ vọng về một sẩn phẩm thực sự ấn tượng.

Tuy nhiên, nếu muốn “con cưng” tiếp theo của mình thành công, xóa đi “vết nhơ” của người anh đi trước, Samsung phải nhớ kỹ bài học “giục tốc bất đạt” và “an toàn là trên hết”.

LK / BI
Nguồn ICT News