Sức mua tại chợ truyền thống ở TPHCM giảm mạnh

Còn 2 tháng nữa là bước vào mùa kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán. Nhưng tại khu vực các chợ truyền thống, tiểu thương vẫn chưa có kế hoạch chuẩn bị bán hàng tết. Nguyên nhân chính là sức mua tại các chợ đang sụt giảm mạnh.

Mãi lực giảm ở nhiều ngành hàng

Chúng tôi có mặt tại chợ Bến Thành lúc 10h45 ngày 2/11. Thông thường, đây là một trong những thời điểm kinh doanh tốt nhất năm vì lượng khách du lịch, khách Việt kiều, khách vãng lai đến mua sắm rất đông. Nhưng năm nay, tình hình khác hẳn.

Nhìn từ đầu chợ đến cuối chợ, chỉ toàn thấy người bán hàng và bảo vệ. Chị Ngọc, chủ gian hàng mỹ phẩm số 901, cho biết từ đầu năm đến nay, gian hàng của chị Ngọc có đến vài ngày không có người mua mở hàng, trong khi những năm trước ngày nào cũng có người mua, không ít thì nhiều. Đây là điểm rất khác biệt khiến chị Ngọc lo lắng.

Tại một gian hàng chuyên bán các loại trang sức từ đá, gỗ, chị Hồng cũng cho hay, vào buổi sáng mà tìm được người mở hàng là xem như hên cả ngày. Do vậy, người khách đầu tiên có trả giá thấp cỡ nào, thậm chí là dưới giá thành cũng phải bán cho bằng được.

Hiện nay, sức mua tại chợ không sôi động như mong đợi. Ảnh: Thành Trí.

Anh Lê Hoàng Anh, nhân viên bán hàng thủ công mỹ nghệ của Tổng Công ty Bến Thành, băn khoăn không biết khách du lịch, Việt kiều năm nay đi đâu hết mà không thấy đến chợ Bến Thành. So với năm ngoái, doanh thu tại gian hàng của anh Hoàng Anh đã giảm hơn 30%. T

Theo tính toán của chị Liễu, chủ sạp hàng số 950, chuyên bán hàng thủ công mỹ nghệ, hiện doanh thu từ bán hàng chỉ đủ trả lương cho chính chị và người phụ bán chứ không có lời. Cũng theo chị Liễu, gian hàng này được thừa hưởng từ gia đình để lại, nếu đi thuê, chắc chắn bị lỗ.

Trên thực tế, với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, trước đây, việc kinh doanh tại chợ không đơn thuần là bán hàng trực tiếp, mà còn là nơi giao dịch để bán hàng sỉ đến nhiều bạn hàng tại Nhật Bản, Đài Loan… Nay khách mua trực tiếp giảm mạnh, các đơn hàng gửi đi cũng không còn nên “khó chồng khó”!

Tại các chợ loại 1 khác của TPHCM như An Đông, Bình Tây, Tân Định…, nhiều tiểu thương than trời khi sức mua liên tục rơi vào tình trạng năm sau sụt giảm mạnh so với năm trước.

Chị T.P.D., người từng sở hữu 4 sạp hàng quần áo tại chợ An Đông, cho biết chị đã bán tất cả các sạp, cộng với kho để gom tiền chuyển hướng làm ăn, do không thể nuôi nổi chi phí ngồi chợ vì sức mua quá yếu.

Ở khu vực các chợ loại 2, tình trạng tiểu thương ngưng kinh doanh cũng diễn ra khá phổ biến. Nhận định về “số phận” của các chợ trên địa bàn TPHCM, một chuyên gia thị trường cho rằng, tiểu thương tại đây càng ngày càng nghèo đi, do không thể cạnh tranh được với các loại hình kinh doanh hiện đại khác.

Ảnh minh họa: Internet.

Không có nhu cầu dự trữ hàng tết

Là người theo dõi xuyên suốt hoạt động của các chợ trong nhiều năm qua, chúng tôi cảm nhận rất rõ, sức cạnh tranh của chợ truyền thống gần như không còn. Biểu hiện rõ nhất, trước đây, bước vào quý 4 hàng năm, tại nhiều chợ không khí mua bán rất tấp nập, người mua kẻ bán phải “chen vai, huých cánh”.

Đặc biệt ở những chợ trung tâm như Bình Tây, An Đông, Tân Bình, người người ken dày, tất bật với xe đẩy, khuân vác hàng hóa, chỉ cần đến chợ là biết mùa kinh doanh cao điểm tết đang đến rất gần.

Nay, khi đến chợ hỏi tiểu thương đã chuẩn bị hàng tết hay chưa, thì câu trả lời chung chúng tôi nhận được là “bán tới đâu, hay tới đó”. Tâm lý “bán hàng cả năm không bằng kinh doanh vào mùa tết” không còn đúng với thực tế.

Chị Muối, bán hàng cho một sạp vải chợ An Đông, nói rằng chủ của chị đã ngưng nhập vải từ gần 1 tháng nay và hiện chỉ bán cho hết hàng tồn để thu hồi vốn. Tương tự, chủ một sạp hàng chuyên bán áo dài tại chợ Bến Thành cũng giới thiệu với chúng tôi một vài mẫu có thể hợp với mùa tết, còn đầu tư cho các mẫu mới thì không.

Riêng tại ngành hàng bánh mứt kẹo, nhiều tiểu thương cho biết, nguyên liệu đầu vào từ đầu năm đến nay vẫn khá ổn định nên sẽ không gặp khó khăn trong sản xuất. Vấn đề chính vẫn phụ thuộc vào sức mua.

Đại diện gian hàng bánh mứt Thành Lợi cho hay, do lượng Việt kiều, du khách đến chợ giảm sút nên lượng hàng bánh mứt bán ra rất chậm.

Để nỗ lực làm tăng sức mua, tại nhiều chợ, ban quản lý và tiểu thương đã tiến hành nhiều cuộc họp để thống nhất các cam kết, hướng đến mô hình chợ hiện đại, văn minh. Tình trạng nói thách giá đã giảm đáng kể, thay vào đó, họ đã nỗ lực để chăm sóc khách hàng nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Internet.

Chẳng hạn, khi khách hàng mua vải, tiểu thương phải nói rõ xuất xứ của mảnh vải đó, đồng thời tư vấn về kiểu dáng, màu sắc để khách lựa chọn vải có chất liệu phù hợp. Một số tiểu thương cũng không ngại giới thiệu hoặc dẫn khách hàng đến may đồ tại các nhà may uy tín, giá cả hợp lý.

Trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng tươi sống, nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành đã giúp khách hàng lặt rau hoặc tư vấn cách chế biến các món ăn như một đầu bếp thực thụ…

Theo quy hoạch phát triển chợ, siêu thị, TPHCM sẽ không xây dựng thêm các chợ mới mà tập trung vào việc hỗ trợ chợ phát triển như đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tập huấn cho ban quản lý và tiểu thương nâng cao kỹ năng quản lý và nghiệp vụ bán hàng.

Mặt khác, Sở Công thương TPHCM đang triển khai Dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm. Mục đích của dự án nhằm góp phần đảm bảo ATVSTP, nâng cao nhận thức của tiểu thương, người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm là một dự án khó, vì liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó khó nhất là việc thay đổi thói quen mua bán của tiểu thương.

Nhưng nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và tiểu thương, dự án có thể thành công. Đây là cách duy nhất để giúp chợ tồn tại và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế. Bằng không, khu vực chợ truyền thống sẽ ngày càng mất đi sức sống của chính mình.

Hải Hà
Nguồn Sài Gòn Giải Phóng