Cục diện mới của thị trường dầu ăn

Các doanh nghiệp nội đang làm chủ cuộc chơi trên thị trường dầu ăn, nhưng vị thế này không chắc đã duy trì được, một khi các rào chắn thuế quan đang dần được dỡ bỏ.

Theo Bộ Công Thương, mức tiêu thụ dầu ăn của người Việt bình quân hiện vào khoảng gần 10 kg/năm, thấp hơn chuẩn WHO khuyến cáo (13,5 kg/năm). Tuy nhiên, lượng tiêu thụ dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 16,2 – 17,4 kg/người mỗi năm và đến năm 2025 sẽ là 18,5 – 19,9 kg/người một năm. Theo Nielsen Việt Nam, quy mô thị trường dầu ăn ước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng rất tốt hàng năm, hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ.

Bị “mẹ” chèn ép

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, vừa được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC). Đây là bước dọn đường đầu tiên cho Kido thâu tóm Tường An, vì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho Kido chào mua công khai khoảng 65% cổ phần của Tường An, tương ứng hơn 12,33 triệu cổ phiếu. Với giá chào mua 78.000 đồng/cổ phần, Kido sẽ bỏ ra khoảng 963 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này.

Tiền đối với Kido là không thiếu, vấn đề là thời điểm tuyên bố Tường An trở thành “công ty con”.

Tiền đối với Kido là không thiếu, vấn đề là thời điểm tuyên bố Tường An trở thành “công ty con”. Thực tế, hiện Kido đã gần như có trong tay 24% vốn điều lệ của Tường An, vì trước đó, vào cuối tháng 7, Vocarimex đã giảm tỷ lệ sở hữu Tường An từ 51% xuống còn 27%. Bên mua số cổ phần này là Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long (VDFM). Người đứng đầu VDFM hiện đang là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nơi Kido đang nắm quyền chi phối.

Mặc dù chuyển Tường An từ công ty con sang công ty liên kết, nhưng tiếng nói của Vocarimex vẫn đầy trọng lượng đến thời điểm hiện nay, vì ngoài VDFM thì chưa có thêm cổ đông lớn nào xuất hiện.

Theo Euromonitor, trên thị trường dầu ăn, Tường An đứng thứ hai, chiếm 20% thị phần, đang bị Công ty dầu thực vật Cái Lân, vốn đang chiếm hơn 40% thị phần bỏ xa. Trong khi đó, trước năm 2008, thị phần của Cái Lân và Tường An tương đương nhau, gần 35%. Sự thua sút của Tường An so với Cái Lân được coi là một phần do chính sách “cương tỏa” của Vocarimex.

Vào năm 2007, Tường An đã có một khoản lãi ròng lớn nhất từ trước cho đến nay, lên đến 126 tỷ đồng. Nguyên nhân, trước thời điểm đó, Tường An được chủ động mua nguyên liệu sản xuất. Nhờ tồn kho khối lượng lớn mua lúc giá rẻ, trong khi thị trường nguyên liệu dầu cọ, dầu nành đột ngột tăng rất cao, Tường An chỉ việc bán bớt nguyên liệu đi cũng đã thu được lợi nhuận đột biến.

Nhưng sang đến năm 2009, Vocarimex buộc Tường An phải mua nguyên liệu từ mình. Song, nguyên liệu của Vocarimex cũng nhập từ các nhà cung ứng (vốn có quan hệ mật thiết với Tường An), rồi sau đó bán lại cho Tường An với giá cao hơn vài phần trăm. Thay vì Tường An được lựa chọn các khoảng giá thích hợp để tiết kiệm chi phí thì giờ đây bị phụ thuộc vào cả số lượng lẫn mức giá do Vocarimex đưa ra. Nói cách khác, Vocarimex đang “ăn lời” trên chính công ty con của mình.

Các cổ đông nhỏ qua nhiều kỳ đại hội cổ đông đã phản ứng gay gắt câu chuyện này, vì biên lợi nhuận của dầu ăn vốn rất mỏng, thị trường cạnh tranh gay gắt, giờ đây phải gánh thêm khoản chi phí đến từ việc mua nguyên liệu một cách phi lý khiến tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ngày càng giảm dần. Tuy nhiên, tiếng nói của họ không đủ để thay đổi tình hình, ngược lại, Vocarimex đã dùng quyền lực tối thượng để loại bỏ hàng loạt vấn đề trọng yếu trong kinh doanh của Tường An, khi không thấy có lợi cho mình.

Chưa kể, do đồng thời sở hữu nhiều công ty dầu ăn khác, Vocarimex rất lúng túng trong chiến lược kinh doanh. Sản phẩm của các công ty con và cả sản phẩm do chính Vocarimex tự sản xuất cùng cạnh tranh thị phần lẫn nhau, dẫn đến tự triệt tiêu lợi thế, giảm lợi nhuận…

Một khi đã “xuất giá”

Tuy nhiên, khi Tường An về tay Kido sẽ rất khác. Đầu tiên là các bất lợi cho quá trình kinh doanh khi Vocarimex chiếm thế thượng phong sẽ tự động biến mất. Thứ hai, Tường An chắc chắn hưởng lợi rất nhiều khi có sự tham gia của Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido vào ban điều hành và đặc biệt, có nguồn lực tài chính dồi dào cho các kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Quỹ Forum One thuộc VinaCapital – một quỹ nhiều năm liền đã đầu tư vào Kido – đánh giá, kinh nghiệm và năng lực kinh doanh của ban điều hành Kido đã được chứng minh trên thương trường, chắc chắn sẽ được chuyển hóa vào Tường An. Kido hiện đang sở hữu hệ thống phân phối lớn với các sản phẩm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh và sản phẩm Tường An sẽ nhanh chóng tham gia vào hệ thống.

Tất nhiên, ông Trần Lệ Nguyên cũng đã nhận thấy những những điểm còn bất ổn trong kinh doanh của Tường An. Đó là doanh thu lớn nhưng biên lợi nhuận lại rất thấp, hệ thống phân phối chưa vươn đến thị trường miền Bắc, phân khúc sản phẩm dầu ăn cao cấp cũng chưa khai thác tốt.

“Chúng tôi sẽ tái cấu trúc công ty một cách triệt để và Kido sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng vào Tường An như là một lời cam kết gắn bó với công ty. Đồng thời, Tường An sẽ được thúc đẩy mở rộng hệ thống phân phối, đa dạng hóa sản phẩm. Bằng các động thái này, chúng tôi tin rằng, lãi ròng của Tường An trong thời gian đến sẽ tăng 50% so với hiện nay”, ông Nguyên cho biết.

Cách tiếp cận Tường An của Kido sẽ giúp doanh nghiệp này tăng tốc phát triển mảng dầu ăn khi thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng bánh kẹo chuyển sang ngành hàng thực phẩm, gia vị. Thực tế, Kido đã tự mình phát triển sản phẩm dầu ăn riêng nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng, vì thương hiệu khá mới và phải chen chân giữa các ông lớn đã hiện diện từ lâu trên thị trường. Nhưng nếu phát triển mảng dầu ăn dưới thương hiệu Tường An sẽ là câu chuyện khác theo hướng hai bên cùng có lợi.

Tăng nhiệt đầu tư

Thị trường dầu ăn vẫn còn khá nhiều dư địa cho những người chơi, cả mới lẫn cũ. Theo Bộ Công Thương, hiện nay tổng sản lượng sản xuất vẫn thấp hơn tổng sản lượng tiêu thụ, vì tiêu thụ dầu ăn trên đầu người của Việt Nam vẫn chưa đầy 10 kg/năm, tương đương với mức tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc năm 1995 và thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị của WHO là khoảng 13,5kg/người mỗi năm. Mặc khác, xu hướng của người tiêu dùng đang dần chuyển từ dầu gốc động vật sang các sản phẩm dầu ăn có lợi cho sức khỏe.

Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng tốc đầu tư của các doanh nghiệp ngoại. Tập đoàn Musim Mas (Singapore), một trong những nhà sản xuất dầu thực vật lớn thế giới, đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 71,5 triệu USD có công suất thiết kế tối đa là 1.500 tấn/ngày. Thông qua công ty phân phối của mình là Công ty TNHH ICOF Vietnam, Musim Mas đã đem đến cho thị trường Việt Nam những sản phẩm dầu ăn cao cấp. Đại diện Singapore đặt niềm tin rất lớn vào sự phát triển thương hiệu của mình tại Việt Nam, vì thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe, cùng với bệ đỡ thu nhập gia tăng.

Một công ty dầu thực vật lớn khác của Singapore, Tập đoàn Wilmar, đã đạt được thỏa thuận mua 45% cổ phần của công ty Bunge hiện đang có một nhà máy ép dầu đang hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 2011, có công suất hơn 3.000 tấn/ngày. Thương vụ này cho thấy khả năng Wilmar sẽ cho ra một sản phẩm dầu ăn khác biệt hoàn toàn với Công ty dầu thực vật Cái Lân, nơi Wilmar đang hợp tác với Vocarimex sản xuất các thương hiệu dầu ăn Neptune, Simply, Meizan. Như vậy, thị trường dầu ăn tại Việt Nam tới đây sẽ chứng kiến sự biến động rất lớn và những cái tên mới sẽ trỗi dậy.

Các công ty nội cũng không hề kém cạnh, khi nhiều doanh nghiệp ngoài ngành tham gia vào thị trường dầu ăn. Chẳng hạn, Tập đoàn Sao Mai An Giang, chuyên về đầu tư bất động sản, đã bỏ ra 500 tỷ đồng để đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn chế biến từ mỡ cá tra, với thương hiệu dầu cá cao cấp Ranee. Công ty cổ phần Quang Minh, một doanh nghiệp đa ngành cũng gia nhập thị trường dầu ăn với nhãn hiệu Mr Bean, Oilla, Soon Soon. Hay Tập đoàn Daso, chuyên về logistics, cũng tung ra hai sản phẩm dầu ăn với các thương hiệu Ogold và Bình An.

Sức ép từ khâu tiếp thị

Hấp dẫn là vậy nhưng kiếm tiền từ dầu ăn đã không còn dễ dàng vì quá nhiều sức ép. Công ty Acecook Việt Nam đã dừng cuộc chơi ở mảng dầu ăn với thương hiệu Đệ Nhất. Nguyên nhân là do cạnh tranh ngày càng gay gắt, thị trường quá nhiều chủng loại sản phẩm, với tính năng, kiểu dáng không mấy khác biệt, khiến doanh nghiệp phải bỏ ra quá nhiều chi phí tiếp thị, bán hàng để giành lấy thị phần, trong khi biên lợi nhuận rất mỏng, cho nên mức độ rủi ro rất cao.

Theo Bộ Công Thương, hiện trên thị trường có gần 40 doanh nghiệp tham gia sản xuất dầu ăn. Sản phẩm dầu ăn có khả năng thay thế, độ co giãn của cầu cao nên chỉ cần một biến động giá là đủ dẫn đến sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Mặt khác, do công nghệ sản xuất dầu ăn không quá phức tạp, chủ yếu là phối trộn các loại nguyên liệu rồi đóng chai đem bán, do đó, các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh cho quảng cáo mới bán được hàng.

Trong cuộc chơi tiếp thị, khó doanh nghiệp Việt Nam nào có thể theo được các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn lực mạnh. Theo ông Dương Hoàng Minh, Tổng giám đốc Công ty dầu ăn thực vật Tân Bình, công ty chủ yếu ưu tiên tập trung vào quảng cáo biển hiệu, còn loại hình như truyền hình, báo in là không thể, vì chi phí đắt đỏ.

Ở chiều ngược lại, Công ty Cái Lân, do Wilmar chiếm 68% vốn điều lệ nên rất năng động trong việc tiếp thị giành giật thị phần từ các đối thủ cạnh tranh. Đơn cử, tần suất quảng cáo cao của nhãn hiệu dầu ăn Neptune vào những dịp lễ tết, với nội dung sinh động đã ghi dấu ấn vào tâm trí người tiêu dùng, từ đó quyết định hành vi mua sắm của họ. Đây cũng là một trong các yếu tố giúp Cái Lân nắm giữ ngôi vị hàng đầu trên thị trường dầu ăn.

Có thể thấy, về lâu dài, những doanh nghiệp không đủ mạnh về tài chính, yếu về khâu phân phối, không có chiến lược sản phẩm và tiếp thị tốt sẽ khó tồn tại.

Sự lo lắng của doanh nghiệp Việt chưa dừng tại đây khi các biện pháp tự vệ tạm thời, với rào chắn thuế quan đang chuẩn bị hết hiệu lực vào năm 2017. Bộ Công Thương đã rất nỗ lực giúp các doanh nghiệp Việt tạm thời né tránh việc phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp ngoại để có thêm thời gian tích lũy nguồn lực và lớn mạnh trong suốt 4 năm qua.

…và tính chủ động trong sản xuất

Tính chất mong manh của doanh nghiệp dầu ăn Việt bộc lộ ngay từ năm 2012, thời điểm thuế suất về 0% theo Hiệp định AFTA. Nguyên nhân là do sản xuất dầu ăn phụ thuộc nhiều từ nguyên liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt chỉ mua các nguyên liệu dầu nành và dầu cọ về tinh luyện, sau đó phối trộn thêm các phụ liệu khác là ra thành phẩm dầu ăn.

Khi rào chắn thuế mất đi, hàng ngoại tràn vào với chất lượng tốt và giá cả rẻ hơn đã nhanh chóng chiếm thị phần của sản phẩm nội địa. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp nội nhỏ khác cũng chỉ cần nhập dầu tinh luyện về đóng gói thành hàng dầu xá…

Bị ảnh hưởng nhiều nhất là Vocarimex và các công ty con và công ty liên kết của công ty này. Vocarimex nhập nguyên liệu thô về tinh luyện, và chênh lệch thuế suất giữa nguyên liệu thô và tinh luyện là 2%. Khoảng cách này giờ đây đã bị xóa.

Các doanh nghiệp nội địa đang tìm cách chạy đua với thời gian để chiếm lĩnh thế thượng phong trước khi biện pháp tự vệ chấm dứt.

Chính vì thế, Tập đoàn Bunge của Mỹ vừa đưa vào vận hành nhà máy sản xuất dầu nành vào cuối năm 2011, đối diện với việc thuế suất về 0%, đã nhanh chóng gặp ảnh hưởng lớn, vì sau ba năm xây dựng với vốn đầu tư lên đến 130 triệu USD, Bunge hoàn toàn chưa thu được đồng lãi nào và chưa kịp khấu hao vốn đầu tư. Bunge cũng phải yêu cầu Bộ Công Thương hoãn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% đối với dầu thực vật để tránh phá sản… Sau 4 năm chịu đựng, vào đầu tháng 7/2016, Bunge đã phải bán đi 45% cổ phần cho Tập đoàn Wilmar của Singapore.

Cảm nhận rõ sức ép ngày càng gia tăng, những động thái gần đây cho thấy các doanh nghiệp nội địa đang tìm cách chạy đua với thời gian để chiếm lĩnh thế thượng phong trước khi biện pháp tự vệ chấm dứt. Vocarimex đã tăng tốc mở rộng các vùng nguyên liệu để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu, chuyển hướng sang sản xuất các dầu ăn từ dầu phộng, dầu mè, và cả liên kết với doanh nghiệp cá tra để sản xuất dầu cá để tránh phụ thuộc vào dầu cọ, gia tăng lợi thế cạnh tranh riêng.

Với Kido, mục tiêu rất rõ ràng là chiếm lĩnh mảng dầu ăn, với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Kido đã bắt tay hợp tác với Felda Global Ventures (FGV) và Tập đoàn Indo-Trans Logistics (ITL). FGV là một trong những tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn trên thế giới. ITL sở hữu hệ thống dịch vụ logistic, mạng lưới vận tải rộng khắp. Như vậy, Kido sẽ vừa có nguồn nguyên liệu ổn định, vừa đạt được chi phí vận chuyển hợp lý để cạnh tranh trên thị trường.

Cú thâu tóm của Tường An còn được ông Nguyên lý giải theo góc độ khác rằng, ngành dầu ăn hiện có hơn 450.000 điểm phân phối, nếu đánh chiếm tốt thị phần, sẽ sở hữu hệ thống phân phối không lồ mà các đối thủ nước ngoài sẽ khó cạnh tranh được, và nếu muốn đưa hàng vào Việt Nam buộc phải dựa vào đây. Điều này chắc sẽ không quá tầm tay của Kido, khi mới đây công ty đã công khai chào mua cổ phần Vocarimex để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối là 51%, mà theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, thương vụ này có khả năng hoàn thành vào quý IV năm nay.

Đàm Linh
Nguồn Doanh Nhân Online