Sau nhiều năm tăng trưởng phi mã, Vinasoy bắt đầu hụt hơi?

Tính đến cuối năm 2015, Vinasoy thống trị phân khúc sữa đậu nành bao bì giấy với hơn 84% thị phần.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2016, cả doanh thu và lợi nhuận của Vinasoy đột ngột suy giảm sau 1 thời gian dài liên tục tăng trưởng 2 chữ số.

Năm 2007, CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) chỉ là một doanh nghiệp “thường thường bậc trung” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng với doanh thu thuần đạt hơn 1.200 tỷ và lợi nhuận trước thuế 41 tỷ đồng. Đến năm 2015, QNS đã vươn lên trở thành một trong những công ty lớn nhất trong ngành thực phẩm & đồ uống với doanh thu gần 7.800 tỷ và lãi trước thuế 1.362 tỷ đồng. Lợi nhuận của QNS thậm chí còn lớn cả Habeco, đạt 1.200 tỷ đồng.

Mặc dù giữ tên gọi là công ty đường và mía đường vẫn đóng góp đáng kể vào doanh thu nhưng giờ đây QNS có nguồn thu rất đa dạng từ mía đường, sữa đậu nành, bánh kẹo, nước khoáng, bia… Trong đó, quyết định đầu tư vào lĩnh vực sữa đậu nành là quyết định mang tính đột phá, góp phần đưa QNS trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành hàng tiêu dùng.

Vinasoy là nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của Đường Quảng Ngãi.

QNS đã có lịch sử kinh doanh sữa từ gần 20 năm nay khi thành lập nhà máy sữa Trường Xuân. Ban đầu, nhà máy này kinh doanh các sản phẩm sữa truyền thống. Do phải cạnh tranh với những đối thủ lớn trên thị trường như Vinamilk, Dutch Lady nên việc kinh doanh sữa của QNS không đạt hiệu quả cao và thua lỗ lớn.

Đến tận năm 2005, nhận định thị trường sữa đậu nành là phân khúc đầy tiềm năng trong khi các đối thủ còn “bỏ ngỏ”, QNS đã đổi tên nhà máy sữa Trường Xuân thành nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam – Vinasoy với mục tiêu là chỉ tập trung vào duy nhất sản phẩm sữa đậu nành.

Với hướng đi đúng, Vinasoy đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, vươn lên vị trí số 1 kể từ năm 2010. Kể từ thời điểm này, doanh thu và lợi nhuận của Vinasoy liên tục tăng trưởng phi mã, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của QNS.

Cả doanh thu và lợi nhuận của Vinasoy đều đột ngột chững lại trong nửa đầu năm 2016.

Năm 2010, doanh thu của Vinasoy mới đạt 600 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã tăng gấp 6 lần lên gần 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 851 tỷ đồng. Báo cáo thường niên năm 2015 của QNS dẫn số liệu từ thống kê của Nielsen vào tháng 12/2015 cho thấy Vinasoy nắm giữ 84,2% thị phần sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, Vinasoy bất ngờ có dấu hiệu chững lại. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm nay đạt 1.761 tỷ đồng – giảm nhẹ so với mức 1.787 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận qua đó giảm 11% xuống 359 tỷ đồng.

Mức giảm trên diễn ra khá đột ngột khi mà năm 2015, Vinasoy vẫn tăng trưởng 24% về sản lượng tiêu thụ và 20% về doanh thu.

Kiến Khang / Trí thức trẻ
Nguồn CafeF