Gucci hồi sinh thế nào dưới trướng Alessandro Michele

Bằng cách pha trộn thập niên 1970 với lưỡng tính và phong cách "mọt sách", nhà mốt Italy đang từng bước vực dậy từ bờ vực phá sản.

Làng mốt thế giới từng sốc trước thông tin Gucci sa thải giám đốc Frida Giannini lẫn CEO Patrizio di Marco cuối năm 2014. Cả hai bị sa thải bởi sự thất bại về doanh thu bán hàng trong vài năm, ảnh hưởng đến 50% lợi nhuận của tập đoàn Kering - chủ sở hữu thương hiệu. Các chuyên gia phân tích nhận định dưới thời của Frida Giannini, Gucci phạm sai lầm lớn khi quá tự tin, xem thường Saint Laurent, Balenciaga hay Bottega Veneta - những nhà mốt cùng tập đoàn.

Alessandro Michele

Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele.

Nhưng chiếc ghế trống của Frida Giannini nhanh chóng được lấp đầy khi Gucci đưa nhà thiết kế phụ kiện của hãng Alessandro Michele lên thay thế vào tháng 1/2015. Bằng hai bộ sưu tập mới, Michele đã đưa thương hiệu gần 100 năm tuổi của Italy vực dậy đáng kinh ngạc từ bờ vực phá sản.

Theo báo cáo của hãng, trong vòng chưa đầy một năm, doanh số bán hàng tại các cửa hàng ở Tây Âu và ở Nhật Bản gia tăng đột biến. Tại Tây Âu, con số tăng trưởng này là 19,8% nhờ vào sự cải tổ sáng tạo, đặc biệt chú trọng vào bộ sưu tập ready to wear (ứng dụng) dành cho phái đẹp. Nhờ đó, thương hiệu mở rộng thêm đối tượng khách hàng tiềm năng ở độ tuổi trẻ hơn. Còn ở Nhật Bản, doanh thu tại các cửa hàng tăng 2,8% trên mức so sánh cơ bản, trong tình hình khách du lịch đến Nhật giảm mạnh trong quý 2. Trang bán hàng online Matchesfashion cũng tăng gấp đôi lượng tiêu thụ sản phẩm Gucci kể từ khi Michele ra mắt các thiết kế.

Hiện tượng Gucci bùng nổ, Alessandro Michele là người được nhắc tới nhiều nhất. Câu hỏi được đặt ra là Michele - người đàn ông đeo trên tay 11 chiếc nhẫn với mái tóc rối lập dị - đã làm thế nào để hồi sinh Gucci.

Sàn diễn bộ sưu tập Thu Đông 2015 dành cho nam là nơi lần đầu tiên Alessandro Michele được biết tới dưới cương vị nhà thiết kế thời trang cho Gucci.

Thời trang bẻ cong giới tính pha trộn phong cách geek chic (mọt sách) là yếu tố đầu tiên giúp Michele trở nên thành công.

Việc đi theo phong cách lưỡng tính của Michele trở nên đúng đắn và sáng suốt, khi trào lưu này đang là mốt thịnh hành của vài năm gần đây và dự báo tiếp tục đẩy mạnh trong các năm tới.

Khi thời trang đang bị đi vào những lối mòn ý tưởng, người hâm mộ đang dần bội thực với các sáng tạo quay vòng, Michele cho thấy sự lập dị đến cực điểm cũng có thể hấp dẫn. Đó là bằng cách khoác lên các người mẫu nam những mẫu trang phục độc đáo, dễ gây tò mò: những chiếc áo ren, những bộ suit hoa hòe hoa sói, những chiếc váy ngắn và cả những chiếc áo sơ mi cổ thắt nơ điệu đà.

Michele cho rằng việc nam giới ăn mặc khác biệt là ý tưởng đã có từ thời vua Louis XIV. Khi ấy, nơ, tóc giả, giày cao gót là những thứ phổ biến trong tủ đồ của các quý ông. "Ngày nay nam giới không còn ăn mặc cầu kỳ nữa nhưng rõ ràng họ đã đeo nơ trước cả phụ nữ", anh nói.

Còn đối với thương hiệu Gucci, Michele tự nhận mình chỉ đơn giản tạo ra hình ảnh người phụ nữ gợi cảm theo kiểu geek chic (mọt sách). Các cô gái Gucci là những trí thức có gu, người thể hiện chính mình một cách tự do nhất bất chấp mọi lề thói. Giám đốc sáng tạo bày tỏ trên Vogue: "Vẻ ngoài của nhiều phụ nữ bị gò vào cách nhìn nhận của đàn ông và vẻ ngoài đó phải được số đông chấp nhận. Tôi thấy suy nghĩ ấy thật kinh khủng".

Bộ sưu tập Xuân Hè 2017 của Gucci vừa ra mắt tại Milan Fashion Week tiếp tục là bữa tiệc của vintage và phong cách mọt sách có phần lập dị.

Michele định nghĩa lại Gucci bằng cảm hứng vintage với phong cách thập niên 1970 một cách khác biệt.

Từng chỉ có năm ngày để chạy đua chuẩn bị cho bộ sưu tập thời trang nam còn dang dở do người tiền nhiệm để lại, Michele vẫn tự tin: "Nếu ai đó mang đến cho bạn cơ hội thể hiện một cái gì đó thật đẹp một cách thật tự nhiên và chân chính thì đó là điều tốt nhất trên thế giới".

"Tại sao tôi nên thử làm lại cái mà người khác đã làm hoàn hảo?" là câu hỏi Michele luôn đau đáu. Nhà thiết kế đã thành công trong việc tái định nghĩa ngôn ngữ thời trang nhờ biết tạo dựng nên một phong cách đầy cảm hứng thay vì chỉ mô phỏng lại những xu hướng sớm nở tối tàn. Điều này phần nào giải thích lý do dù có nhiều thiết kế được truyền tải bằng ngôn ngữ retro, người ta vẫn đánh giá Gucci của Michele "tươi mới" và "cấp tiến" hơn hẳn.

Không còn những dấu ấn đơn thuần gợi cảm, sự sang trọng vốn có của các thiết kế đến từ Gucci được thêm thắt tính hài hước, phóng khoáng của tầng lớp bình dân, lại tô điểm bằng những cảm hứng vintage cổ điển. Các cô gái Gucci vừa mạnh mẽ, táo bạo với trang phục lưới ren xuyên thấu nhưng được bù đắp vẻ lãng mạn với váy hoa suông, xếp ly, áo sơmi tay xòe hay nơ ruy băng ở cổ áo. Những phụ kiện cổ điển mang tính xu hướng như giày đính lông ở gót, mũ bê-rê cũng góp phần hoàn thiện phong cách.

Sự đa dạng, linh hoạt trong đường nét thiết kế cùng khả năng kết hợp tài tình từ họa tiết đến chi tiết bèo nhún, đính nơ, xếp ly của Michele đã bẻ cong mọi quy chuẩn, nguyên tắc trong thời trang. Nhờ sự kết hợp thông minh giữa kiểu dáng, màu sắc và chất liệu, nhà thiết kế đã mang giai đoạn lịch sử cũ kỹ trở về với hiện đại và không hề lỗi thời.

Nhiều mỹ nhân Hollywood lựa chọn đầm Gucci trên thảm đỏ.

Nhờ triết lý thẩm mỹ táo bạo, mới mẻ, Alessandro Michele trở thành Nhà thiết kế của năm trong lễ trao giải British Fashion Awards 2015, giành giải thưởng International Designer của năm 2016 từ Hiệp hội Các nhà thiết kế Thời trang Mỹ (CFDA) vào tháng 6 vừa qua. Anh nói: "Tôi chẳng cần bất cứ quy tắc nào bởi chúng là dấu hiệu của sự kết thúc mà tôi thì chỉ muốn có những khởi đầu mới".

Còn sớm để đưa ra những kết luận cuối cùng cho tương lai của Gucci khi nhiệm kỳ của Michele chỉ vừa bắt đầu. Áp lực với nhà thiết kế sinh năm 1972 là sẽ phải tiếp tục tạo tăng trưởng cho thương hiệu về doanh thu.

Ý Ly
Nguồn VnExpress