Mua sắm trực tuyến chỉ với một nút bấm

Với IoT (Internet of Things), người mua dễ dàng nhận thông tin giá mà không cần đến cửa hàng, thậm chí mua sản phẩm chỉ với một lần bấm nút.

Thương mại điện tử phát triển qua từng năm và chưa có dấu hiệu chậm lại trên toàn cầu. Tại Mỹ, doanh số bán lẻ trực tuyến vượt 97 tỷ USD trong quý II/2016, đánh dấu mốc tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ (số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố). Đây là mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất kể từ quý III/2014. Thương mại điện tử Mỹ đã chiếm 8,1% tổng thị trường bán lẻ hàng hóa trong quý II/2016, trong khi con số này 2 năm trước chỉ 6,4%.

Dù tăng trưởng nhanh, nhưng theo BI, lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển và IoT (Internet of Things - Interket kết nối vạn vật) được kỳ vọng sẽ mang thương mại điện tử lên một tầm mới. IoT đã len lỏi vào trong các cửa hàng bán lẻ và công nghệ phát triển từng ngày sẽ tiếp tục gây áp lực lên các phương pháp mua hàng truyền thống trong những năm tới.

Lấy ví dụ, các nhà bán lẻ hiện đại đang sử dụng một loại thiết bị có khả năng tự động gửi thông báo và giảm giá trực tiếp tới điện thoại thông minh của khách hàng khi họ bước chân vào cửa hàng. Theo dự báo, số thiết bị được cài đặt sẽ tăng lên 3,5 triệu vào năm 2018, trong khi năm 2015 chỉ có 96.000 máy.

Internet kết nối mọi vật với nhau làm gia tăng hiệu quả của mua sắm, quản lý trực tuyến.

Người dùng sẽ nhận được bảng điện tử từ một số cửa hàng yêu thích của mình. Các bảng này sẽ đẩy quảng cáo và thay đổi giá tại shop theo thời gian thực, tạo mục tiêu mua sắm cho người dùng. Theo MarketsandMarkets, thị trường bảng điện tử toàn cầu sẽ tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2015 lên 23,7 tỷ USD vào năm 2020.

Sản phẩm khác của thời đại IoT cần kể tới là Amazon Dash Button, thiết bị kết nối với Wi-Fi giúp người dùng đặt lại các mặt hàng mà mình yêu thích chỉ với động tác nhấn nút. Không cần đăng nhập vào website, tìm kiếm sản phẩm và mua hàng mỗi khi cần, chỉ cần một lần nhấn nút và mọi quy trình được giải quyết gọn ghẽ.

Thiết bị kết nối Internet khác cũng xuất hiện trong các cửa hàng là "gương thông minh". Thiết bị này giúp khách hàng thử ảo các bộ trang phục khi soi vào, tăng trải nghiệm mua sắm. Gương thông minh còn tiện lợi khi giúp người mua hàng không phải ra vào phòng thử đồ.

Theo MarketsandMarkets, thị trường bảng điện tử toàn cầu sẽ tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2015 lên 23,7 tỷ USD vào năm 2020.

Hay giá thông minh, thiết bị tự kiểm đếm sản phẩm trong cửa hàng và thông báo cho người quản lý khi sắp hết hàng. Điều này giúp phòng tránh những sai lầm trong quá trình kiểm kho do con người, tránh tình trạng thiếu hụt sản phẩm, đặc biệt là những mẫu kinh doanh chủ chốt. Giá hàng này được kết nối với thiết bị di động để tiện quản lý, đồng thời làm tăng hiệu quả vận hành, giảm chi phí cho nhà bán lẻ.

Robot cũng có nhiều tiềm năng trong việc thay đổi ngành công nghiệp bán lẻ. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng 2,8 triệu robot phục vụ cho doanh nghiệp sẽ được bán ra trong khoảng năm từ 2016 đến 2021. Đa phần trong số này là robot phục vụ sản xuất, nhưng số dành để phục vụ trong các cửa hàng cũng không ít.

Hiện nay, một số nhà hàng tại Trung Quốc bắt đầu thay thế bồi bàn bằng các loại robot. Ở Mỹ, hãng Target cũng thử nghiệm robot trong các cửa hàng tại San Francisco từ đầu năm nay.

Hải Khanh
Nguồn VnExpress