Thương mại điện tử nâng bước cho mô hình kinh doanh video đào tạo

Theo giới chuyên gia, kinh doanh video mới được khai thác, chủ yếu là các cơ sở giáo dục nên vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia.

Giáo dục kết hợp với công nghệ sản xuất và đóng gói video thành các bài giảng lý thuyết, thực hành, khóa học dài hạn hoặc ngắn hạn đang là mô hình phát triển nhanh trên thế giới về số lượng người dùng, nhà cung cấp... Khóa học liên tục được mở ra và thị trường tại các quốc gia khác nhau cũng được “khác biệt hóa, địa phương hóa” cho phù hợp với thực tế.

Xu hướng phát triển của giáo dục trực tuyến qua video được thể hiện qua việc các trường đại học lớn trên thế giới và tại Mỹ cũng đầu tư hệ thống đào tạo online. Hệ thống có thể bao gồm các bài giảng video đóng gói, giải pháp video dạng live-stream (phát trực tiếp), bài tập trực tuyến, tương tác hoặc cộng tác trực tuyến, giảng viên online qua hệ thống của nhà trường hoặc dịch vụ của bên thứ ba để làm việc, chia sẻ và đào tạo (miễn phí hoặc trả phí).

Trước bối cảnh này, không ít website thương mại điện tử kinh doanh dịch vụ video khóa học đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, như một xu hướng đầu tư đảm bảo, an toàn và có khả năng sinh lời trong tương lai.

Kinh doanh video đào tạo vẫn là mô hình tiềm năng trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh, chuyên gia về Marketing, video giáo dục trả phí là một trong những mô hình thương mại điện tử có khả năng phát triển trong những năm tiếp theo, thoát ra khỏi các website cung cấp dịch vụ nội dung số trả phí thông thường (như âm nhạc, phim, sách mềm, phần mềm).

"Đây sẽ là xu hướng trong nhiều năm tiếp theo, khi chi tiêu đầu tư cho học tập ngày càng cao. Việc áp dụng công nghệ, giúp học tập ngày càng hiện đại và hợp xu thế. Chính vì vậy, hiện nay trên thị trường điện tử có hàng trăm nghìn website phát triển với các loại bài giảng, khóa học khác nhau. Cùng với đó là kiểu mô hình doanh thu khác nhau", ông nhận xét.

Ưu điểm của loại hình trên là nếu các khóa học trực tuyến được đầu tư chuyên nghiệp về video, học liệu (tài liệu học tập), dịch vụ hỗ trợ sẽ giúp người học quan tâm và hứng thú hơn. Việc học cũng chủ động về thời gian, địa điểm, thiết bị, người học có thể tham gia mọi lúc mọi nơi, cài ứng dụng học tập trên thiết bị cá nhân. Người học có thể sắp xếp lịch, học nhanh/chậm đều rất dễ dàng, có thể xem đi xem lại, dừng lại nếu cần.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhược điểm là khả năng tương tác với giảng viên đôi khi gặp khó khăn do các bài giảng video đóng gói hoặc giảng viên đang giảng bài dạng live-stream thì không có khả năng trả lời đầy đủ các thắc mắc. Đôi khi video có nội dung tẻ nhạt, giảng viên không có khả năng tương tác ảo với người học thì cũng tạo ra các học liệu kém chất lượng, gây ra sự nhàm chán.

Hiện nay trên thị trường điện tử có hàng trăm nghìn website phát triển với các loại bài giảng, khóa học khác nhau.

Tại Việt Nam, thị trường sản phẩm giáo dục trực tuyến cũng phát triển khá mạnh những năm gần đây, sau trào lưu làm thương mại điện tử B2C. Tại các website thương mại điện tử cung cấp các giải pháp giáo dục trực tuyến hiện nay có nhiều khóa học, mức giá khác nhau, tùy thời lượng. Từ giáo dục đại học, cho đến các khóa học ngắn hạn, ngoại ngữ, học nghề đang phát triển tốt, tạo sự thuận lợi cho người học. Đặc biệt, nếu có khả năng ngoại ngữ và kỹ năng tốt, người học có thể bán kỹ năng và kinh nghiệm của mình cho các website trên thế giới dạy cho người nước ngoài.

Ông Nguyễn Phan Anh cho rằng: “Thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là đối với dịch vụ đào tạo trực tuyến". Là một trong số những giảng viên đầu tiên thử nghiệm với video giáo dục trực tuyến và website thương mại điện tử, vị chuyên gia này đánh giá giáo dục trực tuyến có thể cung cấp các giải pháp, sản phẩm, nội dung bù đắp những khoảng trống tại nhà trường với thực tế.

"Từ đánh giá kết quả mà các khóa học này mang lại cho nhiều học viên từng tham gia, tôi cho rằng đào tạo trực tuyến qua video nói chung sẽ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, giảng viên, nhà đào tạo, và có lợi cho cả người học, giúp thúc đẩy kỹ năng, cơ hội nghề nghiệp và nâng cao hơn nữa trình độ của người lao động Việt Nam", ông chia sẻ.

Hải Khanh
Nguồn VnExpress