Ngành bao bì Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp ngoại

Với mức tăng trưởng trên dưới 10% một năm, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam được đánh giá là khá hấp dẫn với các doanh nghiệp ngoại.

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, đã chia sẻ thông tin trên tại buổi họp báo giới thiệu về Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy và thiết bị ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn (VietnamPack & Print 2016) vào chiều ngày 6-9.

Nhận định này của ông Dòng dựa vào những thương vụ mua bán-sáp nhập lớn của ngành trong thời gian qua mà phía nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đã mua số lớn cổ phần hoặc thâu tóm luôn doanh nghiệp bao bì Việt Nam.

Đáng chú ý theo ông Dòng là thương vụ Công ty bao bì nhựa TC - một công ty thành viên của tập đoàn SCG (Thái Lan) - đã mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì Tín Thành (Batico) với số tiền trên 44 triệu đô la Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Dòng (bên trái ngoài cùng) đang chia sẻ thông tin về ngành bao bì tại buổi họp báo. Ảnh: Quốc Hùng.

Theo ông Dòng, các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá ngành bao bì của Việt Nam hiện chưa phát triển, trong khi dự báo cho thấy sản xuất hàng hóa trong nước phục vụ cho thị trường tại chỗ và xuất khẩu sẽ phát triển rất mạnh, dẫn đến nhu cầu bao bì sẽ rất lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài dự báo trong những năm tới tăng trưởng hàng năm của ngành bao bì Việt Nam sẽ không dưới 10%.

"Mức tăng trưởng ngành trên 10%/năm này được xem là mức đáng "thèm khát" của các tập đoàn nước ngoài", ông Dòng chia sẻ và dự báo trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục diễn ra những thương vụ mua bán sáp nhập mà bên bán vẫn sẽ là các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng vì sao các doanh nghiệp bao bì trong nước lại chấp nhận bán công ty hoặc cổ phần của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khi thị trường tiêu thụ được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng phát triển?

Về vấn đề này, ông Dòng cho rằng đó là tâm lý hơi thiếu tự tin của doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay. Một số doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này cho rằng khi hội nhập sức cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn rất nhiều, bởi khi nước ngoài vào họ sẽ đưa công nghệ hiện đại hơn, quản trị tốt hơn, có mối quan hệ tốt hơn với các tập đoàn sản xuất nước ngoài... Do đó, một số doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy đuối sức nên đã quyết định bán.

Mặc dù vậy, vẫn có một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng và phát triển, ông Dòng nói.

Quốc Hùng
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn