Quảng cáo thực phẩm: Luật chưa rõ, doanh nghiệp lo

Vào ngày 1-1-2013, Luật Quảng cáo sẽ có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa biết việc quảng cáo thực phẩm sẽ theo quy định của Luật Quảng cáo hay Luật An toàn thực phẩm.

Các doanh nghiệp đang trông chờ vào nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo.

Vào ngày 1-1-2013, Luật Quảng cáo sẽ có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa biết việc quảng cáo thực phẩm sẽ theo quy định của Luật Quảng cáo hay Luật An toàn thực phẩm.

Luật đòi thẩm định, luật bảo không

Theo Luật An toàn thực phẩm thì “việc quảng cáo thực phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo” nhưng “trước khi đăng ký quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm cần quảng cáo phải gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xác nhận nội dung quảng cáo”. Luật này được Quốc hội khóa XII thông qua vào tháng 6-2010, được áp dụng từ tháng 7-2011.

Cũng theo luật này, có ba bộ là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm. DN thực hiện quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.

Thế nhưng chỉ hai năm sau, vào tháng 6-2012, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Quảng cáo. Theo luật này thì điều kiện quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm chỉ là “có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn”. Luật này sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2013.

Sẽ không đòi thẩm định

Bộ Y tế từng có công văn góp ý cho dự thảo nghị định về quảng cáo. Bộ này cho rằng cần quản lý chặt nội dung quảng cáo những loại hàng hóa, dịch vụ liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Nội dung quảng cáo phải được cơ quan chuyên môn thẩm định và khi quảng cáo phải đúng nội dung đã được thẩm định. Bộ Y tế còn cho rằng “nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo theo hướng cho phép DN chỉ cần thông báo nội dung đến cơ quan quản lý chuyên ngành mà không cần thẩm định nội dung sẽ gây khó khăn lớn cho công tác quản lý, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh, đồng thời trái với các luật chuyên ngành”.

Trong khi đó, Bộ VH-TT&DL, cơ quan trình nghị định hướng dẫn cho Luật Quảng cáo, lại cho rằng “trong quá trình xây dựng Luật Quảng cáo, đề nghị bổ sung thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo vào điều kiện quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ y tế cũng đã được nhiều lần gửi tới Quốc hội. Tuy nhiên, sau khi xem xét và thảo luận, căn cứ thực tiễn về hiệu quả thủ tục đối với công tác quản lý, Quốc hội đã thông qua luật theo quan điểm không quy định thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo. Như vậy, nếu bổ sung thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo vào nghị định là phát sinh thêm điều kiện mới, trái với Luật Quảng cáo”.

DN quảng cáo được… ôm việc

Bà Ninh Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quảng cáo và Tuyên truyền (Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH-TT&DL), khẳng định quy định của Luật Quảng cáo mang tính cắt giảm thủ tục hành chính cho DN.

Lâu nay các DN thuốc, thực phẩm nộp hồ sơ cho Sở Y tế và lấy giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, dùng giấy này đưa cho các đơn vị quảng cáo. Các đơn vị quảng cáo sẽ thực hiện đúng nội dung đã được ghi nhận trong “giấy tiếp nhận”. Nếu không còn giấy tiếp nhận này nữa thì các đơn vị quảng cáo sẽ căn cứ vào đâu để quảng cáo cho DN?

Bà Hương cho rằng các đơn vị thực hiện quảng cáo phải tự thẩm định nội dung quảng cáo mà DN đưa cho mình, đối chiếu với các giấy tờ đưa kèm xem có phù hợp hay không, như giấy phép lưu hành thuốc, phiếu công bố mỹ phẩm, tài liệu chứng minh hiệu quả của mỹ phẩm, giấy tiếp nhận công bố hợp quy của thực phẩm…

Liệu các đơn vị quảng cáo có “đọc” nổi hàng mớ tài liệu, giấy tờ để thẩm định nội dung quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo cho DN hay không? Bà Hương cho biết Cục sẽ có những buổi tập huấn riêng về nghiệp vụ cho các đơn vị làm quảng cáo như báo chí, truyền hình, công ty quảng cáo để các đơn vị này biết cách thẩm định.

Muốn “nhất” thì phải chứng minh

Theo Luật Quảng cáo, DN muốn quảng cáo với chữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự thì phải có tài liệu chứng minh.

Dự thảo thông tư hướng dẫn về quảng cáo do Bộ VH-TT&DL đang xây dựng yêu cầu “kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức có chức năng nghiên cứu thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam”, “giấy chứng nhận tại các cuộc thi, triển lãm, bình chọn công nhận hàng hóa, dịch vụ đó là nhất, duy nhất, tốt nhất”.

Nguồn Chiến lược Marketing