Truyền thông trong thảm hoạ: Niềm tin và sự nghi ngờ

Trong các thảm họa, khi nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng cần một thời gian khá dài để có đánh giá và kết luận chính xác, thì ảnh hưởng có thể nhìn thấy được ngay lập tức của nó dễ khiến công chúng hoảng loạn...

Vấn đề truyền thông trong các trường hợp thảm họa (tự nhiên hay có nguyên nhân từ yếu tố con người) là một vấn đề phức tạp.

Ngay cả chính phủ của các quốc gia có kinh nghiệm trong việc đối mặt với các cuộc khủng hoảng lớn vẫn phải đối mặt với các chỉ trích mạnh mẽ của công chúng về cách thức truyền thông trong thảm họa.

Có thể kể đến trường hợp của chính phủ Mỹ trong cơn bão Katrina hay chính phủ Nhật Bản trong vụ nổ lò phản ứng của nhà máy Fukushima - họ đã phải chịu sự chỉ trích nặng nề của giới truyền thông, các chuyên gia và cả các chính trị gia về cách thức và mức độ thông tin mà họ chia sẻ cho công chúng.

Shinzo Abe

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải chịu sự chỉ trích nặng nề của giới truyền thông vì sự cố lò hạt nhân Fukushima. Ảnh minh họa.

Cho nên, khôi phục niềm tin của công chúng sau các cuộc thảm họa môi trường là một vấn đề khó khăn. Trong các cuộc thảm họa, trong khi nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng cần một thời gian khá dài để có đánh giá và kết luận chính xác, thì ảnh hưởng có thể nhìn thấy được ngay lập tức của nó dễ khiến công chúng hoảng loạn và yêu cầu những thông tin “ngay lập tức”.

Khi chính quyền không làm được điều này, những nỗ lực xây dựng lại lòng tin sau thảm họa thường như leo ngược dốc. Các thảm họa về môi trường, khi để xảy ra, thường “không thể cứu chữa”, hay nói một cách khác, hầu như không thể khôi phục nguyên trạng hoặc cần một thời gian rất lâu (có thể tới cả trăm năm) - điều này càng làm vấn đề truyền thông càng trở nên phức tạp.

Tuy vậy, một số nguyên tắc sau đây sẽ giúp chính quyền tiến hành các hoạt động truyền thông hữu hiệu hơn:

Nguyên tắc thứ nhất, đó là phải có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của thảm họa. Khi công chúng không còn lòng tin vào chính quyền và các cơ quan tổ chức có mối liên hệ với chính quyền, họ sẽ đặt lòng tin vào những cơ quan tổ chức xã hội dân sự được coi là khách quan hoặc đứng về phía công chúng.

Khôi phục niềm tin của công chúng sau các cuộc thảm họa môi trường là một vấn đề khó khăn.

Thay vì hạn chế hoạt động của những tổ chức này, thì kêu gọi sự tham gia tích cực của họ với tư cách một bên thứ ba hay một đối tác của chính quyền sẽ tạo ra uy tín cần có. Trong trường hợp khi tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế mà chỉ có sự tham gia của Đại học Quốc gia và Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ thì sẽ không đủ tạo ra sự tin tưởng cho công chúng.

Nguyên tắc thứ hai, đó là số liệu số liệu và số liệu. Khi công chúng không còn tin vào các kết luận của chính quyền, họ vẫn giữ lòng tin nhất định vào các số liệu khoa học.

Cho nên, việc cung cấp các số liệu cụ thể theo một cách mà người dân bình thường cũng có thể hiểu được (những số liệu đo đạc của các vùng biển dưới dạng bản đồ infographic chẳng hạn) sẽ góp phần làm nhẹ đi các nghi ngờ của công chúng.

Nguyên tắc thứ ba, đó là thể hiện khả năng kiểm soát tình hình. Khả năng kiểm soát tình hình của chính phủ nằm ở việc xác định nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, phương pháp khắc phục và biện pháp phòng ngừa trong tương lai - phải làm cho công chúng hiểu được tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chỉ là một phần hay những bước đầu tiên của chính phủ trong một kế hoạch dài hơi hơn rất nhiều nhằm kiểm soát thảm họa môi trường này.

Nguyên tắc thứ tư liên quan đến cái mà các chuyên gia truyền thông gọi là “phương trình của lòng tin”.

Khi lòng tin của công chúng đã bị đánh mất, thì bất cứ một hành động, một phát ngôn nào cũng bị đặt dưới lăng kính của sự nghi ngờ.

Phương trình của lòng tin thường được tính bằng sự tín nhiệm+sự đáng tin+sự quen thuộc/ cái tôi, hay nói một cách khác, khi cái tôi của người truyền thông càng nhỏ thì lòng tin càng lớn.

“Cái tôi” ở đây được công chúng qui sự sốt sắng của chính quyền trong việc công bố biển an toàn. Cho nên, hãy cẩn trọng trong việc tuyên bố an toàn mà chỉ tập trung đánh giá hiện trạng - điều đó sẽ tạo ra sự tin tưởng hơn cho công chúng .

Nguyên tắc thứ năm, đó là cuối cùng cũng phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ? Sẽ phải có người đứng ra xin lỗi vì những phát ngôn chưa chuẩn xác, những thông tin chưa được kiểm chứng được đưa ra cho công chúng hay những dự đoán bất cẩn về nguyên nhân.

Khôi phục lòng tin là một điều khó khăn và đòi hỏi thời gian. Cần hiểu rằng, khi lòng tin của công chúng đã bị đánh mất, thì bất cứ một hành động, một phát ngôn nào cũng bị đặt dưới lăng kính của sự nghi ngờ.

Nguồn Infonet