Việt Nam nằm trong 12 thị trường mới (V12) tăng trưởng nhanh trên toàn cầu

Nhân dịp Ogilvy & Mather công bố báo cáo 12 thị trường mới tăng trưởng nhanh trên toàn cầu (V12) với Việt Nam nằm trong danh sách trên, Brands Vietnam đã có buổi trao đổi với ông Alan Couldrey, Giám đốc khu vực Ogilvy châu Á phụ trách nhân sự, kiêm chủ tịch nhóm các công ty Ogilvy tại Việt Nam, để hiểu thêm về sự thay đổi này đối với thị trường Việt Nam.

* Với vai trò là Giám đốc khu vực Ogilvy châu Á phụ trách nhân sự, kiêm chủ tịch nhóm các công ty Ogilvy tại Việt Nam, theo ông Việt Nam đóng vai trò quan trọng như thế nào trong khu vực?

Việt Nam luôn là thị trường quan trọng của Ogilvy trong khu vực ASEAN từ nhiều năm nay. Năm ngoái chúng tôi vừa kỷ niệm 20 năm có mặt tại thị trường này. Chúng tôi cũng định hướng rằng sự tăng trưởng của công ty tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của đất nước Việt Nam. Hiện tại có sự thay đổi về những đóng góp trực tiếp của văn phòng từ Việt Nam đối với khu vực. Điều hành nhân sự khu vực từ TP HCM cho phép chúng tôi kết nối những tài năng ở những thị trường khác, tạo đà cho việc nhiều dự án mang tầm vóc khu vực sẽ được điều hành từ đây.

Alan Couldrey

Ông Alan Couldrey, Giám đốc khu vực Ogilvy châu Á phụ trách nhân sự, kiêm chủ tịch nhóm các công ty Ogilvy tại Việt Nam.

* Ogilvy & Mather vừa công bố nghiên cứu 12 thị trường tăng trưởng nhanh (V12) tạo sức ảnh hưởng đến sự phát triển toàn cầu trong đó có Việt Nam.Ông có thể cho biết thêm điểm nổi bật của báo cáo này?

Báo cáo này đánh giá sự tăng trưởng nhanh dựa trên sự phát triển của tầng lớp trung lưu trên thế giới trong vòng thập kỷ tới. Chúng tôi gọi đây là những thị trường tăng trưởng nhanh vì tốc độ tăng trưởng kết hợp với việc lớn mạnh của tầng lớp trung lưu dẫn đến việc thay đổi trong nền kinh tế thế giới. Điểm đặc biệt là Việt Nam đang chuẩn bị đón nhận thêm 20 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu trong vòng 10 năm tới. Hai mươi triệu người này không chỉ có những nhu cầu cơ bản về sản phẩm, họ còn có nhu cầu tìm kiếm thêm những TV loại mới, điện thoại thông minh mới hay những chuyến du lịch nước ngoài thường xuyên…

* Những tiềm năng này có ý nghĩa gì cho các thương hiệu, thưa ông?Họ cần phải để ý đến những khía cạnh nào trong phong cách sống của người tiêu dùng?

“Thị trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn và những thương hiệu được yêu mến sẽ là những thương hiệu có chỗ đứng trong trái tim người tiêu dùng, hoặc là những thương hiệu ‘phá cách’ tạo ra những thay đổi trong hành vi tiêu dùng.”

Việc tăng hầu bao của người tiêu dùng cũng đồng nghĩa với việc có nhiều sự chọn lựa các thương hiệu khác nhau. Thị trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn và những thương hiệu được yêu mến sẽ là những thương hiệu có chỗ đứng trong trái tim người tiêu dùng, hoặc là những thương hiệu ‘phá cách’ tạo ra những thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

* Còn đối với các công ty truyền thông thưa ông? Họ có phải thay đổi cách làm chiến lược, kênh quảng cáo và nội dung để đáp ứng với sự tăng trưởng của người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu này?

Đương nhiên là các agency cần phải đổi mới để theo kịp sự thay đổi này. Mạng xã hội đã và đang thay đổi cách xây dựng thương hiệu ở Việt Nam. Tôi tin rằng sự thay đổi sẽ ngày càng nhanh hơn và nhiều hơn. Điều này sẽ làm thị trường trở nên sôi động nhưng cũng lo ngại khi chúng ta chứng kiến những cách làm cũ đang dần mất đi, có nghĩa các agency phải tự làm mới mình để cập nhật với xu thế mới.

* Báo cáo này củng cố những khuynh hướng chúng ta đã biết gần đây không thưa ông? Những loại sản phẩm nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo báo cáo này?

Dĩ nhiên là tất cả các thương hiệu dành cho tầng lớp trung lưu, kể cả những thương hiệu cao cấp phổ biến sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi này. Nhưng như tôi đã nêu ở trên, thị trường sẽ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Ngày nay người tiêu dùng có thể tự tìm kiếm và so sánh sản phẩm và dịch vụ một cách hoàn toàn khác. Những khuynh hướng mới này sẽ làm cho những thương hiệu yếu sẽ ngày càng khó đứng vững trên thị trường.

Ảnh chụp màn hình từ Báo cáo 12 thị trường mới tăng trưởng nhanh trên toàn cầu (V12) của Ogilvy.

* Có mặt ở Việt Nam trong cả hai lần kỷ niệm 10 năm và 20 năm Ogilvy tại Việt Nam, ông có thấy sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại trong thị trường thay đổi nhanh chóng này?

Sự thay đổi lớn nhất là sự có mặt và tầm ảnh hưởng của văn hóa internet ở đây. Lần tôi có mặt trong sự kiện 10 năm Ogilvy tại Việt Nam, internet đã có mặt nhưng sự thay đổi không đáng kể. Ngày nay mỗi người Việt Nam tôi gặp đều có Facebook, đều xem tin tức và tìm kiếm thông tin trên mạng và thậm chí hứng thú chơi trò tìm Pokemon GO… Tôi đã trải nghiệm nhiều và cảm thấy lo lắng về chất lượng cuộc sống đang dần bị chiếm lĩnh bởi cuộc sống ảo trên internet… nhưng tôi xin kết thúc cuộc phỏng vấn tại đây để kiểm tra Facebook của tôi.

[Để xem chi tiết báo cáo, vui lòng click vào đây]

Brands Vietnam